Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh hiện là nơi có giá trị sinh học cao với sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào, trong đó có vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys). Đây là loài linh trưởng được xếp vào nhóm CR của IUCN (IUCN, 2022), trong Phụ lục I của CITES; nhóm EN trong sách đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007); thuộc nhóm IB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP và thuộc Danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ của Nghị định số 64/2019/NĐ-CP.
Nguyên nhân khiến vượn đen má trắng xếp vào nhóm bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu là do sư tác động tiêu cực của con người trong việc xâm lấn đất rừng, làm mất rừng, thu hẹp và xáo trộn sinh cảnh sống, đặc biệt là săn bắn.
Các điều tra, nghiên cứu trước đây đã sơ bộ xác định VQG Vũ Quang là một trong những vùng phân bố quan trọng của loài vượn đen má trắng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay tại đây vẫn chưa có điều tra, nghiên cứu nào tập trung vào loài vượn này ở Vũ Quang và vùng phụ cận nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng, kích thước quần thể loài làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, bảo tồn và phục hồi phù hợp.
Nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn quần thể vượn đen má trắng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với VQG Vũ Quang thực hiện dự án bảo tồn loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng này. Đây là nỗ lực đầu tiên và quan trọng nhất cho loài vượn đen má trắng tại VQG Vũ Quang, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, bao gồm: vị trí, phân bố, cấu trúc đàn, kích thước quần thể; mối đe dọa chính cần can thiệp và giảm thiểu.
Dự án của CCD được hỗ trợ tài chính từ Quỹ bảo tồn Loài (SCF) trong kế hoạch 5 năm của Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Song song với điều tra hiện trạng quần thể vượn đen má trắng, CCD chú trọng tính bền vững của dự án với các hoạt động nâng cao năng lực điều tra, giám sát, bảo tồn cho cán bộ của VQG Vũ Quang; nâng cao nhận thức về bảo tồn và pháp luật cho cộng đồng.
“Không chỉ có ý nghĩa trong thời gian dự án được triển khai, các kết quả nghiên cứu sẽ làm tiền đề đề xuất và triển khai các hoạt động giám sát, bảo tồn, phục hồi loài và sinh cảnh của các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng hiệu quả hơn”, lãnh đạo VQG Vũ Quang chia sẻ.
Sắp tới, CCD tiếp tục triển khai điều tra nhằm xác định các đặc điểm của đàn, phạm vi sinh cảnh và mối đe dọa đến vượn đen má trắng. Các kết quả thu được sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đầu tiên cho bảo tồn vượn đen má trắng tại VQG Vũ Quang, từ đó ứng dụng trong công tác quản lý, bảo tồn và là điển hình cho các rừng đặc dụng khác tham khảo.
Được biết, CCD đã và đang phối hợp với các VQG, khu bảo tồn và các địa phương trên toàn quốc thực hiện các chương trình nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhằm bảo vệ hiệu quả các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, từng bước phục hồi thiên nhiên ở Việt Nam.
VQG Vũ Quang là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn, như: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Muntiacus vuquangensis), thỏ vằn (Nesolagus timminsi), voi (Elephas maximus),…