| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ nông dân mất trắng vụ lúa do chuột

Chủ Nhật 01/09/2013 , 12:09 (GMT+7)

Trước mắt, tỉnh trích từ nguồn dự phòng hỗ trợ ngay cho bà con nông dân với mức 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại.

Sau khi NNVN có bài viết: "Mất mùa vì chuột” phản ánh vụ HT năm nay, tại HTX Hoành Vinh có diện tích lúa bị chuột phá hại mất trắng đến trên 140 ha. Sáng ngày 31/8, ông Nguyễn Hữu Hoài- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Quảng Ninh đã kiểm tra cụ thể việc chuột phá hại lúa vụ HT tại các HTX Hoành Vinh, Thống Nhất (xã An Ninh- Quảng Ninh-Quảng Bình).

>> Mất mùa vì chuột

Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại trên đồng lúa tại các địa phương, ông Nguyễn Hữu Hoài đã chia sẻ với những thiệt hại mà bà con nông dân huyện Quảng Ninh gặp phải, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng sớm tiến hành kiểm tra và thống kê đầy đủ diện tích lúa bị sâu bệnh, đặc biệt là nạn chuột gây hại ở xã An Ninh và các xã khác để tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các giải pháp cho thời gian tới.

Trước mắt, tỉnh trích từ nguồn dự phòng hỗ trợ ngay cho bà con nông dân với mức 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại. “Mức hỗ trợ này cũng rất ít so với thiệt hại của bà con. Bởi bà con thiệt hại trung bình 1,2 triệu đồng/sào, nhưng mức hỗ trợ chỉ được 100 ngàn đồng. Nhưng dù sao rất mong bà con vượt qua khó khăn để lao động sản xuất”- ông Hoài chia sẻ.


Ông Nguyễn Hữu Hoài và lãnh đạo các ban ngành kiểm tra thực tế tại đồng ruộng

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ- Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, vụ HT năm 2013, huyện Quảng Ninh gieo cấy được trên 2.660ha lúa (kế hoạch 3.000 ha). Thời gian qua, do tình hình thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều diện tích lúa HT bị nhiễm sâu bệnh và chuột phá khá nặng. Trong đó diện tích lúa bị mất trắng do chuột gây hại là 350ha. Xã An Ninh là địa phương được đánh giá có diện tích bị chuột phá hoại cao nhất tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột hại lúa là do năm ngoái không có lũ lớn nên chuột không bị chết và sinh sôi với tốc độ nhanh. Mặt khác, tình trạng một số diện tích lúa bỏ hoang cũng là điều kiện cho chuột phát triển. Vì vậy, nạn chuột di cư sang các vùng khác để gây hại.

“Bước vào vụ HT, xác định sẽ gặp khó khăn trong việc phòng trừ chuột phá hại, UBND huyện đã trích ngân sách gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương mua thuốc, bả sinh học, bạt ni lông; đồng thời phát động phong trào diệt chuột rộng khắp. Tuy nhiên, do mưa lớn từ những đợt bão cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2013 đã làm cho một số diện tích vùng thấp trũng bị ngập nước khiến chuột di cư sang các vùng khác, nơi có diện tích lúa để phá gây nên thiệt hại lớn cho nông dân”- ông Thụ nhấn mạnh thêm.…


Cánh đồng HTX Hoành Vinh mất trắng vì chuột phá hại

Thời gian tới, để hạn chế tối đa nạn chuột gây hại đối với sản xuất vụ đông-xuân cũng như HT năm 2014, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quyết tâm không được để đất hoang (đây là nguyên nhân dẫn tới nạn chuột sinh sôi mạnh). Tích cực áp dụng các biện pháp tổng hợp về phòng trừ nạn chuột ngay từ đầu mùa vụ; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân về cách thức chuyển đổi cơ cấu các bộ giống có năng suất, chất lượng cao thay thế dần những bộ giống đã lạc hậu, hiệu quả thấp. “Những diện tích trồng lúa một vụ, năng suất thấp không được bỏ hoang mà chuyển sang trồng các loại cây khác như dưa, lạc, rau màu…Khẩn trương tổ chức họp dân để chia sẻ với những rủi ro với bà con nông dân; đồng thời rút ra kinh nghiệm hay trong vấn đề phòng trừ chuột hại nhằm áp dụng cho những vụ mùa sau”-ông Nguyễn Hữu Hoài chỉ đạo.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất