Bà Bùi Thị Thơ, một hộ trồng rừng tại xã Thành Long (Thạch Thành) cho biết, gia đình bà có 5ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC. Vừa rồi, gia đình bà thu hoạch được 300 tấn gỗ tròn và 150 tấn gỗ dăm, bán được 460 triệu đồng. Trừ chi phí khai thác 90 triệu đồng, trồng và chăm sóc 45 triệu đồng, còn lãi ròng 325 triệu đồng/5ha/6 năm.
Trồng rừng FSC đem lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội |
“Theo tính toán, nếu để 1 năm sau mới thu hoạch, hiệu quả kinh tế có thể tăng thêm 10-15%. Nhưng như thế này thì hiệu quả kinh tế cũng đã tăng 10-15% so với trồng rừng nguyên liệu thông thường rồi. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với người trồng rừng như chúng tôi là chi phí để thẩm định và cấp chứng chỉ FSC vẫn còn khá cao”, bà Thơ cho biết.
Theo người trồng rừng ở Thạch Thành, để được cấp chứng chỉ FSC, quá trình trồng và chăm sóc phải đảm bảo nguyên tắc: Nói không với thuốc BVTV; khai thác không để xăng nhớt rơi vãi; có đường khai thác tốt; vùng đệm ven các suối phải chống được xói mòn, cây tái sinh không được cắt; đất trồng rừng phải được cấp "sổ đỏ", không có tranh chấp…
Ông Bùi Văn Long, Chủ tịch UBND xã Thành Long nêu ra nhiều lợi ích trong việc trồng rừng FSC: “Điều quan trọng là không sử dụng thuốc BVTV tránh được ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường. Trước kia, sau khi thu hoạch các hộ dân đốt phát tràn lan. Nhưng nay, việc đốt dọn đã có ý thức cao hơn, vun từng đống nhỏ, đốt nhỏ lẻ, tránh cháy rừng, chai cứng đất. Lợi ích từ trồng rừng FSC là rất lớn”, ông Long cho hay.
Ông Long cũng cho biết, trồng và cấp chứng chỉ rừng FSC bắt đầu được thực hiện nhiều ở Thành Long từ năm 2017. Đến nay, toàn xã có 576 hộ tham gia với diện tích 586 ha (chiếm gần 64% diện tích rừng trồng toàn xã). Hiện việc cấp chứng chỉ rừng FSC đang được một doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ. Doanh nghiệp này thuê một đơn vị độc lập của nước ngoài về đánh giá, cấp chứng chỉ sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn trồng rừng thông thường từ 10-15%.
“Trồng rừng FSC được định hướng theo 10 tiêu chí. Nhưng quan trọng nhất là 3 tiêu chí xã hội, môi trường, kinh tế. Tôi thấy, đây là một hướng đi bền vững cần áp dụng để tăng hiệu quả nghề trồng rừng. Chúng tôi đang muốn đưa thêm 200 ha nữa vào quy trình trồng rừng FSC. Tuy nhiên, chi phí thẩm định, cấp chứng chỉ khá cao nên nhiều hộ còn lưỡng lự”, ông Long nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC là hai mục tiêu quan trọng của lâm nghiệp Thanh Hóa trong những năm tiếp theo. Hiện tỉnh có trên 1.500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn rừng trồng thông thường 10-15%. Các sản phẩm chế biến từ rừng trồng sẽ được đưa vào thị trường châu Âu.
Tại một Hội nghị về chế biến nông – lâm – thủy sản gần đây được tổ chức tại Thanh Hóa, ông Cao Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng, cấp chứng chỉ rừng FSC là một nhu cầu, xu hướng phát triển tất yếu. Gỗ Việt Nam muốn có thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế không còn cách nào khác là phải được cấp chứng chỉ FSC.
“Năng suất rừng trồng của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 10-15m3/ha/năm trong khi các nước trong khu vực là 20-25m3/ha/năm. Chúng tôi muốn hỗ trợ người trồng rừng để cấp chứng chỉ nhưng vẫn còn những rào cản nhất định về đất đai. Vì thế, trong quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, chúng tôi mong muốn các nhà hoạch định chính sách sẽ đặc biệt lư ý vấn đề này”. ông Thanh chia sẻ. |