| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất nâng cao chất lượng lúa gạo

Thứ Ba 29/03/2022 , 12:49 (GMT+7)

Hậu Giang Được VnSAT đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực hoạt động, các tổ chức nông dân đã trở thành điểm sáng, lan tỏa kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến.

Đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất lúa:

Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) hiện là điểm sáng trong phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo tại địa phương. Là tổ chức nông dân hoạt động tại địa bàn huyện nhưng có lợi thế là nằm giáp ranh với thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang, cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, khá đồng bộ.

Nhờ tham gia dự án VnSAT, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đã chuyển từ tập quán sạ dày sang làm mạ cấy máy hoặc sạ thưa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ tham gia dự án VnSAT, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đã chuyển từ tập quán sạ dày sang làm mạ cấy máy hoặc sạ thưa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nằm trong vùng sản xuất lúa rộng 520 ha, thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT, Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I được đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm: nhà kho có sức chứa 1.000 tấn lúa hàng hóa, 2 lò sấy lúa công suất 25 tấn/mẻ/lò, trạm bơm điện… Nhờ đó, đã nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất của xã viên.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I cho biết, khi thành lập, đơn vị có 22 thành viên, với diện tích canh tác 40 ha, sản xuất 2 vụ/năm là chính. Nhưng hiện nay, vùng sản xuất của đơn vị đã được mở rộng lên hơn 500 ha, tham gia sâu rộng vào các nội dung của dự án VnSAT với cơ sở hạ tầng đầu đầu tư bài bản.

Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đang mở rộng sang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha, hướng tới sản xuất gạo cung ứng ra thị trường với thương hiệu riêng. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đang mở rộng sang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha, hướng tới sản xuất gạo cung ứng ra thị trường với thương hiệu riêng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Lâm, vụ đông xuân 2021-2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đầu tư sản xuất 30 ha lúa giống bằng phương pháp gieo cấy, với các giống lúa RVT, Đài Thơm 8, OM5451, OM18. Nhờ gieo cấy nên lúa phát triển tốt, ít bị dịch hại tấn công, giảm chi phí sản xuất. Sản phẩm khi thu hoạch sẽ được hợp tác xã chế biến, đủ điều kiện thương mại lúa giống phục vụ cho sản xuất.

“Để hỗ trợ xã viên phát triển sản xuất lúa theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” của dự án VnSAT, Hợp tác xã cung ứng lúa giống với giá thấp hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg. Chẳng hạn, với giống lúa OM18 để đầu tư sản xuất vụ hè thu 2022, chúng tôi bán cho xã viên với giá 12.000 đồng/kg (tiền mặt). Nếu xã viên khó khăn về kinh phí đầu tư, sẽ được cung cấp lúa giống để sản xuất, tới khi thu hoạch bán lúa mới thanh toán, giá là 13.000 đồng/kg”, ông Lâm chia sẻ.

Mở rộng cánh đồng sản xuất lúa VietGAP:

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I thu hoạch lúa với năng suất cao, giá thành sản xuất thấp nên vẫn giữ được mức lợi nhuận khá trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao. Ông Năm Điều (Nguyễn Thanh Điều) thành viên hợp tác xã cho biết, năng suất lúa vừa thu hoạch vụ rồi từ 7-8 tấn/ha, với giá bán lúa giống Đài Thơm 8 là 6.000 đồng/kg, RVT từ 7.000-7.200 đồng/kg. Mức lãi bình quân các xã viên thu được khoảng 20 triệu đồng/ha.

Ông Năm Điều bảo, nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư và áp dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến được dự án VnSAT tập huấn như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, cấy lúa bằng máy hoặc sạ thưa, quản lý dịch hại tổng hợp nên giảm được chi phí đầu tư. Vụ rồi giá vật tư tăng rất cao nếu không có các biện pháp hạ giá thành sản xuất thì khó giữ được mức lợi nhuận như kỳ vọng.

Bên cạnh chương trình sản xuất lúa giốngđã làm những năm qua rất thành công, Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I đang mở rộng sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha nằm trong khu đê bao và có trạm bơm điện hoàn chỉnh. Các xã viên đã được tập huấn kỹ thuật, sẵn sang bắt tay vào sản xuất vụ hè thu 2022. Từ diện tích lúa VietGAP này, Hợp tác xã sẽ thu mua, chế biến thành gạo để cung ứng ra thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo, làm sản phẩm OCOP.

Ngành chức năng tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng  kiến thức phát triển kinh tế tập thể cho Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I. Ảnh: Trung Chánh.

Ngành chức năng tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng  kiến thức phát triển kinh tế tập thể cho Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I. Ảnh: Trung Chánh.

Mới đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về phát triển kinh tế, cho nông dân và các xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I. Thông qua các lớp tập huấn sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức nông dân, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Nhất là với các Hợp tác xã đã được lựa chọn và thực hiện có hiệu quả các nội dung của dự án VnSAT, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo của địa phương.

“Mong muốn của Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thủy I là được đầu tư mở rộng tuyến đường từ trục lộ giao thông chính vào tới khu nhà kho từ 2,5m hiện nay lên 3,5m, với chiều dài khoảng 800m. Đồng thời, nạo vét tuyến kênh ra tới sông cái lớn, với chiều dài khoảng 1,2 km. Điều này sẽ giúp cho xe tải lớn, ghe có trọng tải lớn vận chuyển vật tư, thu mua lúa hàng hóa vào tận nơi, thuận lợi hơn trong việc mua, bán, kinh doanh của hợp tác xã”, Giám đốc Nguyễn Thành Lâm kiến nghị.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Lạc lối ở vườn cam Xã Đoài lớn nhất miền Trung

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hằng năm, vườn cam rộng hơn 70ha với thương hiệu Cam tươi FVF của Tập đoàn TH bắt đầu chín rộ.