| Hotline: 0983.970.780

Hội những người đào hoa

Thứ Sáu 04/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

Chẳng hề ăn mặc bảnh bao mà chỉ là quần xắn móng lợn, bắp đùi bắp vế đen kịt, móng chân móng tay vàng khè nhưng họ vẫn là những con người đào hoa, tiền bạc rủng rỉnh mà thiên hạ nể vì…

Đại hội

Cũng xin được nói ngay rằng, hội đào hoa chẳng liên quan gì đến cái nghĩa bóng ăn chơi gái gú gì cả mà đơn giản là hội những người trồng đào lấy hoa để phân biệt với những người trồng đào lấy quả. Hội thành lập được gần chục năm thu hút gần trăm hội viên và ngày càng thêm sức quyến rũ.

Hội đào hoa Gia Xuyên (huyện Gia Lộc, Hải Dương) có 36 hội viên lại thêm Hội đào hoa xóm phố Quán Nghiên cạnh đó khoảng trên 20 người nữa. Người trồng ít cũng 7-8 sào đào, kẻ trồng nhiều tới 2,5 mẫu như Vũ Văn Đạt, Vũ Văn Vẻ, Vũ Văn Chi.

Được cái trồng đào khá nhàn so với trồng rau, trồng lúa, một lao động có thể chăm 1-2 mẫu là chuyện thường. Rau thì năm đắt người cười, năm rẻ người mếu còn đào thì không bán được năm nay, năm sau gốc đào ấy to thêm, đẹp hơn lại càng có giá. Trung bình 1 sào trồng đào thu về 20 triệu/năm trong đó tiền lãi đã chiếm quá nửa.

Đào Gia Xuyên ngoài cung ứng cho thị trường Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội còn được chuyên chở vào tận trong Nam. Lắm người cầu kỳ sau khi chơi còn chuyển đào ngược ra Bắc để gửi, Tết sau lại lấy về. Công chuyển và công chăm xuyên ngàn dặm như vậy mỗi cây trung bình tới 3-4 triệu nhưng ngẫm ra vẫn còn kinh tế chán so với mua mới.

Năm nay thắng lớn, có cây đào dáng làng bán được tới 26 triệu nên mặt mũi nhà vườn ai cũng tưng bừng như cánh hoa hàm tiếu. Như nhà anh Vũ Văn Chi trồng 2,5 mẫu thu về trên 500 triệu lãi đã đành, nhà anh Hồ Văn Úy chỉ non 1 mẫu cũng thu được 200 triệu.

Mỗi năm các hội đào hoa tổ chức đại hội hai lần, dịp tháng giêng và dịp rằm tháng tám để thông báo cho nhau kết quả kinh doanh của cả một năm, trao đổi với nhau các kỹ thuật khó. Chuyện thăm hỏi lúc ốm đau, giúp đỡ khi hiếu hỉ giữa các hội viên thì là hàng ngày, hàng tháng.

Ra giêng, ngày rộng tháng dài là thời điểm của hội những người đào hoa đến nhà nhau chơi, khề khà khi thì chén trà lúc lại chén rượu. Cũng theo lệ ấy tôi theo anh Vũ Văn Chi - Hội phó cùng anh Hồ Văn Úy - hội viên đến nhà trưởng lão Đinh Văn Mật - người thôn Tranh Đấu để tận mắt chứng kiến chuyện xưa nay hiếm: đào thất thốn nở hoa.

Trưởng lão

Số là cách đây chừng mươi năm con trai ông Mật là Đinh Văn Lĩnh mua về một cây đào rất lạ. Thân nó xù xì tựa vảy rồng, cành hầu như không có lá, có nụ, nhìn chẳng khác gì một khúc củi khô. Thế mà cành “củi khô” nho nhỏ ấy trị giá đến 350.000đ.

18-23-35_dsc_1551
Ông Mật bên gốc đào thất thốn

Người ta bảo rằng giống đào ấy ở Nhật Tân Hà Nội, xưa có nhiều, giờ hiếm lắm! Có nhiều kiểu giải thích cho hai từ thất thốn: Là loại đào cây cao hơn mặt đất 7 tấc (khoảng hơn 1 mét), 3 năm mới đơm hoa, 7 năm ra hoa kép, mỗi tầng hoa có tới 7 cánh; là loại đào mà mỗi thốn cành (dài bằng đốt ngón tay) có thể trổ được 7 bông hoa… Lại thêm quý ở chỗ đêm buông xuống những cánh đào thất thốn thoang thoảng mùi hương mà đào thường không thể có.

Về sau, một trận lụt to đã xóa sổ cây đào lạ nhưng anh Lĩnh trước đó đã kịp ghép, nhân giống được 50 cây non đem trồng tất ở ngoài đồng. Ngặt thay ba năm liền mà Tết nào chúng cũng không có hoa, nhìn ruộng đào như một ruộng củi. Như thể trêu ngươi, thất thốn có duyên muộn với nàng xuân, ngoài rằm tháng giêng mới chịu bung nở. Đã nở thì nở tưng bừng, nở nhiều đến nỗi không thấy cành, thấy lá.

