Sản vật trời ban
Cái hồ chứa nước Ia Mơr rộng 2.800 ha, không chỉ mang nước về tưới mát cho những cánh đồng, cho người dân vùng biên có nước sạch để dùng, mà còn tạo sinh kế cho cả trăm hộ dân có thêm một nghề mới: Nghề đánh bắt thủy sản.
Suốt dọc vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia này, đã từ lâu, người ta biết đến rất nhiều loài cá quý, độ ngon thì khó nơi đâu sánh bằng như cá lăng, cá chốt, cá chạch, cá bống…
Trước đây, người bản địa ở các xã Ia Mơ, Ia Lâu, Ia Piơ của huyện Chư Prông thuộc tỉnh Gia Lai, hay xã Ea H’lốp của huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, ngoài việc trồng cây nông nghiệp và chăn thả gia súc, họ còn tranh thủ đánh bắt cá trên các con suối nhỏ. Cá ngon, nhưng không to. Bây giờ, nước từ những con suối đổ về lòng hồ Ia Mơr, cá theo con nước tìm đến lòng hồ sinh sôi nảy nở. Không chỉ có cá, mà con nước từ những dòng suối cũng cung cấp cho lòng hồ một lượng thực sinh vô tận, đó chính là nguồn thức ăn có từ tự nhiên, rất “hợp vị” với các loài thủy sản nơi đây.
Được thỏa sức vẫy vùng trong hồ lớn, thêm vào nguồn thức ăn vô tận nên cá ở lòng hồ Ia Mơr đẻ… không biết mỏi, mà lại chóng lớn. Ông Lang Văn Từm, dân tộc Thái, từ xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào sinh sống ở xã Ea Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk từ năm 2004. Những lúc nông nhàn, ông thường mang lưới, mang rớ ra suối Ea Lốp bắt cá về cải thiện bữa cơm, nhiều thì đem ra chợ bán lấy tiền. Cái nghiệp đánh bắt cá cũng đã theo ông ngót nghét hai mươi năm ở vùng đất này. “Cá ở đây nhiều, thịt thì dai, thơm nhưng con cá không to. Chỉ từ khi lòng hồ Ia Mơr tích nước, cũng những loài cá ấy, nhưng sống trong lòng hồ thì to gấp ba, gấp bốn lần khi chúng sống ở suối”, ông Từm nhận xét.
Tôi đã không ít lần vào làm việc, thậm chí vào lân la với lòng hồ Ia Mơr, lân la với bà con người J’Rai, người Thái, Tày, Nùng ở vùng biên giới này. Tôi cũng đã được thưởng thức rất nhiều loại cá có mặt nơi đây, để có một nhận xét không hề ngoa, rằng: Con cá lóc ở các dòng suối nhỏ, con nào to thì cũng không qúa 1- 2 cân, nhưng khi về với lòng hồ Ia Mơr, nó bỗng “hóa thân” to đến 6- 7 cân. Con cá bống ở suối thì không quá ngón chân cái trẻ con, nhưng lại to bằng cổ tay người lớn khi bắt ở lòng hồ. Có những con cá thát lát nặng đến 6 cân, cá lăng- loài cá nổi tiếng là ngon của vùng này thì 8- 10 cân khi được bắt ở lòng hồ…
Không ít những người già, những cư dân định cư ở đây đã lâu đời, đều có chung một nhận xét rằng: Những loài cá đặc sản vùng này, khi “bơi” từ suối ra lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, bỗng to đến bất thường. “Ban đầu, thấy nhiều người bắt được cá to ở lòng hồ, bà con thấy lạ lắm, bèn kéo đến xem, lâu rồi cũng quen”, già Rơ Châm San ở xã Ia Mơ nói.
Và rồi, người dân ở đây cũng quen, cũng hiểu ra rằng, cá ở lòng hồ to hơn là nhờ vào nguồn thức ăn phong phú, nhờ vào mặt nước vừa rộng , vừa sâu, cho con cá thỏa thuê bơi lội và sinh sản. Và cũng từ đó, cá lòng hồ thủy lợi Ia Mơr trở thành một sản vật trời ban cho con người, cho vùng đất này để từ đây, một lượng lớn cá lăng, cá bống, cá chạch, cá chốt… được chở về thành phố, có mặt trong những bữa tiệc sang trọng, ở những nhà hàng sang trọng…
Làng chài trên cao nguyên
Khó có ai nghĩ ra rằng: Rồi có một ngày, ở vùng biên giới này lại xuất hiện một làng chài tương đối sầm uất. Ngoài người dân bản địa tham gia đánh bắt cá trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr, còn có đến cả gần trăm hộ dân khác làm nghề chài lưới nơi đây. Có thể nói, đây là những ngư phủ thực thụ bởi họ đến từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ, hoặc họ hồi hương từ mãi tận Biển Hồ rộng lớn bên Campuchia.
Vậy rồi, cái làng chài tự phát ấy bỗng chốc hình thành ở cái lòng hồ mênh mang trên cao nguyên lộng gió này. Đến từ nhiều địa phương khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau, song những người làm nghề chài lưới này, rất nhanh, đã hòa nhập được với nhau, giúp nhau cùng làm ăn. Cái bản tính thật thà, chất phác của người dân tộc bản địa, hòa với tính cách phóng khoáng kiểu “Anh Hai Nam bộ” của những ngư phủ miền Tây đã tạo nên một bản sắc riêng có ở vùng đất này.
