Đến xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, dưới tán rừng keo trồng bạt ngàn, phủ kín một quả đồi, chúng tôi được tận mắt chứng kiến từng đàn gà Tiên Yên đang nối đuôi nhau, len lỏi dưới những gốc cây kiếm mồi.
Được biết, chủ trang trại là anh Lý Đức Bảo, người dân tộc Dao Thanh Y. Anh Bảo là một trong những người tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ.
Năm 2014, huyện Tiên Yên xây dựng và triển khai Đề án phát triển đàn gà Tiên Yên, nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng cây dược liệu (gọi tắt là Đề án "2 con, 1 cây"). Anh Bảo đã vay vốn chăn nuôi gà Tiên Yên.
Để có được giống gà Tiên Yên chất lượng, anh Bảo chạy xe máy hàng chục cây số và đi nhiều lượt, gom đủ 500 con gà 21 ngày tuổi. Từ đó, bắt đầu quá trình chăn nuôi giống gà bản địa thơm ngon này.
Hiện nay, Tiên Yên đã chủ động nguồn giống gà với 4 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng công suất 1,2 triệu con/năm. Đến hết năm 2022, tổng sản lượng đàn gà Tiên Yên đạt trên 500.000 con, số xuất chuồng đạt 1,1 triệu con, tăng 12% so với năm 2021.
Để giải quyết từng bài toán khi chăn nuôi gà Tiên Yên, anh Bảo đã tự mày mò, kết hợp học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của những người đi trước. Từ việc chăn gà ra sao, cho gà ăn như thế nào, đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh làm sao để gà phát triển khỏe mạnh…
“Thời gian đầu, tôi chưa có kinh nghiệm nên gà hay bị bệnh, rồi gà tích nhiều mỡ. Dần dần, khi đã làm chủ được quy trình chăn nuôi, gà từ tháng thứ 2 cho ăn ngô kết hợp thả vườn, thả đồi. Do vận động liên tục nên thịt gà săn chắc, chất lượng, mùi vị cũng khác trước rất nhiều. Từ đó, ngày càng nhiều thương lái tìm đến mua gà của gia đình tôi”, anh Bảo chia sẻ.
Đến nay, tổng đàn gà Tiên Yên của anh Bảo đã chạm ngưỡng 1 vạn con. Gia đình anh có 6 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 300m2 trên diện tích 3ha đất đồi. Nhờ tán rừng keo trồng phía trên tạo bóng mát, nên đàn gà cứ thế thoải mái rong chơi, bới đất tìm mồi. Chúng chỉ ở chuồng vào chập tối, đến sáng là lại tản ra khắp rừng.
Nhờ kiên trì, quyết tâm, lấy thất bại làm bài học, đến năm 2017, mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của anh Lý Đức Bảo đã trở thành hình mẫu để các hộ dân trên địa bàn học tập, làm theo để phát triển kinh tế.
“Từ thành công của mô hình, tôi đã vận động các hộ dân xung quanh cùng làm theo. Bên cạnh đó, tôi đã hỗ trợ từ xây dựng chuồng trại, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… Nhờ đó, các cơ sở chăn nuôi gà Tiên Yên tại xã Phong Dụ ngày một nhiều hơn, kinh tế người dân cũng nâng cao hơn so với trước”, anh Bảo vui vẻ tâm sự.
Đặc biệt, anh Bảo còn giúp đỡ bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm gà Tiên Yên, đứng ra bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm hơn khi chăn nuôi giống gà đẹp như tranh vẽ này.
Ông Phùn Tắc Sếnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Dụ, cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của anh Lý Đức Bảo đã mở ra hướng đi mới để người dân địa phương học tập trong việc phát triển kinh tế, từ thoát nghèo đến làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương”.
Hiện nay, gà Tiên Yên là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Tiên Yên nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nhằm tăng năng suất, tăng giá trị thu nhập cho người dân trên địa bàn, huyện Tiên Yên đang có nhiều giải pháp để nhân giống và phát triển đàn gà theo hướng đi bền vững.
Cùng với đó, hỗ trợ người dân trong việc kết nối với các kênh tiêu thụ như các sàn thương mại điện tử, các nhà hàng trên địa bàn huyện Tiên Yên và nhiều thành phố lớn trên địa bàn tỉnh như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái...
Huyện Tiên Yên đã tập trung xây dựng thương hiệu OCOP gà Tiên Yên. Cụ thể, Phòng NN-PTNT và lãnh đạo các xã đã hỗ trợ người dân làm thủ tục thương hiệu OCOP. Tổ chức hội thi Vua gà Tiên Yên nhằm quảng bá hình ảnh giống gà đặc sản bản địa đến với người tiêu dùng. Đến nay, đã có 1 HTX chăn nuôi gà Tiên Yên có sản phẩm OCOP được cấp 4 sao, 5 HTX có sản phẩm được cấp 3 sao. Huyện đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý gà Tiên Yên nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ thương hiệu sản phẩm này.