| Hotline: 0983.970.780

Hoài Nhơn coi trọng phát triển sản xuất

Thứ Năm 05/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau 4 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Dân đóng góp trên 21 tỷ đồng

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Hoài Nhơn có 15 xã tham gia, trong đó có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015, năm xã về đích trong giai đoạn 2016-2020 và 5 xã hoàn thành trong giai đoạn sau năm 2020.

Trong năm 2014, xã Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn NTM. “Hiện chúng tôi đang lập hồ sơ đề nghị xã Hoài Châu được công nhận vào quý I/2015”, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nói.

Theo ông Trương, năm vừa qua là năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện “cất cánh”. Riêng năm 2014, Hoài Nhơn đã bê tông hóa trên 50 km đường trục xã, thôn. Đã có 14/15 xã có đường trục xã đạt chuẩn 100%, 9/15 xã có đường trục thôn được bê tông đạt trên 70%; cứng hóa gần 100 km đường ngõ xóm; mở rộng, nâng cấp trên 60 km nội đồng. Bê tông kênh mương trên 15 km, đến nay đã có 5/15 xã đạt chuẩn tiêu chí bê tông kênh mương.

Trong năm 2014, Hoài Nhơn được công nhận mới 4 trường đạt chuẩn quốc gia, khởi công xây dựng 6 trường học các cấp và 3 trung tâm văn hóa xã; hoàn thành đưa vào sử dụng 1 trạm y tế xã và nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình khác.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Định, huyện Hoài Nhơn là địa phương thực hiện tốt việc vận động thi đua chung sức xây dựng NTM.

Trong năm 2014, nhân dân huyện đã đóng góp tiền mặt, đất đai, cây cối, ngày công lao động… giá trị trên 21 tỷ đồng. Ngoài đóng góp được 10 tỷ đồng tiền mặt, nhân dân Hoài Nhơn đã hiến trên 86.000m2 đất, trên 5.500 cây trồng lâu năm, trong đó có 1.448 cây dừa và đóng góp 2.263 ngày công.

Tại Hội nghị Sơ kết Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và cờ thi đua cho 7 xã đã về đích. Đồng thời thưởng cho 2 xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và Phước An (Tuy Phước) mỗi xã 2 tỷ đồng vì đã về đích sớm trong quý 1/2014 và 5 xã về đích trong quý 4/2014 gồm: Bình Nghi (Tây Sơn), Nhơn Lộc (TX. An Nhơn), Cát Trinh (Phù Cát), Mỹ Hiệp và Mỹ Lộc (Phù Mỹ) mỗi xã 1,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Trương cho biết: “Những điểm sáng trong phong trào chung sức xây dựng NTM tại Hoài Nhơn là các xã: Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Sơn, Hoài Hương, Tam Quan Bắc, Hoài Hảo”.

Với kế hoạch đến hết năm 2015 Hoài Nhơn sẽ có 5/15 xã đạt chuẩn NTM, đạt 33% tổng số xã trên địa bàn, trong bối cảnh các xã đăng ký về đích trong năm 2015 còn nhiều khó khăn là thách thức lớn cho huyện này.

Đặt nặng phát triển sản xuất

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, theo ông Trương, trong năm 2015 Hoài Nhơn phải tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn như: Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Châu Bắc.

Trong kế hoạch thực hiện, Hoài Nhơn đặt nặng vấn đề phát triển SX. Trong năm 2015, Hoài Nhơn sẽ ráo riết tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển SX đã có, trong đó tập trung điều chỉnh quy hoạch ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với điều kiện lợi thế từng vùng và nhu cầu của thị trường.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản địa phương có lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ KHKT vào SX để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu SX. Hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại để tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường sinh thái.

“Chúng tôi đã quy hoạch 162,5 ha ở những địa phương nằm dọc đường phía Tây tỉnh nhằm phát triển đề án chăn nuôi, thu hút các DN tham gia xây dựng trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng theo hướng công nghệ cao với quy mô 300 con bò/mỗi trang trại”, ông Trương cho biết.

Một nhiệm vụ không kém phần nặng nề trong thời gian tới trong công cuộc xây dựng NTM tại Hoài Nhơn là nâng cao chất lượng chất lượng môi trường nông thôn, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt và môi trường chăn nuôi.

Về vấn đề này, theo ông Phạm Trương cho biết, huyện đang rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ của cấp tỉnh. “Chúng tôi đang rất cần UBND tỉnh đẩy mạnh chương trình hỗ trợ hầm biogas, đệm lót sinh học; tập huấn hướng dẫn người dân quy trình sử dụng, bảo dưỡng hầm biogas đảm bảo theo tiêu chuẩn. Chúng tôi đang đau đầu về tình trạng người dân sử dụng không phù hợp hầm biogas gây quá tải làm ô nhiễm môi trường hiện đang xảy ra trên địa bàn”, ông Trương cho hay.

Hiện nay, ở Hoài Nhơn đã xuất hiện điểm sáng về dồn điền đổi thửa tại thôn An Qúy Bắc thuộc xã Hoài Châu. Nông dân thôn này đang tự nguyện thực hiện việc dồn điền đổi thửa để SX được tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tiến độ dồn điền đổi thửa ở thôn để rút kinh nghiệm. Nếu thành công, chúng tôi sẽ triển khai diện rộng trong những năm tới”, ông Phạm Trương phấn khởi cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.