Tại buổi hội thảo, bà con nông dân đã đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến các loại bệnh như bệnh phân trắng, bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh vi bào tử trùng,... trên tôm; các vấn đề về xử lý các loại khí độc trong ao nuôi tôm, đặc biệt là khí NO2, phương pháp sử dụng vi sinh, ứng dụng thảo dược trong phòng, trị bệnh tôm, vấn đề xử lý, dập dịch bệnh tôm khi phát sinh
Các câu hỏi của nông dân được các diễn giả trả lời một cách thỏa đáng. Bà con đánh giá rất cao chất lượng cuộc hội thảo và mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo hơn nữa để được giải đáp những khó khăn gặp phải trong quá trình nuôi tôm, cũng như cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong nuôi tôm.
Phát biểu kết luận, ông Lê Minh Đương – Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung đánh giá rất cao cuộc hội thảo. Các diễn giả đến từ Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã giải đáp, cung cấp rất nhiều thông tin, giải pháp hay để bà con xử lý, ứng dụng cho ao nuôi tôm của mình.
Liên quan tới vấn đề xử lý, dập dịch bệnh khi phát sinh, ông Đương nhấn mạnh, ngoài việc tiếp nhận hóa chất khử trùng Chlorine từ tỉnh để hỗ trợ cho bà con nông dân hàng năm, huyện cũng sẽ trích một phần kinh phí dự phòng để mua hóa chất hỗ trợ cho bà con để xử lý, dập dịch bệnh khi có phát sinh, tránh để lây lan ra diện rộng. Đồng thời đề nghị bà con nuôi tôm tuân thủ các quy định của Nhà nước như việc khai báo thông tin khi nuôi tôm, đăng ký cấp mã số ao nuôi theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Được biết, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về nuôi tôm nước lợ ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh tại các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.
Hy vọng, với những cuộc hội thảo này sẽ giúp bà con giải quyết được những vấn đề khó khăn gặp phải trong nuôi tôm, góp phần cho vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng năm 2020 và những năm tiếp theo được thành công.