Vì nở muộn nên đào chẳng bán được cho ai thành ra hoài của. Bực mình ông Mật di chuyển 50 cây đào ngoài ruộng về trồng trong vườn để tiện chăm sóc, đặng thuần hóa dần dần. Nhưng xuân này, xuân nữa trôi qua mà thất thốn vẫn còn thất hẹn. Bao tâm huyết, tiền bạc hai cha con đổ xuống vườn đào cũng chỉ là công sức dã tràng.

Hàng xóm láng giềng chê bai, đặt cho giống đào mới của ông từ thất thốn thành… thất vốn. Cũng bởi vì khó tính, khó nết như vậy mà từ lâu ở ngay quê gốc của đào thất thốn là Nhật Tân, Hà Nội chúng cũng gần như mất dấu. Họa hoằn lắm mới thấy ở một xó vườn hay góc ao nào đó một cây đào mọc đơn độc, trơ cành lá khẳng khiu cùng trời đất.

Nhiều lần thuần hóa không thành, nản quá, ai đến chơi ông cũng biếu một gốc đào cho dỡ bớt những cái gai trong mắt. Thế rồi có một vị khách lạ, người tận mạn Thái Bình tìm đến không xin đào mà mua liền một lúc tới 30 cây. Ông Mật vừa mừng cho mình cũng lại vừa lo cho vị khách, không khéo rồi lại “xôi hỏng, bỏng không” mà thôi. Nào ngờ, đến năm sau khách ấy lại sang nhà đòi mua thêm 20 cây đào nữa.

18-23-35_dsc_1557
Cánh đào thất thốn đỏ thắm như máu

Không nén nổi sự tò mò ông gạn hỏi mới hay rằng khách ấy mua hộ cho người anh chuyên trồng mai ở miền Nam. Tưởng rằng chỉ thỏa thú chơi ngông cho biết ai ngờ giống đào mới khi đến miền đất lạ lại hợp khí hậu, thổ ngơi, nở hoa đúng vào dịp Tết. Mai đỏ là cách mà dân nam Bộ đặt tên cho đào thất thốn.

Nghe đến đây, tay ông Mật thốt nhiên vỗ đánh bốp cái vào trán, miệng à lên một tiếng thật to. Thì ra nắng ấm quanh năm của miền Nam đã thúc cho đào thất thốn phát triển kịp Tết.

Thế thì phải làm sao để các kỹ thuật vặt lá, tiện gốc, chụp cây cho đào thất thốn sớm hơn đào bích, đào phai. Thường thì rằm tháng 8 người trồng đào mới dùng dao nhọn để tiện một khoanh bên gốc đào cho cây đau, tạm ngừng phát triển, dồn sức vào nuôi mắt, tháng 11 vặt hết lá để chồi biếc nảy lộc, đơm hoa chính giữa Tết.

Nhưng với đào thất thốn không phải chỉ tiện gốc 1 lần mà tới 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Không phải tháng 11 vặt lá mà tháng 10, đầu tháng 12 dưỡng cây rồi mới tiến hành chụp đào.

Chụp đào hiểu nôm na là dùng một cái bao nylon lớn chụp kín từ thân đào đến gốc để giữ ấm như người ta phủ nylon ruộng mạ những ngày trời giá. Nhưng chụp vào lúc nào, chụp trong bao lâu phải tùy thuộc vào thời tiết. Thất thốn như một tiểu thư khuê các, quen áo dạ, áo lông, chỉ lạnh chút thôi không thui chột cũng có phần kém tươi. Năm nào có tháng nhuận còn dễ làm đào, lập xuân muộn mà muốn cây trổ hoa vào đúng dịp Tết khó chẳng khác tìm đường lên trời.

Cầu kỳ là thế nên nhiều cao thủ về đào trong xóm đến nhà ông Mật lấy giống về ươm nhưng chưa một ai tạo được hoa vào dịp Tết mà chỉ tạo được…củi, đành bỏ hết. Cầu kỳ thế nên một gốc thất thốn đẹp có giá lên tới vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu đồng. Đã thế chúng lại kén người mua nhưng ai đã chơi được giống đào này cũng giống như nghe được nhạc cổ điển, rất khó cai, khó bỏ. Họ thường đánh nguyên cả cây cho vào chậu chứ không bao giờ dám cắt cành bởi tiếc một đời hoa.

18-23-35_dsc_1554
Một gốc đào thất thốn

Không có giống đào nào đỏ như thế, đỏ như máu, thắm như nhung. Ngoài sắc hoa độc đáo, đào thất thốn còn một đặc điểm nữa là nó không chỉ nở từ đầu cành mà còn xuất hiện ở những chỗ bất ngờ, phi lý nhất là từ thân thậm chí từ gốc. Hoa nở thường trên 10 ngày mới chịu tàn lại không rụng lả tả như đào thường mà cứ cum cúm rồi héo khô ngay trên cành.

Hết một đời hoa cũng là lúc những quả đào non màu tim tím lộ ra… Xuân này, vườn nhà ông Mật có 2 cây thất thốn 7 năm tuổi và khoảng 50 cây non hơn tưng bừng nở nhưng ông cũng để chơi cho một cái thú thưởng đào chứ không chủ đích bán.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm