| Hotline: 0983.970.780

Hồ đập kiên cố, ruộng đồng không lo thiếu nước

Thứ Sáu 19/11/2021 , 08:12 (GMT+7)

Sơn Dương là một trong những huyện có nhiều hồ đập lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là địa phương có nhiều công trình “già cỗi” đang được nâng cấp, sửa chữa.

Huyện Sơn Dương được đầu tư nâng cấp 6 công trình hồ đập từ nguồn vốn WB8. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Sơn Dương được đầu tư nâng cấp 6 công trình hồ đập từ nguồn vốn WB8. Ảnh: Đào Thanh.

Hơn 65 tỷ nâng cấp hồ đập

Chỉ tính riêng từ nguồn vốn chương trình WB8, năm 2020, 2021, huyện Sơn Dương có 6 công trình hồ đập, được đầu tư nâng cấp, cải tạo với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 65,3 tỷ đồng. Đây đều là những công trình hồ thủy lợi lớn, diện tích từ 2ha trở lên đảm bảo tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng 2 vụ lúa của người dân trên địa bàn huyện Sơn Dương. Các công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư.

Việc sửa chữa nâng cấp công trình nhằm phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh; đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, cải tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Quy mô xây dựng gồm sửa chữa, nâng cấp công trình hồ chứa bao gồm các hạng mục chính: Đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường quản lý vận hành kết hợp cứu hộ cứu nạn, nhà quản lý.

Công trình thủy lợi hồ Khe Thuyền, thôn Khe Thuyền 1, xã Văn Phú huyện Sơn Dương được đầu tư xây dựng từ năm 1981. Do được đầu tư 40 năm, đến nay nhiều hạng mục xuống cấp, đe dọa an toàn hồ đập và đời sống của người dân dưới chân hồ cũng như việc đảm bảo tưới chắc cho diện tích ruộng của người dân.

Tháng 8/2020, công trình được đầu tư với tổng vốn hơn 10 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục như mái thượng, hạ lưu đập, hệ thống tràn, đường quản lý, cống lấy nước... Đến nay các hạng mục đã cơ bản được hoàn thành, sẵn sàng vận hành đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho hơn 100ha lúa và cây rau màu của hơn 400 hộ dân 2 xã Văn Phú và Chi Thiết.

Xã Đại Phú có 2 công trình hồ đập lớn là hồ Hoa Lũng và hồ Hải Mô. Các công trình này là nguồn cung cấp chính đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho bà con nhân dân. Đây cũng những công trình có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản kết hợp với du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nguồn nước trong xanh.

Trong 2 công trình này thì công trình hồ Hải Mô được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn dự án WB8, tổng vốn đầu tư hơn 10,4 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành hơn 81% khối lượng công trình, gồm phần đập thi công cơ bản hoàn thiện mái thượng lưu đập; hoàn thành khoan phụt chống thấm; thi công hoàn thành nhà quản lý. Còn các hạng mục như bê tông đỉnh đập, hệ thống quan trắc, đường hoàn trả đang tích cực được triển khai. Dự kiến cuối tháng 12/2021 công trình sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hồ thủy lợi được đầu tư nâng cấp vừa đảm bảo an toàn hồ đập vừa đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con. Ảnh: Đào Thanh.

Hồ thủy lợi được đầu tư nâng cấp vừa đảm bảo an toàn hồ đập vừa đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho bà con. Ảnh: Đào Thanh.

Gỡ khó để về đích sớm

Theo kế hoạch, một số công trình trong số 6 công trình được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn dự án WB8 của huyện Sơn Dương nêu trên dự kiến đến tháng 2/2022 mới hoàn thành. Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và đơn vị thi công đang nỗ nực gấp rút hoàn thành các hạng mục, phấn đấu đến hết ngày 31/12 sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 6/6 công trình.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các công trình, dự án đó là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các công trình này diện tích đất cần phải giải phóng mặt bằng hơn 29.000m2 đất của các cá nhân, tập thể. Theo đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Sơn Dương thực hiện đúng quy định của nhà nước về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đồng thời thực hiện những nội dung công việc thuộc thẩm quyền liên quan. Đến nay, về cơ bản các công trình không bị mắc trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Từ nguồn vốn WB8 xã Trung Yên được đầu tư nâng cấp 2 công trình là hồ Ao Búc, tổng vốn đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng và hồ Trung Long với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, diện tích đất phải thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng là gần 14.000m2, chủ yếu là đất nông nghiệp mục đích cấy lúa, nuôi thủy sản và trồng rừng của các hộ dân có đất sản xuất xung quanh khu vực lòng hồ.

Được chủ đầu tư và chính quyền xã vận động, giải thích các hộ dân đã đồng thuận di dời giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Đến nay, công trình đã hoàn thiện được hơn 90% khối lượng công việc và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Lũy, cán bộ địa chính xã Trung Yên cho biết, 2 hồ thủy lợi Ao Búc và Trung Long được nâng cấp, sửa chữa sẽ hạn chế được việc rò rỉ nước mà trước kia khi chưa được nâng cấp, sửa chữa gặp phải gây lãng phí thất thoát lớn. Hơn nữa trước đây là đập đất, hệ thống các hạng mục đã xuống cấp là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn hồ đập. Nay công trình được xây dựng kiên cố, hiện đại hồ đập được an toàn mà còn đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho hơn 100ha lúa trên địa bàn xã.

Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình hồ đập cũng được các cấp ngành của tỉnh Tuyên Quang chú trọng, Hiện nay, tại các hồ đập đều có cán bộ thực hiện quản lý, giám sát hệ thống hồ sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo độ bền, hiệu quả và an toàn cho công trình.

Hồ Cây Dâu, thị trấn Sơn Dương được đầu tư nâng cấp các hạng mục với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Hồ Cây Dâu, thị trấn Sơn Dương được đầu tư nâng cấp các hạng mục với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Phan Văn Đức, cán bộ của Ban quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh Tuyên Quang phụ trách địa bàn thị trấn Sơn Dương cho biết, công trình hồ thủy lợi Cây Dâu vừa được đầu tư hơn 4 tỷ đồng để hoàn thành hạng mục đập chính như tràn xả lũ, đường quản lý vận hành, cống kéo dài, đường hoàn trả, khoan phụt chống thấm.

Sau khi hoàn thành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang thực hiện bàn giao cho Ban quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh Tuyên Quang quản lý, vận hành. Đến nay việc vận hành diễn ra bình thường, diện tích lòng hồ rộng 4ha, mực nước cao nhất đạt 9,6m, mực nước trung bình khoảng hơn 7m. Công trình đảm bảo tưới chắc cho hơn 30ha lúa của người dân các tổ dân phố Măng Ngọt, An Ninh, Thượng Châu, Thịnh Tiến của thị trấn Sơn Dương.

Huyện Sơn Dương hiện có 418 công trình thủy lợi, trong đó có 204 công trình hồ chứa và hơn 100 đập xây, địa bàn rộng với nhiều hệ thống sông, suối. Việc nâng cấp, sửa chữa cũng như thực hiện các phương án bảo vệ các công trình thủy lợi sẽ hạn chế các sự cố xảy ra, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bảo vệ các công trình hồ đập được đầu tư nâng cấp, sau khi ban giao đưa vào sử dụng ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo các Ban quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, thường xuyên kiểm tra các công trình được giao quản lý để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy cơ phát triển thành sự cố công trình và các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

    Tags:
Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm