| Hotline: 0983.970.780

Do không tiêm phòng, nhiều nơi phát sinh ổ dịch viêm da nổi cục

Thứ Ba 06/06/2023 , 06:11 (GMT+7)

Sau một tháng phát sinh dịch, lực lượng thú y Quảng Bình phối hợp các địa phương trong tỉnh bao vây dập dịch thành công bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.

Lực lượng thú y tỉnh Quảng Bình kiểm tra dịch bệnh trên đàn bò tại huyện Quảng Trạch. Ảnh: TP.

Lực lượng thú y tỉnh Quảng Bình kiểm tra dịch bệnh trên đàn bò tại huyện Quảng Trạch. Ảnh: TP.

Từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 50 hộ/10 thôn ở các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hưng, Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) và xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa), làm 500 con bò mắc bệnh và chết. 

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh tại các địa phương là ổ dịch cũ năm 2021 tái phát. Bên cạnh đó, một số trâu, bò chưa được tiêm phòng vacxin năm 2021 và 2022, cộng thời tiết đang trong giai đoạn nóng, ẩm đã tạo điều kiện cho vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển mạnh.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình cho biết, trước tình trạng trên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. UBND tỉnh ban hành công điện về triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Để hỗ trợ các địa phương khi hệ thống thú y cơ sở không còn, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã cử 2 cán bộ về Quảng Trạch và Tuyên Hóa phối hợp địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, theo dõi dịch bệnh; hướng dẫn các hộ đang có bò mắc bệnh tăng cường chăm sóc, điều trị nhằm giúp cho vật nuôi nhanh hồi phục, hạn chế thấp nhất bò chết. Ngoài ra, hỗ trợ các địa phương 150 lít hóa chất sát trùng và 15 bộ áo quần bảo hộ phòng, chống dịch.

Tại các địa phương có dịch, nhiệm vụ bao vây, dập dịch đang được thực hiện rốt ráo. Các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật được củng cố, nhiệm được phân công cho từng thành viên. Một số địa phương thành lập Đội ứng phó nhanh về công tác phòng, chống dịch hỗ trợ cho người dân.

Nhiều địa phương khẩn trương thực hiện phun sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi tại các thôn đang có dịch, trong đó tập trung tại các hộ đang có bò mắc bệnh. Hiện, các xã đã mua 2,2 tấn vôi bột và sử dụng 125 lít hóa chất để thực hiện sát trùng.

Lưc lượng thú y phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi có lây nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc. Ảnh: TP.

Lưc lượng thú y phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi có lây nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc. Ảnh: TP.

Văn Hóa là xã đầu tiên ghi nhận bò bị bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Tuyên Hóa trong năm 2023.

Ông Trần Đức Hiến, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết, sau khi phát hiện bò bị bệnh, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các khu nuôi nhốt. Đồng thời, tiến hành tiêm vacxin phòng bệnh.

Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 1.100 con gia súc lớn, trong đó 200 con đã được tiêm vacxin. Rút kinh nghiệm từ năm 2021, dịch bệnh viêm da nổi cục đã khiến 45 con trâu, bò bị chết và tiêu hủy, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ hộ chăn nuôi đăng ký vacxin tiêm cho đàn trâu, bò còn lại, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa năm 2021 có gần 2.240 con trâu, bò của 1.563 của 19 xã, thị trấn bị bệnh viêm da nổi cục, trong đó 382 con bị chết và buộc phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 63 tấn, gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng cho người dân. Riêng 2022, huyện Tuyên Hóa không ghi nhận trâu, bò bị bệnh này, nhưng đó không phải là lý do để chính quyền các địa phương chủ quan, lơ là. 

Năm 2023, UBND huyện Tuyên Hóa hỗ trợ 50% kinh phí tiêm vacxin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục. Trên cơ sở số lượng đàn trâu, bò đăng ký tiêm của các địa phương, tháng 4 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa  đã chuyển giao trên 3.600 liều để tổ chức tiêm phòng đợt 1. Hiện các địa phương đang tổ chức tiêm phòng, đồng thời đăng ký bổ sung tiêm phòng đợt 2.

Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết, số liệu đăng ký tiêm phòng cả 2 đợt của các địa phương mới chỉ được trên 10.000 liều, trong khi kế hoạch huyện giao là gần 18.000 liều nên nguy cơ đàn trâu, bò phát bệnh và lây lan rất lớn.

Trong khi đó, tại huyện Quảng Trạch, công tác phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương chú trọng. Xã Quảng Phương đã nhanh chóng tổ chức triển khai tiêm phòng 200 liều vacxin viêm da nổi cục cho đàn gia súc và đang tiếp tục triển khai.

Ông Nguyễn Văn Định, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho hay: “Để khống chế hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh viêm da nổi cục lây lan, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, không chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh”.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất