| Hotline: 0983.970.780

Hoạt động khuyến nông bám sát vấn đề 'nóng' của ngành

Thứ Hai 23/12/2019 , 11:01 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, công tác khuyến nông trong năm 2019 tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con thiết lập các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao Bằng khen của Bộ NN-PTNT cho các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 của Trung tâm KNQG.


Thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tham dự và chỉ đạo.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nông sản. Trung tâm đã chủ động tham mưu, đề xuất với Bộ để xử lý, điều hành ngân sách khuyến nông Trung ương nhằm phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Bộ, ngành như dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, hạn hán, xâm nhập mặn...

Để nâng cao hiệu quả, tác động đối với sản xuất theo chủ trương, định hướng phát triển của ngành, năm 2019 các dự án khuyến nông trung ương đã có những đổi mới. Trong đó tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để sơ kết, tổng kết, đánh giá, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ra sản xuất đại trà; gắn hoạt động khuyến nông với xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới như: hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ… và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho bà con nông dân.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, các dự án đã xây dựng được 189 mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất liên kết theo chuỗi, sản xuất tạo sản phẩm an toàn, áp dụng tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.

Một số dự án có kết quả nổi bật như sản xuất hạt giống lúa lai F1, góp phần chủ động hạt giống trong nước, hạ giá thành 15%, hiệu quả sản xuất tăng 30 - 40%. Dự án Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung, tạo thu nhập cao cho nông dân. Dự án thâm canh vườn cao su tiểu điền; dự án Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn bền vững…
 

Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, các mô hình khuyến nông chăn nuôi và thú y trở thành điểm tựa tinh thần để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Cụ thể mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại Thanh Hóa với quy mô 90.000 con, mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại Hà Nam với quy mô 2100 con; công nhận 10 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó 5 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh đối với dịch tả lợn Châu Phi và LMLM, 5 cơ sở chăn nuôi gà an toàn với bệnh cúm gia cầm và Newcastle…

Một số dự án chăn nuôi triển khai khá thành công và được nhân ra diện rộng như “Chăn nuôi gà theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”; “Mô hình cải tạo và vỗ béo bò thịt”, “Mô hình chăn nuôi vịt biển ở các tỉnh phía Nam”... Các mô hình dự án triển khai đã trở thành một nghề đem lại thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Năm 2019, lĩnh vực thủy sản đã triển khai xây dựng được 58 mô hình, trong đó có 48 mô hình nuôi trồng thủy sản với tổng quy mô 100ha nuôi, 5.086m3 nuôi lồng và 3.000m2 sản xuất giống tập trung vào cá đối tượng tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm lồng, cá hồng mỹ, thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên hồ chứa miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tập trung vào nuôi tôm an toàn thực phẩm, nuôi VietGAP, nuôi phòng trị bệnh, nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường và ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia làm tốt vai trò là đầu mối hợp tác quốc tế về khuyến nông với các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động như chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức thành công Hội thảo khuyến nông các nước tiểu vùng sông Mê Kông từ ngày 11 - 13/9 tại thành phố Đà Nẵng. Tham dự Hội thảo có 50 đại biểu, trong đó 30 đại biểu quốc tế đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan; làm việc với nhiều tổ chức, cá nhân quốc tế Bhutan, Nhật Bản, Đức, Philippines…

Còn đối với lĩnh vực lâm nghiệp, các đối tượng cây trồng khuyến khích chuyển giao gồm: mắc ca, hà thủ ô đỏ, cát sâm, quế, bời lời, tràm lá dài, keo lai. Hiệu quả của các mô hình khuyến lâm đã góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng lại vốn rừng, phát triển nghề rừng, cải thiện môi trường và tăng thu nhập cho nông dân. Thay đổi nhận thức của người dân miền núi từ chỗ chỉ biết khai thác rừng sang biết kinh doanh tổng hợp, tạo thu nhập từ rừng, đồng thời tái tạo lại rừng đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội.
 

Góp phần giải quyết vấn đề “nóng” của sản xuất

Năm 2019, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông đã bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ, tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và cung cấp các thông tin, kiến thức hữu ích phục vụ phát triển sản xuất của bà con nông dân.

Đặc biệt, 26 diễn đàn khuyến nông với các chủ đề tập trung giải quyết các vấn đề “nóng” của sản xuất như phòng trừ bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, dịch tả lợn châu phi, kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản, sản xuất an toàn, bền vững... Thông qua các diễn đàn đã có gần 1.000 câu hỏi được trao đổi, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp tại các diễn đàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện một số đổi mới về nội dung và phương pháp đào tạo, tập huấn khuyến nông như: đa dạng hóa đối tượng và nội dung đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất; ưu tiên sử dụng phương pháp lớp học nông dân hiện trường; đa dạng hóa phương pháp đào tạo, kết hợp với truyền thông (qua web, các phần mềm ứng dụng khác…)

Để thu hút, huy động nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông, trong năm 2019 Trung tâm khuyến nông quốc gia đã phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng tài liệu tập huấn sản xuất hồ tiêu và sản xuất lúa, nâng cấp tài liệu ToT và ToF về sản xuất cà phê bền vững. Phối hợp tổ chức các khóa tập huấn theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh biểu dương toàn thể CBCNV của Trung tâm KNQG năm 2019 đã nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của toàn ngành.

Đặc biệt từ khi triển khai Nghị định 83/201/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông, công tác khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều đổi mới.

Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp.

Vì vậy công tác khuyến nông cần hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt phải làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, định hướng thị trường để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Tiếp tục nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống khuyến nông, hoạt động có hiệu quả hơn nữa nguồn đầu tư cho khuyến nông…

Thứ trưởng cũng đề nghị Trung tâm KNQG tiếp tục rà soát, đổi mới công tác điều hành, quản lý đối với từng cán bộ. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ để công việc thông suốt, gắn kết thường xuyên với các viện, trường để tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân. Khai thác tốt các nguồn lực hỗ trợ của doanh nghiệp, xã hội hóa công tác khuyến nông…

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.