| Hotline: 0983.970.780

Hồi ức cảm động của một bé gái chạy khỏi Triều Tiên

Chủ Nhật 05/10/2014 , 21:34 (GMT+7)

Phải chứng kiến mẹ của bạn thân mình bị xử tử hình khi mới lên 9 tuổi, chạy trốn cùng mẹ qua Trung Quốc, sang Mông Cổ trước khi đến Hàn Quốc...

Yeonmi Park đến nay vẫn chưa thể quên những ký ức buồn từng phải chứng kiến khi còn ở Triều Tiên.

Sự việc xảy ra vào một ngày 12 năm về trước, khi Park được mẹ cõng tới một sân vận động để xem thi hành án. Một trong số 8 phạm nhân bị trói chặt vào cột là mẹ của bạn Yeonmi. Bản án mà người phụ nữ này phải nhận được đọc trước khi xử tử, theo đó bà đã xem các DVD phim Hàn Quốc và cho người khác mượn đĩa phim. “Đó là một cú sốc”, cô gái nay đã 21 tuổi nhớ lại. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi thực sự”.

Hiện ở Seoul, nơi có cuộc sống hiện đại như ở thế giới khác, Yeonmi đã trở thành một nhà vận động nâng cao nhận thức của thế giới về những nỗi thống khổ đồng bào mình phải chịu. Thông qua mạng xã hội, truyền hình, báo giới, cô kể những câu chuyện tại Triều Tiên.

Yeonmi tới nhiều nơi trên thế giới, và tháng tới địa điểm sẽ là Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới tại Dublin, Ai len. Hội nghị sẽ có sự hiện diện của nhiều nhân vật quan trọng như nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, nguyên Tổng thống Mexico Vicente Fox…

Sinh năm 1993 trong một gia đình có cha là cán bộ tầm trung trong đảng Lao động Triều Tiên, ngày nhỏ Yeonmi may mắn hơn rất nhiều đứa trẻ khác khi cha cô thông qua những hoạt động buôn bán vàng, bạc và nickel ngầm với thương lái Trung Quốc, đảm bảo cho gia đình có cuộc sống tương đối no đủ.

Đến năm 2002, thế giới êm đềm của Yeonmi sụp đổ khi cha cô bị bắt vì buôn bán bất hợp pháp. “Mọi thứ đều thay đổi”, cô nhớ lại. Cha cô bị đưa tới một nhà tù gần Bình Nhưỡng và kết án 17 năm tù.

Bức ảnh cũ của gia đình Yeonmi tại Triều Tiên
Bức ảnh cũ của gia đình Yeonmi tại Triều Tiên

Sau 3 năm, cha của Yeonmi cuối cùng cũng tìm được cách hối lộ để ra tù sớm. Nhưng đó cũng là lúc ông bị chẩn đoán mắc ung thư ruột kết. Khi cha được thả, Yeonmi chỉ còn thấy một người gầy gò không thể nhận ra.

Ngay sau khi cha cô được thả, gia đình lập tức bàn kế hoạch trốn sang Hàn Quốc. Và vào đêm 30/3/2007. Yeonmi cùng mẹ thông qua một kẻ buôn người đã đến được biên giới với Trung Quốc. Cha cô ở lại nhà để giảm thiểu rủi ro. Họ đã vượt qua 3 ngọn núi và cuối cùng đến được một con sông đóng băng, chia cắt Triều Tiên và Trung Quốc.

Yeonmi cho biết mình đã rất lo sợ lớp băng trên sông sẽ sụp xuống, nhưng may mắn cuối cùng họ cũng vượt được sang bờ bên kia. Khi đã lên đến bờ hai mẹ con chạy thục mạng. “Tôi chạy rất nhanh. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ đó là tôi có thể bị bắn. Do đó tôi chỉ chạy và chạy”.

