| Hotline: 0983.970.780

Hơn 2.000ha lúa mới sạ nguy cơ mất giống

Thứ Sáu 29/12/2017 , 13:30 (GMT+7)

Nước mưa không tiêu thoát được, khiến hơn 2.000ha lúa ĐX 2017 - 2018 ở những vùng trũng mới gieo sạ bị ngập úng, nguy cơ bị mất giống.

* Kiên Giang: Không đường thoát nước, hơn 200ha lúa ngập úng

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, kết hợp không khí lạnh tăng cường, từ ngày 25/12 trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa đến mưa to. 

15-14-00_img_1723
Nông dân Bình Định trút giống đang ngâm ủ trong bao ra hong gió cho khô đợi ruộng hết ngập mới gieo sạ

Đến ngày 28/12, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Tuy Phước bị ngập úng bất thường. Tại xã Phước Hòa, nước ngập ngụa phủ trắng 120ha lúa vừa mới gieo sạ xong, ngoài ra còn gần 200ha khác bà con đã ngâm ủ giống phải mang ra hong gió phơi bởi với tình trạng đồng ruộng ngập nước không thể tiếp tục gieo sạ.

Nhiều cánh đồng ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cũng bị ngập trắng nước. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc HTXNN Phước Thắng, nông dân đã xuống giống hơn 300/928ha vụ lúa ĐX 2017 - 2018.

Hiện diện tích bị ngập khoảng 20ha và có khả diện tích lúa bị ngập còn tăng cao do nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng nhiều, HTX đã cho tháo mở hết các đập dâng để tiêu úng nhưng nước vẫn không thoát được. Nếu ngập úng kéo dài, những diện tích nói trên đứng trước nguy cơ bị mất giống.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện có khoảng hơn 2.000ha lúa ĐX ở các vùng ven đê Đông thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, TX An Nhơn và một số vùng trũng ở các huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn bị ngập úng.

“Nước gây ngập úng chủ yếu là do nước mưa đọng trong những vùng ruộng trên thượng nguồn trút ra kênh mương, nước trong kênh mương thượng nguồn trút xuống đến hạ nguồn thị bị nước thủy triều chặn lại, khiến kênh mương phía hạ nguồn bị ứ nước, do đó nước đọng trong ruộng vùng hạ nguồn không tiêu thoát ra kênh mương được gây ngập úng”, ông Phú phân tích.

Cũng theo ông Phú, hiện hồ Định Bình đang giữ nước lại hồ, nên hạn chế lượng nước qua tràn; các hồ nhỏ khác như Núi Một, Thuận Ninh lượng nước qua tràn rất thấp, chỉ một vài khối/giây nên mực nước sông không cao. Đến chiều 28/12, mực nước trên sông Kôn tại Thạnh Hòa chỉ còn thấp hơn đỉnh đập 2 tấc. Nhờ đó nước sông tràn về hạ lưu không nhiều nên hạn chế được ngập úng diện rộng.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với chính quyền các địa phương vận động và hướng dẫn nông dân bơm tát nước chống ngập úng.

“Đối với lượng lúa giống nông dân ngâm ủ đã nảy mầm, nhưng chưa gieo sạ được vì đồng ruộng còn ngập nước, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn bà con phơi giống, chờ nước rút mới gieo sạ; đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống ốc bươu vàng gây hại lúa. Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra cụ thể thiệt hại do tác động khách quan, trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh mức hỗ trợ cho nông dân”, ông Hổ nói.

* Do mưa bão và triều cường, hơn 200ha của 90 hộ dân ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành, Kiên Giang) gần thu hoạch bị ngập nặng. Ông Trần Tuấn Kiệt, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Thành B cho biết: “Khoảng 2 tháng trước, cống thoát nước chính của cánh đồng bị chặn do công trình đường Vĩnh Hòa Hiệp thi công. Do đó, hễ trời mưa bão hay nước lớn, chúng tôi không có chỗ để bơm thoát nước ra”.

16-25-12_1_ong_truong_vn_dung_ngu_p_vinh_thnh_b_chi_cong_trinh_thi_cong_cong_d_chn_ngng_duong_thot_nuoc_cu_khu_vuc
Ông Trương Văn Dũng, ngụ ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành), chỉ công trình thi công cống đã chặn ngang đường thoát nước của khu vực

Có hơn 6ha đất thuê trồng lúa, đang trong giai đoạn chín gần đến ngày thu hoạch, ông Trương Văn Dũng, ấp Vĩnh Thành B, rất sốt ruột vì lúa chín gặp mưa lớn nên một số diện tích đã bị sập, nếu ngập úng lâu ngày sẽ bị lên mầm, ảnh hưởng đến năng suất.

“Nếu không bơm nước ra sớm, lúa không thể cắt bằng máy. Trong khi đó, cắt tay tiền công và chi phí vận chuyển lên đến 1,2 triệu đồng/công. Chúng tôi đề nghị đơn vị thi công công trình đặt ống cống để bà con cùng nhau bơm rút nước cứu lúa, giảm thất thoát khi thu hoạch”, ông Dũng đề nghị.

Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT Châu Thành cho biết: "Nguyên nhân do đơn vị thi công cống trên đường Nguyên Chí Thanh đắp đập đã ngăn đường thoát nước. Đây là công trình do Ban quản lý dự án Sở GT-VT Kiên Giang thực hiện. Chúng tôi đã kiến nghị mở cống để dân bơm nước cứu lúa, nhưng đơn vị này không cho thực hiện. Phòng đã báo lên UBND huyện để đề nghị can thiệp nhưng chưa có kết quả".

“Lúa đã chín, hôm rồi bị gió bão gây đổ sập, nếu không rút nước ra được thì vài ngày nữa lúa sẽ lên mộng, bị thối bông, thiệt hại rất lớn. Người dân đang mong mỏi từng ngày để có đường bơm nước ra cứu lúa, đưa cơ giới vào thu hoạch để giảm bớt thiệt hại”, ông Việt nói.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.