| Hotline: 0983.970.780

Hồ hởi vụ tôm mới

Thứ Tư 12/01/2022 , 09:30 (GMT+7)

KIÊN GIANG Vụ lúa - tôm trúng mùa, được giá, không chỉ tạo điều kiện cho nông dân tái đầu tư, mà còn là môi trường thuận lợi để bắt đầu thả nuôi vụ tôm mới.

Vào đà thuận lợi

Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL vừa thu hoạch xong vụ lúa – tôm (còn gọi là lúa lấp vụ, lúa luân canh trên nền đất nuôi tôm), với niềm vui trúng mùa, được giá. Thời tiết vụ lúa vừa qua khá thuận lợi, mưa đều, công tác rửa mặn đầu vụ tốt.

Hơn nữa, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống cống kiểm soát nguồn nước trên tuyến đê biển được đầu tư phát huy hiệu quả. Do đó, lúa không bị xâm nhập mặn vào cuối vụ, đạt năng suất cao.

Sau vụ lúa, nông dân tích cực tu sửa bờ vuông, chuẩn bị tốt môi trường để vào vụ nuôi tôm nước lợ mới. Ảnh: Trung Chánh.

Sau vụ lúa, nông dân tích cực tu sửa bờ vuông, chuẩn bị tốt môi trường để vào vụ nuôi tôm nước lợ mới. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Kiên Giang, diện tích lúa - tôm nông dân vừa thu hoạch gần 58.400 ha, năng suất bình quân ước đạt 4,86 tấn/ha, sản lượng hơn 265.000 tấn lúa thương phẩm. Không chỉ vui trúng mùa, khâu tiêu thụ cũng rất tốt. Lúa sau khi thu hoạch được các thương lái thu mua hết với giá tương đối cao.

Cụ thể, đối với lúa ST24, ST25 giá dao động từ 8.100 - 8.500 đồng/kg, các giống khác như OM 2517, OM 4900, lúa lai F1, lúa mùa địa phương giá từ 5.600 - 6.000 đồng/kg. Nếu nông dân đầu tư làm lúa hữu cơ, làm liên kết với doanh nghiệp, giá sẽ cộng thêm khoảng 500 – 1.000 đồng/kg nữa. 

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tập trung phổ biến lịch thời vụ thả giống tôm nuôi nước lợ năm 2022, hướng dẫn kỹ thuật công nghệ nuôi mới, gắn với an toàn bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Tổ chức hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thu hoạch gần 2 ha lúa – tôm cấy giống ST24 cách đây khoảng 20 ngày, ông Phan Văn Giới (xã Đông Hòa, huyện an Minh, Kiên Giang) đang tích cực chuẩn bị lại vuông nuôi để lấy nước mặn vào. Đồng thời, làm ao vèo để mua tôm giống về thả, vừa phục vụ diện tích ruộng nhà, vừa bán tôm ký cho bà con thả nuôi.

Theo ông Giới, năm nào làm lúa trúng mùa thì vụ nuôi tôm sau đó thường thuận lợi. Vì cây lúa sẽ giúp xử lý chất tồn dư từ vụ tôm trước hiệu quả, gốc rạ của lúa sẽ là môi trường cho tôm con trú ẩn cũng như tạo sinh vật phù du, tăng thức ăn tự nhiên cho tôm. Vì vậy, hiện nông dân ở đây đang rất hồ hởi để vào vụ tôm mới.

Tuy nhiên, do mới đầu vụ, nước mặn vào chưa nhiều nên tôm giống khi mua về phải vèo để thuần dưỡng cho thích nghi, chứ thả ra nuôi luôn sẽ không đảm bảo, thậm chí chết hết. Vì vậy, bà con thường chọn giải pháp là mua tôm các trại đã ương vèo sẵn hoặc mua tôm ký (tôm trại đã thả nuôi khoảng 10 - 20 này), vừa tránh thiệt hại con giống vừa rút ngắn thời gian nuôi.

Hiện giá tôm sú giống đang có mức tăng nhẹ từ 5 - 10 đồng/con. Tôm sú cỡ post 10 - 12, giá 50 - 60 đồng/con; tôm post 14 - 15, giá 70 - 80 đồng/con. Còn tôm ký tùy cỡ lớn nhỏ (đã được thả nuôi trong vuông từ 12 - 15 ngày, đạt cỡ 10.000 – 12.000 con/kg) sẽ có giá khoảng 200 – 250 đồng/con.  

Ông Phan Văn Giới quan sát, kiểm tra tôm giống mới mua về trước khi thả vào bồn ương vèo, chuẩn bị cho vụ tôm mới. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phan Văn Giới quan sát, kiểm tra tôm giống mới mua về trước khi thả vào bồn ương vèo, chuẩn bị cho vụ tôm mới. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Trần Hải Bằng (xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) cho biết, hiện các cống đã được mở, độ mặn ở hệ thống kênh, mương đang tăng nhanh, nông dân đã có thể lấy vào vuông nuôi tôm. Theo anh Bằng, năm nay lúa trúng, bán được giá nên bà con có điều kiện đầu tư cho vụ nuôi tôm.

