| Hotline: 0983.970.780

Không để bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi

Thứ Sáu 17/04/2020 , 12:28 (GMT+7)

Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện hết sức thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát trên vật nuôi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hiệu quả.

Theo thống kê của huyện Phong Điền, tổng đàn trâu, bò toàn huyện có gần 8.000 con; đàn gia cầm 420.000 con. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, phân bổ hóa chất cho các địa phương để tiêu độc khử trùng các đợt trong năm 2020; cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về các địa bàn có đàn vật nuôi lớn và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống như tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, khu vực chợ, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm..., chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Đàn gia cầm, thủy cầm đã được tiêm phòng đợt 1/2020. Ảnh: Văn Bốn.

Đàn gia cầm, thủy cầm đã được tiêm phòng đợt 1/2020. Ảnh: Văn Bốn.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền Lê Văn Minh thông tin, song song với công tác tiêu độc khử trùng, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2020, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương.

Cụ thể, các chủng loại vắc xin tiêm phòng bao gồm vắc xin lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng cho trâu, bò, vắc xin kép (tụ huyết trùng - phó thương hàn), dịch tả cho đàn lợn và vắc xin tiêm phòng dại chó...

“Đến nay cơ bản trên địa bàn huyện đã thực hiện xong công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với công tác tiêm phòng vắc xin, trung tâm đã quán triệt đến từng nhân viên thú y kế hoạch tiêm phòng, quy trình bảo quản, sử dụng vắc xin; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể để hỗ trợ kỹ thuật; đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hóa chất, vắc xin cho các địa phương để đảm bảo thực hiện công tác tiêm phòng đúng theo kế hoạch đã đề ra”, ông Minh cho biết thêm.

Phong Xuân là một trong những xã có tổng đàn vật nuôi lớn của huyện Phong Điền. Để hạn chế đến mức thấp nhất những dịch bệnh có thể xảy ra, cùng với việc thường xuyên triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đàn vật nuôi và các khu vực công cộng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với UBND xã Phong Xuân hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch thông qua tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.

Khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, trong quá trình chăm sóc cần thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi; khi có biểu hiện hoặc nghi bị dịch bệnh thì không giấu bệnh mà cần báo sớm cho cơ quan chuyên môn và chính quyền để xử lý, khoanh vùng dập dịch sớm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan rộng...

Tổ chức phun thuốc sát trùng chuồng trại. Ảnh: Văn Bốn.

Tổ chức phun thuốc sát trùng chuồng trại. Ảnh: Văn Bốn.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, địa bàn xã với lợi thế vùng gò đồi nên phát triển chăn nuôi bò và phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm, để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt kết quả, UBND xã đã chỉ đạo các thôn rà soát, thống kê đầy đủ đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, phương tiện, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định. UBND xã cũng chỉ đạo các địa bàn hướng dẫn người chăn nuối khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phân công cán bộ kỹ thuật và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh nếu xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đàn bò của huyện Phong Điền được duy trì, phát triển ổn định. Ảnh: Văn Bốn.

Đàn bò của huyện Phong Điền được duy trì, phát triển ổn định. Ảnh: Văn Bốn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.