Điều dễ dàng nhận thấy nhất trên gương mặt các y, bác sỹ của Bình Định trước khi lên đường đi tiếp viện cho thành phố Đà Nẵng trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 là sự háo hức.
Chính vì vậy mà khi cơ quan chủ quản vừa thông báo về việc chi viện nhân lực cho tâm dịch Đà Nẵng, hàng chục y, bác sĩ của 7 đơn vị y tế ở Bình Định là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) và 5 Trung tâm Y tế: Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và Tuy Phước đã đăng ký xung phong lên đường.
Họ đi với tâm thế hừng hực ước muốn được cống hiến, nhưng không khỏi “vấp phải” sự lo lắng của gia đình, người thân. Họ phải tự thân làm công tác tư tưởng với cha mẹ, anh chị em trong gia đình để chuyến đi được thong dong.
Trong đợt này, Trung tâm Y tế TX An Nhơn có 2 bác sĩ trẻ hệ dự phòng của khoa Kiểm soát bệnh tật được tham gia.
“Trong khi cả nước đang đồng lòng chung tay chống dịch Covid-19 thì quyết định chia lửa cho vùng dịch của tôi không có gì là đặc biệt, mà bất cứ ai đã khoác lên người chiếc áo blouse trắng cũng đều mong muốn được như vậy.
Sở dĩ tôi có mặt trong chuyến đi này là nhờ tôi nhanh tay đăng ký trước anh em trong cơ quan nên được chọn mà thôi”, bác sĩ trẻ Nguyễn Thanh Kiệt của Trung tâm Y tế TX An Nhơn, chia sẻ.
Nữ bác sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thủy Tiên, đang công tác tại Khoa tai-mũi-họng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, tâm sự: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lại, có lẽ do bệnh nghề nghiệp nên bất cứ lúc nào rảnh là tôi lên mạng và chỉ đọc toàn thông tin về tình hình dịch bệnh, nhất là diễn biến tại tâm dịch Đà Nẵng.
Nhìn những hình ảnh đồng nghiệp của mình tất bật nơi tuyến đầu chống dịch, lòng tôi đã dấy lên ý nguyện nếu có điều kiện sẽ sẵn sàng xung phong chia lửa với đồng nghiệp nơi tâm dịch.
Thế nên khi giám đốc bệnh viện thông báo việc chi viện nhân lực cho tâm dịch Đà Nẵng là tôi đăng ký ngay. Tâm nguyện tôi mang theo trong chuyến đi này là cống hiến hết khả năng của mình và đến khi hết dịch mới về”.
Cũng có người xung phong đi tiếp sức cho tâm dịch Đà nẵng trong đợt này nhận được sự ủng hộ của gia đình ngay từ đầu. Ví như trường hợp của Điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định Nguyễn Công Huấn.
Trong chiến tranh, cha Huấn là người lính từng xông pha trận mạc, thế nên khi thấy con xung phong đi ra tuyến đầu chống dịch, ông không chỉ vui vẻ ủng hộ ngay mà còn động viên con tận lực cống hiến hết khả năng của mình trong thời gian chia lửa cùng anh em đồng nghiệp ở tâm dịch.
Chỉ trong 1 đêm mà đã có đến 21 bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đăng ký danh sách xung phong đi chi viện, thế nhưng chỉ 10 người được chọn theo phân bổ. Tâm nguyện của những người không được chọn trong đợt này là nếu Đà Nẵng còn có nhu cầu chi viện trong thời gian tới là họ sẽ đứng đầu trong danh sách đăng ký.
Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định: Ngay khi có thông tin yêu cầu chi viện từ UBND TP Đà Nẵng, Sở Y tế Bình Định đã lập tức thông tin cho các đơn vị y tế chủ lực, trọng điểm của tỉnh để tính toán sớm nguồn nhân lực tăng cường, hỗ trợ cho Đà Nẵng. Ngành y tế ưu tiên chọn các y, bác sĩ trẻ, khỏe, chưa có gia đình. Bởi, chúng tôi lường trước là công việc nơi tâm dịch sẽ rất vất vả, nên cần phải có sức khỏe mới có thể góp phần cống hiến cho công tác phòng chống dịch Covid – 19, chia sẻ nhiệm vụ nặng nề của lực lượng y tế ở tâm dịch Đà Nẵng.