Lão ngư Lâm Văn Thanh, 59 tuổi, quê gốc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang ngồi rít thuốc lá trên cái nhà lồng bập bềnh giữa lòng hồ. Cuộc đời của ông cũng xuôi theo con nước bồng bềnh, hễ ở đâu có lòng hồ, có cá là ông tìm tới. Trước khi đến mưu sinh ở lòng hồ Ia Mơr này, ông dắt díu vợ con lên huyện Đam Rông thuộc tỉnh Lâm Đồng hành nghề chài lưới của tiên tổ. Nghe nói Phú Yên có nhiều cá, ông lại “hạ sơn”, về với miền Trung. Đến khi thủy lợi Ia Mơr chặn dòng tích nước, ông cùng con trai lên đây cho đến ngày nay.
Hơn ba năm gắn bó với hồ Ia Mơr, cha con ông, cùng bao nhiêu người miền Tây sông nước ở đây, chỉ làm duy nhất có một nghề: Giăng câu, thả lưới, rớ… để bắt cá. “Bây giờ đang là mùa mưa, ít cá, ngày nào nhiều thì được đôi ba trăm ngàn đồng. Đến khoảng sau Tết là chính mùa, cá nhiều nên thu nhập cao hơn”, ông Thanh nói.
Còn anh Phạm Quang Chênh quê ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thì đến với vùng đất mới Ia Mơ theo một cách rất tình cờ: “Hơn hai năm trước, tôi nghe người cậu nói trên này nhiều cá nên chuyển cả gia đình lên. Hồi trước ở quê làm nghề chạy máy cày, ngày có ngày không. Ở đây ngày nào cũng có việc. Thả lưới, buông câu mỗi ngày là có nguồn thu ổn định. Nếu may mắn và có duyên thì tôi định cư ở đây luôn”, anh Chênh nói.
Ngư phủ Nguyễn Văn Nghĩa (36 tuổi), quê huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp kể: “Em lên đây từ năm 2018. Trước khi sang Ia Mơ, em cũng làm nghề đánh bắt thuỷ sản ở huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Nghe nói bên này cá nhiều hơn, kiếm sống được, vậy là đưa vợ và hai con qua đây luôn. Giờ thì bén duyên ở đây rồi”. Bén duyên, nên năm 2020, vợ chồng Nghĩa mua nhà, làm luôn đại lý thu mua một số loại cá bán cho người dân trong vùng và xuất đi các nơi. Thu nhập mỗi ngày của hai vợ chồng bình quân khoảng 400- 600 ngàn đồng.
Rời bến, Nghĩa đưa chúng tôi về nhà. Vợ Nghĩa- Tô Thị Hồng Trang (35 tuổi) vẫn còn giữ đúng chất của con gái miền Tây với da trắng, tóc dài, nụ cười luôn thường trực. Trang đang chuẩn bị mớ cá khô được đánh bắt từ hồ chứa Ia Mơr để giao cho khách. Mớ cá khô sẫm màu, tăm tắp đều cứ như được chọn từng con. “Cứ mỗi 5kg tươi thì được 1kg khô, có giá bán từ 100-110 ngàn đồng. Hồ này cá ngon lắm. Ngoài cá cơm khô, người mua cũng hay hỏi mua các loại cá chốt, cá chạch, cá lăng, cá bống còn sống. Vì vậy mình phải chuẩn bị đồ như bể, sục ôxy…để trữ cá”. Miệng nói, nhưng tay Trang thì cứ thoăn thoắt, vừa đóng gói cá khô xong, lại đến ngay bể cá kiểm tra nước, oxy cho những con cá lăng nặng 8- 10 kg.
Từ hồ này, những con cá bống, cá lóc…nung núc thịt được thương lái đưa đi các nơi tiêu thụ. Ở đây, cá bống được bán với giá 50- 60 ngàn đồng/kg, cá lăng 70- 80 ngàn đồng/kg… Người dân tộc thiểu số J’rai ở đây chủ yếu là dùng câu, bủa lưới ven bờ nên may lắm chỉ phục vụ nhu cầu gia đình. Còn các tay lưới thiện nghệ miền Tây thì dùng thuyền máy chạy ra xa nên sản lượng thuỷ sản thu được lớn hơn. Cứ tầm 6- 7 giờ tối là họ bắt đầu xuất phát, đến mờ sáng mới trở về.
Cứ mỗi sáng sớm, cũng là thời điểm thuyền về bến, dọc theo con đập hồ chứa Ia Mơr là một không khí hết sức nhộn nhịp. Đủ loại cá từ các thuyền được đưa lên. Người nhà, thương lái cũng đợi sẵn để lấy cá, toả đi các nơi.
Đêm đến, có lẽ là thời điểm vui nhất của cái làng chài nhỏ bé này. Tiếng í ới gọi nhau lên thuyền, tiếng vui cười, trao đổi lúc lao động, rồi những câu hò dài mênh mang như dòng sông Tiền, Sông Hậu vang cả một vùng trời nước mênh mông, tạo nên một khúc hoan ca suốt dọc dải biên thùy này.
“Tối nay mời các anh ở lại, vợ chồng em làm cá, uống rượu. Vợ em uống tốt lắm đấy”, Nghĩa mời. Tôi nói vui, thay cho cái gật đầu nhận lời: “Anh biết, gái miền Tây mà!”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ: “Nguồn thủy sản nơi đây phong phú nên nhiều người quê tận miền Tây đã tìm đến đây làm nghề đánh bắt thuỷ sản. Chúng tôi cũng đã cùng với cơ quan quản lý hồ làm việc với bà con để ổn định tình hình an ninh trật tự. Dù biết bà con có kỹ năng tốt trong việc điều khiển thuyền bè, nhưng phải theo qui định pháp luật là có giấy tờ hợp lệ trong lưu thông đường thuỷ, phải cẩn thận trong mùa mưa lũ, tránh xảy ra việc không may. Một số gia đình ở đây cũng cho con trong độ tuổi đến trường nhập học. Nói chung, họ hoà đồng nhanh với cuộc sống mới, chan hoà với bà con người địa phương”.