| Hotline: 0983.970.780

Dự án chuyển đổi căn bản ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL

Thứ Bảy 12/03/2022 , 10:30 (GMT+7)

ĐBSCL Đến nay, Dự án VnSAT đã chuyển giao thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân ĐBSCL thay đổi nhận thức và gia tăng lợi nhuận trong canh tác lúa.

Dự án VnSAT đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ĐBSCL. Đây sẽ là nền tảng cho sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Dự án VnSAT đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ĐBSCL. Đây sẽ là nền tảng cho sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Nền tảng sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Tiền Giang là một trong những tỉnh trong vùng ĐBSCL có vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản. Những thành công trong sản xuất lúa đã đem lại hiệu quả đáng kể cho người trồng lúa và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2015, chi phí đầu vào sản xuất lúa tăng cao bao gồm chi phí vật tư, nhân công... đã vượt qua mức lợi nhuận của người trồng lúa. Đồng thời nhiều tập quán cũ của người dân chưa được thay đổi cũng gây ra khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa tại địa phương.

Ông Cao Văn Hoá, Giám đốc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Tiền Giang cho hay: Do tập quán sạ dày, mùa vụ và dịch hại người nông dân thường sạ trừ hao, lượng giống gieo sạ từ 180 kg-200 kg/ha. Bà con còn bón phân không cân đối, bón dư đạm làm gia tăng sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tập quán phun thuốc ngừa, phối trộn nhiều loại thuốc để phun. Ngoài ra, bà con ghi chép nhật ký đồng ruộng chưa đầy đủ, liên kết tiêu thụ không bền vững, việc phá vỡ hợp đồng ký kết tiêu thụ thường xuyên xảy ra. Đây là những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo mà Tiền Giang và các tỉnh trong vùng phải đối mặt.

Từ thực tế này vấn đặt ra là phải thực hiện chuyển đổi một cách căn bản từ sản xuất theo hướng tiên tiến gắn kết với phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Đây cũng là mục tiêu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nói riêng. Để giải quyết các khó khăn, hướng đến phát triển lúa gạo bền vững, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định 1992/QĐ-BNN-HTQT ngày 29/5/2015.

Tiền Giang là một trong 13 tỉnh, thành được tham gia Dự án từ năm 2015 đến nay. Dự án được triển khai ở 3 huyện, thị: Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Vùng Dự án có 20 xã với diện tích trên 27.200 ha và hơn 41.000 hộ. Đến năm 2018, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh thống nhất mở rộng dự án tại các huyện trồng lúa phía Đông của tỉnh.

Nông dân vùng Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang đang thực hiện làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ xuân hè. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân vùng Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang đang thực hiện làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ xuân hè. Ảnh: Minh Đảm.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt cao so mục tiêu ban đầu

Ngay từ đầu, công tác đào tạo được Ban quản lý Dự án VNSAT tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai mạnh mẽ và liên tục. Đến nay, Dự án đã thực hiện 855 lớp đào tạo 3 giảm 3 tăng (3G3T) và 476 lớp đào tạo một phải, 5 giảm (1P5G) cũng như 42 lớp chuyên đề về quản lý và phát triển hợp tác xã. Bên cạnh đó, Dự án đã đào tạo sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, về luân canh cây trồng, tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, nhân giống lúa xác nhận... Kết quả, về tỷ lệ áp dụng 3G3T sau đào tạo của Tiền Giang là 92,7% về số hộ và 93,3% về diện tích. Tỷ lệ hộ áp dụng 1P5G sau đào tạo là 97,5% về số hộ và 98,8% về diện tích.

Nhận định về kết quả triển khai của Dự án tại địa phương, ông Cao Văn Hoá, Giám đốc Ban quản lý Dự án Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang đánh giá: Hơn 5 năm qua, Dự án đã tác động tích cực đến sự thay đổi thói quen sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án. Chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G giúp giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân đạm dư thừa, số lần phun thuốc trừ sâu, lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch. Từ đây, Dự án đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất lúa. Mức gia tăng lợi nhuận sản xuất lúa trung bình trong vùng dự án là 36,4%.