Khi dừng chạy, cả hai mẹ con đã thấy mình trong địa phận tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc. Tại đây, họ mới tính đến việc đi tìm chị gái của Yeonmi bị lạc trong quá trình vượt biên. Nhưng họ không biết phải tìm ở đâu trong khi kẻ đưa lậu người qua biên giới từ chối giúp.

Một vài ngày sau đó, cha của Yeonmi cũng vượt biên và tìm tới nơi hai mẹ con đang ẩn náu, trong khi chị gái của Yeonmi vẫn bặt vô âm tín. Nhưng họ cũng không dám quay lại tìm kiếm do sợ bị bắt.

Lẩn trốn trong một ngôi nhà ọp ẹp, ẩm thấp, không điện không nước ở ngoại ô thành phố Thẩm Dương trong nỗi lo sợ bị cảnh sát bắt và trục xuất, cha mẹ của Yeonmi phải đi hứng nước nhỏ giọt tại các vòi nước. Đến tháng Giêng 2008, cha cô qua đời ở tuổi 45. Không có giấy tờ tùy thân, mẹ cô đã phải hối lộ một nhà hỏa táng địa phương để hỏa táng, rồi đem tới một ngọn núi gần đó chôn tro cốt lúc 3 giờ sáng một cách lén lút.

Yeonmi tại đại học 
Yeonmi tại đại học Dongguk 

Sau đó, hai mẹ con Yeonmi đón xe tới thành phố cảng Thanh Đảo và nương nhờ tại một cơ sở của những người truyền đạo Thiên chúa người Trung Quốc và Hàn Quốc. Khi thời cơ chạy trốn sang Hàn Quốc thông qua Mông Cổ tới, họ lập tức nắm lấy dù vẫn chưa biết chị gái Yeonmi là Eunmi ở đâu.

Tháng 2/2009, Yeonmi và mẹ đi bộ sâu vào sa mạc Gobi, nhằm hướng chòm sao Đại hùng để tìm tới biên giới Mông Cổ, với hy vọng từ đây có thể được các nhà ngoại giao Hàn Quốc giúp đỡ cho tị nạn.

Nhưng khi còn đang lang thang trong sa mạc, họ đã bị lực lượng biên phòng Mông Cổ bao vây và thông báo sẽ bị trục xuất về Trung Quốc ngay lập tức. Yeonmi và mẹ đã cầu xin hết lời, nhưng không thành công. Bước đường cùng, họ đã rút con dao mang bên người và kề lên cổ, tuyên bố sẽ tự sát nếu bị trục xuất.

Cuối cùng, họ đã được đưa về giam tại gần thủ đô Ulan Bator trước khi được giao cho các quan chức Hàn Quốc. Và đến ngày 1/4/2009, Yeonmi đứng trước sân bay Chinggis Khaan để chuẩn bị lên đường tới Seoul.

Vài giờ sau, cô đã có mặt tại sân bay Incheon và không khỏi ngỡ ngàng trước sự hiện đại không thể tưởng tượng nổi. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy một nhà vệ sinh đẹp đến thế. Lúc đó tôi nghĩ, nó sạch quá. Chỗ đó (bồn cầu) có phải chỗ rửa tay không nhỉ”, Yeonmi nói. “Mọi thứ đều sáng bóng. Tôi chưa từng thấy thứ gì như vậy”.

Sau khi đến Hàn Quốc, cả hai mẹ con cùng làm việc để Yeonmi có thể tiếp tục đi học. 5 năm sau, giờ cô đã là sinh viên năm thứ 3 khoa pháp luật hình sự tại đại học Dongguk, nổi tiếng hàng đầu Seoul và thường xuyên là khách mời truyền hình.

Và tháng 4 vừa qua, cuối cùng cô cũng được đoàn tụ với người chị gái được cho là đã chết từ lâu. Eunmi, hiện 23 tuổi, đã tới được Hàn Quốc sau khi vượt biên sang Trung Quốc và Thái Lan.

 

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm