| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ 50% chi phí mua vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục

Thứ Tư 22/11/2023 , 14:32 (GMT+7)

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò từng khiến ngành chăn nuôi tỉnh Bắc Kạn lao đao, nhưng trong hai năm gần đây, tình hình đã được kiểm soát, không xuất hiện dịch bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục từng lây lan rộng tại Bắc Kạn khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bệnh viêm da nổi cục từng lây lan rộng tại Bắc Kạn khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm 2020, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Bắc Kạn, có 21 con bò tại xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn) mắc bệnh. Sau đó, dịch lan rộng, đến tháng 6/2021, bệnh lây lan ra 329 thôn của 73 xã thuộc 8 huyện, thành phố. Thời điểm đó, ngành chăn nuôi tỉnh Bắc Kạn lao đao, nhiều nông hộ chăn nuôi lâm cảnh khó khăn.

Cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cuối tháng 6/2021, tỉnh Bắc Kạn bắt đầu tiêm vacxin Lumpyvac phòng bệnh bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn. Đến tháng 12/2021, sau thời gian tiêm phòng, tất cả các ổ dịch bệnh trên trâu, bò tại 73 xã, phường, thị trấn trên địa bản tỉnh Bắc Kạn đã được kiểm soát hoàn toàn, địa phương công bố hết dịch bệnh theo quy định Luật Thú y.

Bà Phạm Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) cho biết, hơn 2 năm vừa qua bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc không còn xuất hiện. Đàn trâu, bò tại địa phương phát triển tốt. Đây là thành công lớn vì chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục mang lại hiệu quả cao cho tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục mang lại hiệu quả cao cho tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Kạn đánh giá, việc triển khai tiêm kịp thời vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò là một trong những giải pháp chính ngăn chặn thành công dịch bệnh. Thời điểm đó, nếu không tiêm phòng kịp thời, việc ngăn chặn dịch sẽ rất khó khăn do bà con chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tình trạng thả rông gia súc còn phổ biến.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong kế hoạch phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tiêm vacxin đồng loạt, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt trên 80% tổng đàn.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn này, Bắc Kạn sẽ mua 242.000 liều vacxin, kinh phí gần 8,5 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%. Riêng năm 2023 sẽ tiêm khoảng 36.000 liều vacxin phòng bệnh trên đàn trâu bò.

Trong giai đoạn 2023 - 2030, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua vacxin để tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục tại những vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Đối với những vùng còn lại, doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi chủ động mua vacxin theo hình thức xã hội hóa để tiêm phòng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, sau một thời gian bệnh viêm da nổi cục được khống chế, tâm lý chủ quan của người chăn nuôi đã bắt đầu quay trở lại. Năm 2023, tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục tại Bắc Kạn mới được khoảng 2.000 liều (đạt trên 20% so với kế hoạch).

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Kạn cho biết, tỷ lệ tiêm phòng năm 2023 đạt thấp là do sau một gian dài không xảy ra bệnh nên người dân lơ là, chủ quan không muốn tiêm phòng. Phần lớn số thuốc đã tiêm tập trung ở một số ổ dịch cũ có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Chăn nuôi trâu, bò mang lại nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân khu vực nông thôn Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chăn nuôi trâu, bò mang lại nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân khu vực nông thôn Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Với việc tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, bệnh viêm da nổi cục có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Để ngăn ngừa, ngành chuyên môn và các địa phương thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm truyền bệnh.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đặt lực lượng phòng dịch cơ sở trong tình trạng sẵn sàng ứng phó khi có dịch, khi cần có thể thành lập được ngay các tổ, chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông. Trong kịch bản ứng phó, tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương chuẩn bị đầy đủ hóa chất để phun khử khuẩn thường xuyên, khi có dịch ngay lập tức phun khử trùng để ngăn dịch lây lan.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.