“Sau khi thu hoạch lúa, gia đình tôi đã tranh thủ bắt cá, diệt hết cá tạp và giáp xác… Tôi chọn mua tôm ký các trại đã thuần sẵn, nuôi trong ao đất, phù hợp với độ mặn của vuông nhà để có thời gian xử lý nước ban đầu thật tốt. Vụ tôm này đã có khỏi đầu tốt, hi vọng thời tiết thuận lợi, khoảng 3 tháng sau nông dân sẽ có tôm thu hoạch, đạt năng suất”, anh Bằng kỳ vọng.

Mở rộng diện tích thả nuôi

Năm 2021, Kiên Giang thả nuôi được 136.000 ha tôm các loại (tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh), sản lượng thu hoạch ước đạt 104.700 tấn, tăng gần 7.000 tấn so với kế hoạch. Kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 140.000 ha tôm, sản lượng thu hoạch 108.500 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm – lúa chiếm nhiều nhất với 107.600 ha, sản lượng 58.000 tấn, tôm nuôi quảng canh và quảng canh tải tiến, 28.800 ha, sản lượng hơn 11.000 tấn…

Nông dân kiểm tra độ mặn nguồn nước trong vuông nuôi trước khi bắt tôm giống về thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân kiểm tra độ mặn nguồn nước trong vuông nuôi trước khi bắt tôm giống về thả nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, để đảm bảo vụ nuôi tôm mới thắng lợi, Sở đã ban hành khung thời vụ thả nuôi tôm và khuyến cáo nông dân thực hiện… Theo đó, vùng U Minh Thượng (khu vực nôi tôm – lúa chính của tỉnh) thả giống tôm sú từ tháng 1 đến 4/2022, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2022. Riêng khu vực ven biển từ kênh chống Mỹ đến đê quốc phòng (sát biển, có nước mặn sớm), thả giống tôm sú từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2022.

Vùng ven sông Cái Lớn thuộc Tây sông Hậu, thả giống tôm sú từ tháng 1 đến 3/2022, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8. Vùng Tứ giác Long Xuyên, các huyện Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên, thả giống tôm sú từ tháng 3 đến 4/2022, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8. Riêng huyện Hòn Đất thả giống tôm sú từ tháng 4 đến 5/2022, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.

Nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa, thả tôm giống từ tháng 2 đến 7/2022, thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi. Người nuôi nên bố trí ao ương vèo tôm giống thời gian từ 2 đến 3 tháng trước khi thả ra vuông nuôi diện rộng.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch mùa vụ, ương vèo tôm giống trước khi thả ra vuông nuôi trên diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch mùa vụ, ương vèo tôm giống trước khi thả ra vuông nuôi trên diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Kiểm soát chặt chất lượng tôm giống

Các cơ quan chuyên môn tập trung phổ biến về khung lịch thời vụ, kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2022 ngay từ đầu vụ. Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh tập trung nguồn lực phối hợp tổ chức kiểm dịch con giống vận chuyển, chuẩn đoán xét nghiệm bệnh. Chủ động nguồn hóa chất khử trùng, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, phát hiện sớm, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Vận hành hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, cung cấp thông tin để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn các cơ sở sản xuất tôm tôm giống, hộ nuôi tôm thương phẩm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 342 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, bao gồm 20 cơ sở sản xuất giống tôm sú, 2 công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, 2 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, 123 cơ sở sản xuất giống cua biển và 195 cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản.

Năm 2021, toàn tỉnh đã sản xuất và ưng dưỡng giống thủy sản được gần 17 tỷ con, bao gồm sản xuất tại chỗ được gần 3,6 tỷ con giống, trong đó tôm sú 498,5 triệu con, tôm thẻ chân trắng hơn 2,95 tỷ con, tôm càng xanh 22,9 triệu con và cua biển là 120,7 triệu con. Ngoài ra, còn nhập từ tỉnh ngoài về ương dưỡng, cung cấp cho các hộ nuôi được trên 13,1 tỷ con giống tôm các loại.

Mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL lên 720 ngàn ha

Theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, tăng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng lên 720 ngàn ha.

Cụ thể, quy hoạch đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng đạt trên 990 ngàn ha, gồm nuôi nước mặn, lợ 740 ngàn ha, nuôi nước ngọt 150 ngàn ha và nuôi lồng, bè đạt 1,26 triệu m3. Trong đó, riêng nuôi tôm nước lợ đạt 720 ngàn ha, sản lượng 1,2 triệu tấn.

Vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với các đối tượng nuôi gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, nhuyễn thể và các giống loài thủy sản mặn lợ khác.

Phát triển nuôi tôm nước lợ với các hình thức nuôi sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa ở khu vực ven biển, nuôi thâm canh áp dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.