| Hotline: 0983.970.780

Tự nhân vi sinh vật bản địa làm chế phẩm để nuôi tôm ở Kiên Giang

Thứ Năm 16/12/2021 , 13:40 (GMT+7)

Kiên Giang Nhiều nông dân vùng U Minh Thượng đã tự nhân vi sinh vật bản địa làm chế phẩm xử lý môi trường nuôi tôm, chất tẩy rửa, biến rác thành phân hữu cơ.

Nhanh, dễ, tiện, chất lượng

Lang thang tìm các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, biến phụ phẩm, chất thải thành sản phẩm hữu ích, tạo nền nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, tôi được TS. Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Kho học – Công nghệ Kiên Giang giới thiệu: “Nhà báo cứ về vùng U Minh Thượng, gặp anh Nguyễn Quốc Nam, người đã hướng dẫn rất nhiều nông dân nhân bản vi sinh vật bản địa (viết tắt tiếng Anh là IMO) phục vụ sản xuất rất hiệu quả…”

Anh Nguyễn Quốc Nam (bên phải) hướng dẫn hộ nông dân tạo ra vi sinh vật bản địa - IMO gốc, từ đó ứng dụng xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, ủ rác, cá tạp để tạo ra dung dịch phân phón hữu cơ để sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Quốc Nam (bên phải) hướng dẫn hộ nông dân tạo ra vi sinh vật bản địa - IMO gốc, từ đó ứng dụng xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, ủ rác, cá tạp để tạo ra dung dịch phân phón hữu cơ để sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Trung Chánh.

Các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, bao gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, được thiên nhiên ban tặng cho sở hữu Vườn quốc gia U Minh Thượng khá nổi tiếng. Đây là khu rừng tràm ngập nước rộng lớn, có tính đa dạng sinh học rất cao, nhất là có nhiều loài vi sinh vật có nguồn gốc bản địa sinh sống trong môi trường tự nhiên.  

Anh Nguyễn Quốc Nam chia sẻ: “Vi sinh vật bản địa - IMO cả có ích và có hại nơi nào cũng có, vấn đề là mình có biết cách phân lập nó và sử dụng một cách hữu ích hay không mà thôi. Và quan trọng là làm sao cách thực hiện phải nhanh, dễ, tiện, rẻ, chất lượng, hiệu quả thì nông dân mới chịu làm và áp dụng”.

Anh Nam biết cách nhân giống vi sinh vật bản địa là nhờ sự hướng dẫn của ThS. Hoàng Sơn Công, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và nông nghiệp tại Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ. ThS. Công cũng là người sáng lập ra Liên minh Nông nghiệp tử tế, đang có sức lan tỏa khá mạnh. Từ khi học được cách làm, anh Nam đã đi chia sẻ khắp nơi, nhất là quê hương vùng U Minh Thượng, được nhiều nông dân hưởng ứng làm theo rất hiệu quả.

Dùng vi sinh vật bản địa - IMO gốc để ủ, sẽ tạo ra mùi thơm của các loại rau, củ, quả đã lên men, chứ không phải mùi hôi thối thường gặp bốc lên từ các đống rác. Ảnh: Trung Chánh.

Dùng vi sinh vật bản địa - IMO gốc để ủ, sẽ tạo ra mùi thơm của các loại rau, củ, quả đã lên men, chứ không phải mùi hôi thối thường gặp bốc lên từ các đống rác. Ảnh: Trung Chánh.

Tại nhà anh Nam (xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng) và nhiều hộ dân các xã lân cận, đều tận dụng can dầu ăn, thùng sơn, xô nhựa để ủ vi sinh vật bản địa – IMO để ứng dụng vào thực tế trong cuộc sống. Từ đó, chiết suất ra chế phẩm IMO gốc, tiếp tục ủ thêm với các loại rau, củ, quả sẵn có tại địa phương, rác hữu cơ sinh hoạt hằng ngày, cá tạp, ốc bươu vàng… để sử dụng với các mục đích khác nhau. Tùy vào mục đích sử dụng, sẽ có công thức ủ khác nhau, nhưng nhìn chung là rất dễ thực hiện, ai cũng có thể làm được, rẻ tiền mà rất hiệu quả.

Anh Nam chia sẻ: “Cách tạo ra vi sinh bản địa – IMO gốc khá đơn giản. Cần chuẩn bị thùng chứa 20 lít, khoảng 17 lít nước đã khử Clo, 50 gr cám gạo, 1 lít rỉ mật đường, 3 hộp sữa chua, 5 cục men rượu lớn, giã nát, 2 trái chuối sim chín, lột vỏ, giã nát, khóm 1 trái, để nguyên vỏ cắt nhỏ (có thể thay bằng xoài, thanh long, nhãn…), trái bình bát vàng, bỏ vỏ, bóp nhuyễn, gừng củ 100gr, giã nhỏ, 5 gói men tiêu hóa (mua ở tiệm thuốc tây).

Sau đó, bỏ tất cả các nguyên liệu vào thùng, đổ nước khuấy đều. Đậy nắp, không quá kín để oxy có thể vào, phơi nắng 2 tiếng. Sau đó đem vào trong mát để 7 ngày, 2 ngày khuấy 1 lần. Sau 2-3 ngày ngửi thấy mùi chua và ngọt, trên mặt thùng xuất hiện bọt khí, là được. Chắt hỗn hợp đã ủ hòa loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1/10 và phun thử vào rác thải, phân heo, gà... nếu hết mùi hôi là thành công”.

