Đánh giá khả năng bảo hộ chống lại bệnh cúm gia cầm bằng phương pháp thử thách cường độc cho thấy có sự khác nhau có ý nghĩa về tỷ lệ bảo hộ ở gà, vịt được miễn dịch do tiêm vacxin và miễn dịch do kháng thể bị động truyền qua trứng từ gà mẹ có miễn dịch.
Ở gà được tiêm vacxin có hiệu giá kháng thể phát hiện bằng phản ứng HI ở mức ≥ 4log2 đều có khả năng bảo hộ 100%, trong khi đó ở cùng mức hiệu giá kháng thể này ở nhóm gà nhận được kháng thể bị động từ mẹ chỉ bảo hộ được 46.6%.
Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở vịt với sự khác nhau giữa nhóm vịt được tiêm vắc xin và nhóm vịt nhận kháng thể từ mẹ, mặc dù ở ngưỡng hiệu giá kháng thể HI giống nhau.
Do vậy trong những trường hợp khẩn cấp, ở các vùng dịch đe dọa, vacxin Navet- Fluvac 2 có thể tiêm cho gia cầm ở 7 ngày tuổi thậm chí sớm hơn.
Theo khuyến cáo của Cục Thú y, sau khi tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, hiệu giá kháng thể phát hiện bằng kỹ thuật HI đạt ≥ 4 log2 được xem là ngưỡng có khả năng bảo hộ cho gia cầm chống lại virus cúm A/H5N1. Đây thực sự là ngưỡng an toàn và trong các điều kiện bình thường về dịch tễ, sau khi tiêm vacxin cúm gia cầm, ngưỡng kháng thể này không khó để đạt được với một vacxin có chất lượng.
Tuy nhiên, có một thực tế được ghi nhận, hiện nay do sự can thiệp của kháng thể thụ động, sự lưu hành của virus cúm (có thể thể độc lực thấp) trong các đàn gia cầm nuôi và các yếu tố khác chưa xác định…, quan sát trong điều kiện sản xuất và tại phòng thí nghiệm cho thấy đáp ứng kháng thể ở gia cầm sau khi tiêm vacxin cúm gia cầm có xu hướng chậm hơn so với ở các giai đoạn trước đây.
Vì vậy cần cân nhắc thời điểm thích hợp lấy mẫu kiểm tra đáp ứng kháng thể sau khi tiêm phòng vacxin cúm và đề xuất của chúng tôi là nên kiểm tra ở thời điểm 4 tuần sau tiêm vacxin.
Nên lưu ý rằng hiện tượng stress có ảnh hưởng bất lợi đến đáp ứng kháng thể, vì vậy khi thực hiện qui trình tiêm phòng không thích hợp hoặc kỹ thuật tiêm không đúng, làm tổn thương quá mức ở vị trí tiêm hoặc tiêm không đúng vị trí sẽ có ảnh hưởng không tốt đến đáp ứng kháng thể ở gia cầm được tiêm phòng.
Sự biến đổi của vi rút cúm gây khó khăn cho việc nghiên cứu chế tạo vacxin và hiệu quả phòng bệnh của các vacxin đang sử dụng có thể không được như ý muốn. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự biến đổi nào cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tính không hiệu quả phòng bệnh của vacxin.
Để đánh giá sự khác biệt này cần có những nghiên cứu mang tính hệ thống, không đơn giản chỉ dựa vào kết quả giải trình gen của một vài chủng virus phân lập, mà điều quan trọng là phải có thử nghiệm lâm sàng trên động vật được tiêm vacxin và thử thách với chủng virus đang lưu hành phổ biến.
Hiện tượng bảo hộ chéo giữa virus cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 đã được nhận ra khi dùng vacxin Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2, tuy nhiên mức độ bảo hộ của 2 loại vacxin này cũng có thể có khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào sự khác nhau của các chủng cúm A/H5N6 đã và đang lưu hành.
Vacxin Navet – Fluvac 2 có khả năng bảo hộ được các subclade khác nhau của subtype H5N1, như: 1.1, 2.3.2.1 a.b.c, thậm chí với cả biến chủng mới của clade 2.3.2.1c được ghi nhận lưu hành trong 2 năm gần đây. Theo thông báo của Cục Thú y hiện nay clade 2.3.2.1c và cúm A/H5N6 là các biến chủng chính của virus cúm lưu hành chủ yếu ở nước ta và vacxin hiện đang sử dụng đều có khả năng bảo hộ chống lại các biến chủng này.
Mặc dù vậy, do sự biến đổi gần đây của virus cúm, đặc biệt đối virus cúm A/H5N6, do vậy nên tiếp tục có những nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng bảo hộ đối với các subtype khác ngoài cúm A/H5N1.
Ở thời điểm hiện tại không một vắc xin cúm nào có thể bảo hộ chống được hết các subtype của virus cúm, thậm trí các subclade trong một subtype, và vì vậy việc nghiên cứu là cần thiết để bổ sung các subtype mới hoặc clade mới, nhằm nâng cao, mở rộng phổ hoạt động của vacxin hiện có, cũng như cần tiếp cận sớm đối với các vacxin cúm chống lại virus cúm thuộc subtype H7N9 và H9N2.
Hiệu quả phòng bệnh cúm gia cầm dùng vacxin đã được chứng minh ở nước ta và việc sản xuất thành công vacxin trong nước đã giúp chúng ta chủ động được nguồn cung cấp vacxin cho người chăn nuôi gia cầm.