Bạn đồng môn của anh có người leo đến thứ trưởng Bộ Thủy lợi.
Nhờ anh hay đau đáu với vợ mà tôi biết việc hộ đê ở Bắc nó quan trọng như thế nào. Tôi, con dân miền Tây Nam bộ, trong tầm mắt chưa từng biết một con đê, một triền đê, một cái điếm canh đê, một ánh đuốc thảng thốt trong đêm mưa lũ và tiếng trống dồn thúc giục mọi người “hộ đê đơi, hộ đê đơi!”.
Thả diều trên triền đê |
Tràn ngập trong văn chương giáo khoa thư phổ cập từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau là những áng văn những câu thơ bất hủ về chuyện đê điều, miền xanh, lãng mạn và cả sinh mệnh con người. Một lần giao lưu với học sinh ở Cần Thơ, khi ấy tôi đã ra Bắc vào Nam nhiều nên rất dễ mô tả cho các em cảnh đê điều, bởi vì các em cũng “dốt đặc” về đê như tôi thuở nhỏ.
Chúng tôi đã rong ruổi bằng xe máy trên những con đê gắn với những gì nổi tiếng: đê sông Đáy gắn với hai nữ tướng nơi họ lẫm liệt trầm mình, đê sông Cầu với câu hát mà tôi thích nhất “tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời”, đê sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm, dĩ nhiên sông Hồng với những hào hùng “Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu” và cả trữ tình ngô nghê như hai câu này “Giá như có thể thanh xuân được/Thì anh ăn hết một đê vừa”. Các bạn có biết “đê vừa” Xuân Diệu nhắc tới là đâu không, là đê ổi ở Quảng Bá - Nhật Tân. Một đê vừa, tức cười mà khiến phải thuộc, vì nó của Xuân Diệu.
Nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội nổ ra tranh luận có nên cho dân xây nhà ngoài đê sông Hồng không? Bạn đồng môn với anh Thân, thứ trưởng Trần Nhơn hào hứng ủng hộ, bảo phải thành chủ trương để dân không “nhảy dù” xây dựng lung tung, ngày trước không có xi-măng sắt thép, giờ có rồi, làm nhà để gia cố chân đê luôn thể!
Nhà văn Nguyễn Quang Thân phản đối cực lực, đê vốn không bền vững, những lỗ mội tầng sâu sẽ ăn xuyên chân đê mà nếu không được hộ đê hàng mùa, hàng năm, nếu không dễ phát hiện và khi sự cố đã đến thì cả Hà Nội sẽ tang thương! Viết báo phản biện, không ăn thua, giờ những lớp nhà kiên cố đã dày đặc ngoài đê sông Hồng. Nhà văn hay trầm ngậm khi nói rằng nếu phải phân lũ để cứu Thủ đô thì các quãng đê sông Bùi, sông Nhuệ, sông Đáy… lãnh đủ, mạng dân treo trên đọt cây. Thủy hỏa đạo tặc, không dưng mà dân gian xếp hiểm nguy từ nước trước hết.
Chuyện Chương Mỹ bị ngâm nước hơn 20 ngày qua khiến người xem xốn xang và hình dung sự thống khổ của người trong cuộc. Nhà văn Nguyễn Quang Thân nếu còn sống hẳn phải bức xúc trên báo: Đê điều là chuyện sinh mệnh quốc gia, cũng như giữ rừng để giữ nước và làm chậm lũ là sinh mệnh của toàn dân có lẽ trừ Nam bộ ra (Nam bộ liên quan đến sông Đồng Nai và sông Cửu Long). Ai cũng biết rừng đang mất dần. Cùng với 7.000 đập thủy điện lớn nhỏ hình thành trong 20 năm qua, chao ơi, con số khủng khiếp ấy nói rằng rừng đã kiệt, lũ đang hung, đê điều sẽ không ai dám bảo đảm là an toàn nữa!
Đất nước dài và mong manh nhìn kỹ từ trên cao. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu, các vùng hiểm yếu ven biển sẽ bị mặn xâm lấn. Và mỗi năm từ 8 đến 13 trận bão đều đều thì chuyện sạt lỡ, lũ quét, xả nước, vỡ đập và chuyện Chương Mỹ không phải duy nhất. Người Chương Mỹ chịu số phận phân lũ nhưng Hà Tây đã nhập vào Hà Nội, vì vậy Chương Mỹ ngập úng có nghĩa là Hà Nội đã mất ưu thế tuyệt đối về đê. Đê yếu, thời tiết cực đoan hay là lỗi không trù tính trước của chính quyền? Sẽ không chỉ như năm nay, chắc chắn như vậy, khi đê điều phải gia cố bằng bao cát!
Rừng đã từng là rừng già rừng quý rừng hiểm, lúa nước đã từng nuôi sống triệu triệu người nhờ hệ thống đê điều cực kỳ thông minh can cường của người Việt. Và vô số sản phẩm làm ra danh tiếng của quốc gia từ cây trồng, tựu trung cũng nhờ cuộc sống của người nông dân yên ổn dưới tán rừng xa, đê điều gần và cả sự kỹ trị của những triều vua anh minh. Có phải áp lực dân số, tức dân đông lên nhanh quá nên nhà mọc ở chỗ yếu, khi mưa lũ về như đến hẹn lại lên thì hình ảnh người dân hẩm hiu ở khắp nơi? Có phải đông dân và lưới điện cần rộng khắp nên hệ thống thủy điện đã phát triển như vũ bão? Lòng người bất an bởi giáo dục, bởi y tế, bởi tham nhũng, bởi thuế khóa… chừng như trong mùa ướt, người ta còn nơm nớp hơn. Làm sao, làm sao cho dải đất hàng ngàn năm nay vững và mạnh như nó đã từng?