Hội thảo nghe nhiều báo cáo khoa học cùng 17 ý kiến phát biểu, tranh luận và nhất trí kiến nghị “cần thiết thực hiện ngay”.
Quang cảnh hội thảo |
Chủ trì hội thảo là GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM, cho biết, hội thảo nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, phù hợp yêu cầu hiện tại cũng như hướng phát triển trong tương lai.
Để minh chứng cho sự cần thiết thực hiện dự án, hội thảo dành thời gian để các đại biểu đánh giá các dự án đã thực hiện ở ĐBSCL như: Dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang), Hệ thống thủy lợi Ba Lai (Bắc Bến Tre), Dự án Hương Mỹ - Cầu Sập (Nam Bến Tre), Dự án Nam Măng Thít (Vĩnh Long, Trà Vinh), Dự án Tiếp Nhật (Sóc Trăng), Dự án Quản lộ - Phụng Hiệp (Bạc Liêu, Cà Mau); Dự án đê biển An Biên - An Minh, Dự án Vàm Răng Ba Hòn, Dự án Đông Hà Tiên (Kiên Giang).
Các đại biểu khẳng định, công tác thủy lợi ĐBSCL (cấp nước, tưới tiêu, kiểm soát mặn, ngọt hóa vùng ven biên) đã có đóng góp to lớn, mang tính quyết định vào thành công của nền nông nghiệp tại đây; nâng sản lượng lúa từ 4,6 triệu tấn năm 1976 lên trên 30 tiệu tấn như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo đứng đầu thế giới.
ĐBSCL đang chiếm hơn 50% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 80% khối lượng xuất khẩu thủy hải sản của cả nước như hiện nay là những minh chứng về thành quả của công tác thủy lợi. Mặc dầu còn những tồn tại về vấn đề môi trường nước, đất, công tác quản lý vận hành và duy tu, sửa chữa các dự án, nhưng nói chung các dự án kiểm soát mặn ven biển về cơ bản là mang lại hiệu quả rất lớn cho người dân vùng hưởng lợi.
Hội thảo cũng đánh giá cao những dự báo thay đổi hệ sinh thái, môi trường do một số ý kiến đưa ra khi thực hiện dự án Cái Lớn - Cái Bé. Những đánh giá này là những phản biện tốt để quá trình thực hiện dự án các bên liên quan cần quan tâm tìm giải pháp khắc phục nhằm tăng tính hiệu quả, giảm tối đa tác động bất lợi. Hội thảo cho rằng bất kỳ một loại công trình nào tác động vào tự nhiên nhằm mang lại lợi ích cho con người đều có hai mặt lợi và hại, phải chấp nhận đánh đổi nếu lợi ích mang lại là lớn hơn rất nhiều so với tác hại gây ra.
Vấn đề là cần phân tích, so sánh và đánh giá đúng mức để làm cho mặt tốt, mặt lợi được lớn hơn gấp nhiều lần so với tác động xấu, bất lợi. Các dự án kiểm soát mặn ven biển thời gian qua và dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 hiện nay là những dự án đã và sẽ làm được như vậy.
Nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo đã có mặt tại vùng dự án Cái Lớn - Cái Bé |
Về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gia đoạn 1, hội thảo bàn nhiều về các nhiệm vụ: Kiểm soát nguồn nước để hỗ trợ sản xuất ổn định; phục vụ công tác phòng chống úng ngập, hạn hán; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho vùng dự án. Hội thảo khẳng định: “Các nhiệm vụ đặt ra sẽ đạt được nên nhất trí cao về sự cần thiết thực hiện ngay”.
Hội thảo phân tích, phải có công trình để có điều kiện ổn định sản xuất và xây dựng kế hoạch chuyên đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung trong thời gian tới. Không thể để một vùng đất thấp trũng nhưng màu mỡ của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang trong tình trạng mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt và không thể phát triển ổn định một cây gì, con gì như hiện nay mà cần phải kiểm soát mặn bằng hệ thống cống chủ động cho vùng đất này bằng hai cống trên hai sông Cái Lớn và Cái Bé. Trong tương lai, dự án sẽ tạo điều kiện (khi cần thiết) hình thành khu vực chứa trữ nước ngọt trong mùa khô chi viện nước ngọt cho các vùng sản xuất phía hạ lưu như ven biển Kiên Giang, một số khu vực thuộc Bạc Liêu, Cà Mau.
GS.TSKH Nguyễn Ân Niên: “Tất cả các môi trường nước (mặn, ngọt) đều có ích cho con người, là tài nguyên vô giá, tuy nhiên môi trường nước ngọt là môi trường cao cấp hơn, mang lại sự đa dạng cho sản xuất và đời sống của con người nhiều hơn. Mọi tác động của con người vào tự nhiên đề mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu, do đó Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là sự lựa chọn như vậy. Dự án hoàn thành sẽ góp phần kiểm soát mặn, ngọt chủ động, giúp người dân hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang không chỉ có nguồn nước ngọt sinh hoạt về mùa khô mà còn góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống”. |