| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh những vùng đất bị bồi lắng do bão lũ lịch sử

Thứ Hai 30/08/2021 , 18:33 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Gần một năm sau dồn dập những đợt bão lũ lịch sử khiến hàng nghìn ha ruộng bị bồi lấp, sản xuất đã hồi sinh trở lại với nhiều mô hình cho thu nhập tốt.

Ruộng đất ở xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông, Quảng Trị) bị bồi lấp hồi cuối năm 2020 do mưa lũ. Ảnh: TL.

Ruộng đất ở xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông, Quảng Trị) bị bồi lấp hồi cuối năm 2020 do mưa lũ. Ảnh: TL.

Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT giúp các tỉnh bị ảnh hưởng bảo lũ năn 2020 phục hồi sản xuất, tạo sinh kế ổn định cho người dân, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, vụ hè thu 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình trồng đậu xanh trên đất bị bồi lấp sau bão lũ tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông. Đến nay sau hơn 2 tháng triển khai, mô hình đã cho những kết quả rất khả quan.

Biến bất lợi thành lợi thế

Vùng đất màu của xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) với diện tích hơn 108 ha là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề trong các trận bão lũ cuối năm 2020 do bị bồi lấp.

Tưởng chừng như phải bỏ hoang, không thể sản xuất được, nhưng được sự hỗ trợ và tư vấn của các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình trồng đậu xanh thương phẩm giống ĐX-208 trên diện tích 15 ha, gồm 80 hộ dân tham gia.

Trong quá trình tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% chi phí giống và vật tư phân bón. Cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã bám sát chỉ đạo mô hình, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ tham gia thực hiện đúng quy trình. Đến nay, trên cánh đồng bị lũ bồi lấp, màu xanh đã hồi sinh trở lại.

Cây đậu xanh vụ hè thu 2021 đã hồi sinh vùng đất bị vùi lấp ngày nào tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Phan Việt Toàn.

Cây đậu xanh vụ hè thu 2021 đã hồi sinh vùng đất bị vùi lấp ngày nào tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: Phan Việt Toàn.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: "Qua quá trình điều tra khảo sát cho thấy, vùng đất màu tại xã Triệu Nguyên bị cát và phù sa bồi lấp dày từ 0,5 đến 1 mét. Chúng tôi đã khuyến cáo địa phương nên dọn sạch bề mặt, san nhẹ, bổ sung nhiều phân hữu cơ, cày sâu để cải tạo tính chất vật lý tầng mặt và chuyển đổi sang trồng màu".

Quá trình triển khai cho thấy, năng suất đậu xanh thu được cao hơn 20 - 30% so với sản xuất truyền thống. Trên cơ sở này, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị khuyến cáo sang năm 2022, địa phương nên tiếp tục thực hiện và xây dựng thương hiệu đậu xanh để tiệu thụ thuận lợi hơn.

Trên những vùng đất màu của xã Triệu Nguyên cuối năm 2020 ngổn ngang bùn lầy, đất đá sau lũ, nay đã là những ruộng đậu xanh đã lên xanh tốt.

Đứng giữa ruộng đậu xanh trĩu quả, chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Xuân Lâm (xã Triệu Nguyên(, một hộ dân tham gia thực hiện mô hình phấn khởi: "Sau mưa lũ, nhìn vùng đất này nghĩ là vứt bỏ rồi. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, cán bộ khuyến nông, chúng tôi đã tích cực cải tạo, thực hiện trồng đậu xanh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, nên cây đậu phát triển tốt, hạt to, hạt nhiều và đồng đều. Đây đúng là cây trồng phù hợp nhất cho vùng đất này".

Sự vào cuộc của ngành khuyến nông đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ nông dân gói kỹ thuật đồng bộ từ cải tạo đất, sản xuất đậu xanh hiệu quả trên chân đất mới sau bồi lấp. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Sự vào cuộc của ngành khuyến nông đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ nông dân gói kỹ thuật đồng bộ từ cải tạo đất, sản xuất đậu xanh hiệu quả trên chân đất mới sau bồi lấp. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai gieo trồng, mô hình đã cho kết quả, năng suất đậu xanh thu được 1,5 đến 1,6 tấn/ha. 

Đang thu hoạch đậu xanh, anh Đào Huy Cường, thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên vui vẻ cho biết: Đậu xanh là cây trồng vừa có thu nhập, vừa có thể cải tạo độ màu mỡ cho đất do bị bồi lấp. So với các loại cây trồng khác, cây đậu xanh dễ trồng, cho sản phẩm nhanh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên đánh giá: Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền xã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mô hình. Vụ đậu xanh hè thu năm nay, bà con đánh giá được mùa nhất từ trước đến nay, rất phấn khởi.