Rẻ mà hiệu quả

Học được cách ủ vi sinh vật bản địa – IMO do anh Nam hướng dẫn, anh Nguyễn Hoàng Vũ (ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) đã ứng dụng vào việc nuôi tôm của gia đình 2 năm nay, mang lại hiệu quả khá cao. Theo chân anh Vũ ra sau nhà, ngay lối đi cạnh ao tôm là thùng ủ vi sinh vật bản địa khá lớn. Mở nắp thùng ủ là mùi thơm của các loại rau, củ, quả đã lên men, chứ không phải mùi hôi thối thường gặp bốc lên từ các đống rác.

Anh Vũ kể, trước đây với hơn 1 ha đất nuôi tôm, mỗi năm gia đình phải tốn ít nhất từ 6-7 triệu đồng tiền mua các loại men vi sinh, chất xử lý môi trường nước, mà chỉ dám sử dụng dè sẻn, hết sức tiết kiệm. Nhưng với cách ủ vi sinh vật bản địa này, cả năm rồi chỉ tốn chưa hết 500 ngàn đồng mua nguyên liệu, mà sử dụng rất thoải mái, cần là có tạt xuống vuông tôm ngay.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ (bên phải) đã ứng dụng vi sinh vật bản địa - IMO vào việc nuôi tôm của gia đình 2 năm nay, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ (bên phải) đã ứng dụng vi sinh vật bản địa - IMO vào việc nuôi tôm của gia đình 2 năm nay, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Cách làm của anh Vũ cũng khá đơn giản, từ chế phẩm vi sinh vật bản địa – IMO gốc (tự ủ), chiết ra ủ tiếp với xác cây chuối, trái chuối chín, trái khóm, cám gạo, mật rỉ đường… Khoảng 1 tuần là có thể sử dụng tạt xuống ao để xử lý môi trường nước rất hiệu quả. Nếu trộn thức ăn cho tôm thì ủ thêm với củ gừng xay nhuyễn, rất tốt cho hệ tiêu hóa và các bệnh đường ruột thường gặp. Còn để bón cho cây trồng quanh vuông tôm, hoa kiểng quanh nhà thì ủ thêm với cá tạp bắt từ vuông tôm lên.

“Đa phần người dân ở đây nuôi tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng, khi tôm lớn gần đến ngày thu hoạch nhà nông sợ nhất là tôm nổi đầu do nghẹt oxy, sẽ chết rất nhanh. Nguyên nhân khi tôm lớn khối lượng trong ao sẽ nhiều, chất thải ra nhiều, môi trường nước dễ bị dơ, sinh độc tố. Thế nhưng, đợt rồi do ảnh hưởng dịch Covid-19 tôi không thể bán được tôm càng xanh, buộc phải neo lại, tôm lớn tới 8-10 con/kg (thông thường 12-15 con là thu hoạch), mà tôm vẫn phát triển tốt, nhờ môi trường nước sạch, đẹp”, anh Vũ kể câu chuyện của gia đình để chứng minh cho hiệu quả khi sử dụng vi sinh vật bản địa - IMO.

Hai bạn Lê Thị Thu Thủy và Trần Thị Quỳnh Chính sử dụng vi sinh vật bản địa – IMO gốc, để ủ với trái cây, rác thải sinh hoạt, cá tạp để làm ra dung dịch phân đạm hữu cơ trồng rau và vườn thuốc Nam, vừa rẻ tiền vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Hai bạn Lê Thị Thu Thủy và Trần Thị Quỳnh Chính sử dụng vi sinh vật bản địa – IMO gốc, để ủ với trái cây, rác thải sinh hoạt, cá tạp để làm ra dung dịch phân đạm hữu cơ trồng rau và vườn thuốc Nam, vừa rẻ tiền vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Ở cùng ấp với anh Vũ, 2 bạn trẻ Lê Thị Thu Thủy và Trần Thị Quỳnh Chính sau khi học được cách tạo ra vi sinh vật bản địa – IMO đã chế ra nước rửa chén bát, phân hữu cơ trồng rau và vườn thuốc Nam hiệu quả. Bạn Quỳnh Chính chia sẻ, ở đây là vùng điệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng, có rất nhiều loại trái cây, cây cho sinh khối có thể ủ với vi sinh vật bản địa - IMO gốc để ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Cách làm này không quá khó, rẻ tiền mà lại giảm được ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ chế phẩm vi sinh vật bản địa – IMO gốc, có thể dùng làm nước rửa chén, tẩy rửa sàn nhà, xử lý hầm cầu, xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Còn tùy mục đích sử dụng có thể ủ thêm với rác hữu cơ, cá tạp tạo ra dung dịch phân đạm hữu cơ, ủ với trái chuối chín, thân cây chuối tạo ra phân kali. IMO gốc ủ chung với các loại củ, quả có vị cay, chua, chát như: ướt, tỏi, gừng, quả cau khô, hột bình bát… làm ra thuốc trừ sâu sinh học cũng khá hiệu quả.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.