Tại Tiền Giang, lợi nhuận trồng lúa trong vùng dự án cao hơn bên ngoài 36%. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Tiền Giang, lợi nhuận trồng lúa trong vùng dự án cao hơn bên ngoài 36%. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, việc thành lập các HTX thực hiện dịch vụ cung cấp các vật tư nông nghiệp, gặt đập liên hợp, nhà kho trữ lúa và dịch vụ sấy, đã góp phần tăng thu nhập và lợi nhuận cho các thành viên. Dự án cũng dã hỗ trợ thành lập mới 16 HTX. Toàn Dự án hiện có 19 HTX và 1 Tổ hợp tác. Từ việc hỗ trợ của Dự án, Hội đồng quản trị và các thành viên trong HTX đều được tập huấn về quy trình sản xuất lúa tiên tiến 3G3T, 1P5G, nhân giống lúa xác nhận, luân canh cây trồng, tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và nâng cao năng lực quản lý. Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất với doanh nghiệp, làm cơ sở cho sản xuất lúa gạo bền vững. Đến nay, đã có 16 tổ chức nông dân tham gia liên kết tiêu thụ lúa trong cánh đồng lớn với diện tích là 8.389 ha lúa được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2021, theo điều tra của Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, số lượng người hưởng lợi từ Dự án là trên 108.800 người, đạt 153%. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững trên 17.800ha, đạt 112%. Tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân là 36,4%/30%, đạt 121%. Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa 121.255 tấn, đạt 114%.

Bên cạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, Dự án VnSAT còn hỗ trợ các địa phương cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, Dự án VnSAT còn hỗ trợ các địa phương cơ sở hạ tầng nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Trên cơ sở đánh giá công tác đào tạo đạt các tiêu chí của dự án, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã phối hợp các địa phương đề xuất danh mục công trình hạ tầng đầu tư tại các hợp tác xã đã đạt tiêu chí đào tạo và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam. Đến nay, Tiền Giang có 20 tiểu dự án và một công trình đã và đang được đầu tư như: nâng cấp 27 con đường giao thông nông thôn với kết cấu láng nhựa, trải bê tông, có tổng chiều dài gần 74km; 36 cây cầu giao thông; 30 cống điều tiết, cống kết hợp trạm bơm; 7 Nhà kho tạm trữ; 1 lò sấy tháp;....

Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT nhiều cơ sở hạ tầng, thiết bị, hàng hoá. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo quy trình canh tác 3G3T, 1P5G và nâng cao năng lực công tác sản xuất lúa giống. Các công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm và kiểm định hạt giống lúa cũng như bộ phận kiểm nghiệm, xét nghiệm đã được cấp chứng nhận ISO 17025: 2017.

Đạt được kết quả khả quan này, ông Cao Văn Hoá, Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang nhận định: “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đã được sự quan tâm, hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Bộ NN-PTNT, Ban quản lý Dự án Trung ương và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, cùng sự đồng thuận và sự tham gia tích cực của nông dân, doanh nghiệp. Từ nền tảng của những kết quả đạt được này đã góp phần quan trọng trong công tác sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như sản xuất lúa thông minh.

Long An: Duy trì và nhân rộng diện tích khi dự án kết thúc

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Long An, lượng giống sử dụng bình quân trước đây từ 145 kg/ha giảm còn 110 kg/ha. Bên cạnh đó, lượng phân đạm (N) từ 120 kg/ha giảm còn 98 kg/ha. Số lần phun thuốc 4,8 lần cũng giảm còn 3 lần so với trước đây. So với mục tiêu ban đầu, dự án thực hiện đạt và vượt ở hầu hết các nội dung. Tiêu biểu như, số người hưởng lợi trên 90.800 người, đạt 138%. Lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân so với bên ngoài dự án là 29% đạt 97% so với mục tiêu 30% (tăng 3-4 triệu đồng/ha).

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An: Phát huy những kết quả đạt được, Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân, HTX đạt tiêu chí dự án để phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ triển khai nhanh và sớm hoàn thành các tiểu dự án tiếp tục vận động nông dân tham gia các Tổ hợp tác, HTX để xây dựng mô hình sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nhân rộng diện tích triển khai khi dự án kết thúc.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm