Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn, từ ngày 10/1/2023, bệnh viêm da nổi cục bắt đầu khởi phát từ xã Bình Trung và Bình Chương với số lượng ban đầu có 23 con bò bị mắc bệnh. Đến nay, bệnh đã lây lan ra thêm 11 xã khác với 112 con bò của 103 hộ chăn nuôi có triệu chứng. Trong đó, 11 con đã chết, 14 con đã khỏi, số còn lại đang tiếp tục được điều trị.
Gia đình ông Huỳnh Văn Lâm (trú thôn Xuân Yên Đông, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) có 4 con bò có 3 con mắc bệnh viêm da nổi cục. Ông Lâm cho biết, toàn bộ đàn bò của ông trước đây đã tiêm phòng vacxin nhưng đến nay bò vẫn bị nhiễm bệnh.
“Sau khi phát hiện, tôi đã báo cho thú y xã đến kiểm tra, xử lý, thực hiện theo hướng dẫn, vệ sinh cho bò 1 ngày 2 lần. Đồng thời, tôi cũng tiến hành rải vôi bột để tiêu độc, khử trùng, tránh dịch bệnh lây lan sang đàn bò của các gia đình xung quanh. Tuy nhiên, đến nay 1 con trong đàn đã chết, 1 con mới chỉ giảm nhẹ triệu chứng”, ông Lâm nói.
Ngoài bệnh viên da nổi cục, trên địa bàn huyện Bình Sơn còn xuất hiện thêm nhiều con bò mắc bệnh lở mồm long móng. 2 loại bệnh này xuất hiện đồng thời khiến người chăn nuôi tại đây đứng ngồi không yên.
Gia đình bà Võ Thị Ngọc Hà (trú thôn Xuân Yên Tây, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) có 8 con bò có 7 con mắc bệnh lở mồm long móng, 1 con còn lại mắc bệnh viêm da nổi cục với triệu chứng nặng.
“Với căn bệnh lở mồm long móng nhiều năm qua đã xuất hiện nên người dân chúng tôi cũng có kinh nghiệm chữa trị. Còn bệnh viêm da nổi cục không biết phải xử lý thế nào. Tôi đã dùng cả thuốc thú y, thuốc nam mà hiệu quả không cao. Với người dân chúng tôi, con bò là tài sản rất lớn nên khi thấy cả đàn bị bệnh như thế, ngày nào tôi cũng thường xuyên túc trực ngoài chuồng để điều trị." Bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, đến nay đàn bò nhà bà đã mắc bệnh hơn 1 tháng rưỡi, chi phí thuốc men cũng hết gần 8 triệu. Nay gia đình bà chỉ mong các ngành chức năng hỗ trợ vacxin cũng như các loại thuốc hiệu quả để người dân không bị thiệt hại cũng như tránh lây lan thêm.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông tin, bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện ở 3 xã gồm Bình Chánh, Bình Phước và Bình Hiệp với số lượng 38 con bò mắc bệnh. Đối với bệnh này, do từ đầu năm đến nay, số lượng bò được tiêm vacxin chưa nhiều cùng với tình hình thời tiết đang có mưa, độ ẩm cao nên khả năng trong thời gian tới sẽ còn có nguy cơ tiếp tục lây lan.
Ông Ngô Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh trên đàn bò ở địa phương, đơn vị này đã chủ động, phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra, khoanh vùng ổ dịch, cấp vacxin, hóa chất để tiêm phòng bao vây và khử trùng tiêu độc môi trường vùng dịch. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch lây lan.
Trung tâm đã cấp 250 lít hóa chất Rebencid, 1.900 liều vacxin viêm da nổi cục và 5.100 liều vacxin lở mồm long móng từ nguồn phân bổ của tỉnh cho các xã thị trấn thực hiện tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Cấp 12.200 liều vacxin viêm da nổi cục từ nguồn ngân sách huyện, ngân sách xã và xã hội hóa cho các xã thị trấn thực hiện tiêm phòng.
“Hiện, Trung tâm đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, thu gom, mua bán, vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch và các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh thay đổi đơn giá tiền công hỗ trợ cho người trực tiếp tiêm phòng. Bởi, đơn giá tiền công tiêm phòng quá thấp so với thực tế, không thu hút được người tham gia tiêm phòng; sớm giải quyết kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy; nghiên cứu ban hành cơ chế và bố trí kinh phí giải quyết một số sự cố thường xuyên xảy ra trong quá trình tiêm phòng như bò bị gãy chân, hỗ trợ lực lượng thú y cơ sở tham gia công tác tiêm phòng”, ông Thành thông tin.