“Chúng tôi đang chỉ đạo sau khi kết thúc vụ đậu xanh này, bà con sẽ sử dụng nguồn giống được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ để tiếp tục gieo trồng cho những vụ sau. Đồng thời sẽ vận động những hộ dân trong vùng chưa được hỗ trợ, sẽ triển khai nhân rộng mô hình như kỹ thật cải tạo đất, kết hợp thâm canh trồng đậu xanh mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn”, bà Hạnh cho biết.

Hơn 80% diện tích bị bồi lấp được khôi phục

Theo thống kê, sau các đợt mưa lũ cuối năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị có gần 1.646 ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp, trong đó huyện Đakrông hơn 200 ha. Thời gian qua, nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tái thiết, khôi phục sản xuất đã được triển khai.

Người dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cải tạo ruộng sau bão lũ cuối năm 2020. Ảnh: Công Điền.

Người dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cải tạo ruộng sau bão lũ cuối năm 2020. Ảnh: Công Điền.

Tại huyện Triệu Phong, các đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã làm 203 ha diện tích đất sản xuất bị đất cát bồi lấp, trong đó có 81 ha đất lúa và 122 ha đất màu. Để tái thiết sản xuất sau lũ, huyện Triệu Phong đã tăng cường ưu tiên hỗ trợ người dân khôi phục trồng trọt với các loại cây ngắn ngày.

Trong công tác tái sản xuất sau lũ, mỗi địa phương ở Triệu Phong có cách làm sáng tạo khác nhau, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích sản xuất bị đất cát san lấp, hệ thống giao thông, thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm, cầu máng, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở đã cơ bản được khôi phục.

Về Triệu Phong những ngày này những cánh đồng hoang tàn sau lũ cuối năm 2020 đã không còn. Những khu đất bị bồi lấp, vốn giàu giàu phù sa đã được cày xới, cải tạo sản xuất hoa màu. Tại vùng vùng bãi bồi 92 ha ven sông Thạch Hãn (72 ha lúa, 7,2 ha hoa màu, 12 ha đất vườn) ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) bị đất cát bồi lấp từ 0,4 - 0,6 m, đến nay 100% diện tích đã tiến hành gieo trồng các vụ mới.

Hầu hết các vùng đất bị vùi lấp cuối năm 2020 tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) hiện đã được khôi phục sản xuất. Ảnh: Công Điền.

Hầu hết các vùng đất bị vùi lấp cuối năm 2020 tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) hiện đã được khôi phục sản xuất. Ảnh: Công Điền.

Nhiều loại hoa màu phát triển tốt, cho thu hoạch xuất bán ra thị trường. Những diện tích hoa màu, cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, ông Phan Quang Giải cho biết: Hiện cuộc sống của người dân đã ổn định sau thiên tai. Mặc dù mưa lũ làm thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp nhưng sau lũ đã để lại lượng phù sa màu mỡ, thuận lợi để hoa màu phát triển tốt.

Những giống ngắn ngày, cho năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng đã được gieo trồng thuận lợi. Về lâu dài, huyện sẽ huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau trận lũ lịch sử tại địa bàn tỉnh cuối năm 2020, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án để cải tạo phục hồi diện tích đất bị bồi lấp, kịp thời tổ chức sản xuất trở lại.

'Biến bất lợi thành lợi thế', cây đậu xanh trên đất bị bồi lấp lại cho hiệu quả tốt hơn những cây trồng trên chân đất cũ trước đây. Ảnh: PVT.

"Biến bất lợi thành lợi thế", cây đậu xanh trên đất bị bồi lấp lại cho hiệu quả tốt hơn những cây trồng trên chân đất cũ trước đây. Ảnh: PVT.

“Hiện nay, chúng tôi đã phụ hồi cải tạo được trên 1.300 ha, còn 300 ha tại huyện Hướng Hóa và Đakrông đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết, phục hồi cải tạo, theo hướng những vùng không cải tạo được thì không tổ chức sản suất nông nghiệp nữa. Đồng thời, rà soát những vùng có thể cải tạo được thì chuyển sang trồng những cây trồng phù hợp với từng chân đất”, ông Quốc cho biết.

Từ những vùng đất tưởng chừng như không thể tổ chức sản xuất do cát và phù sa, đất đá bồi lấp quá cao, có nơi từ 0,5 đến 1 mét, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời, sự nỗ lực của người dân, những khu vực bị hoang tàn vì mưa lũ đã không còn, thay vào đó là màu xanh tươi tốt của những vùng chuyên canh các cây trồng. Những mô hình này vừa giúp bà con tạo sinh kế trước mắt, vừa tiếp tục cải tạo dần kết cấu đất để sản xuất lâu dài. 

Một số nơi, thay vì tốn nhiều công sức, chi phí để san trả lại mặt bằng ruộng trồng lúa như cũ, với sự tư vấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, nông dân đã vận dụng cải tạo trên hiện trạng đất bị bồi lấp để trồng các loại rau màu, cây trồng cạn dễ canh tác, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn trước. Đây chính là cách "biến bất lợi thành lợi thế". 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.