| Hotline: 0983.970.780

Trà Vinh khởi động dự án hỗ trợ nông dân nuôi cua đinh

Thứ Tư 07/06/2023 , 08:51 (GMT+7)

Nông dân được hỗ trợ từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Nông dân tỉnh để nuôi cua đinh. Mô hình này mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân.

Tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, nghề nuôi cua đinh được nhiều nông dân quan tâm và hưởng ứng. Đây là mô hình có ưu điểm ít tốn kém thức ăn và nhẹ công chăm sóc, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân.

Theo anh Trần Văn Minh (xã Bình Phú, huyện Càng Long), nuôi cua đinh giống là mô hình khá mới nhưng có triển vọng phát triển bởi so với các vật nuôi khác, cua đinh cần thời gian thích nghi với môi trường mới và cần nhiều yếu tố để phát triển, nhưng khi đã nuôi thành công thì giá bán rất cao, lên tới 400 - 500 nghìn đồng/kg.

Nghề nuôi cua đinh mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp của bà con xã Bình Phú, huyện Càng Long. Ảnh: Hồ Thảo.

Nghề nuôi cua đinh mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp của bà con xã Bình Phú, huyện Càng Long. Ảnh: Hồ Thảo.

Anh Minh chia sẻ, nuôi cua đinh đỡ tốn chi phí, có thể tận dụng ốc bươu vàng, lục bình, ruột gà, ruột vịt... làm thức ăn cho chúng. Tuy nhiên, người nuôi nên cho ăn vừa đủ để hạn chế làm dơ nước, bởi môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh cho cua đinh.

Một con cua đinh nếu sinh trưởng tốt từ năm thứ 4 bắt đầu đẻ trứng, trung bình đẻ từ 10 - 15 trứng mỗi con. Thời gian ấp trứng khoảng 3 tháng sẽ nở thành con (tỷ lệ nở thành công khoảng 70%). Cua đinh giống có giá từ 280 - 350 nghìn đồng/con (tùy theo cỡ), được thương lái từ Bạc Liêu, Hậu Giang... đến thu mua.

Anh Minh cho biết: “Nuôi cua đinh khá nhàn bởi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, ít tốn chi phí mua thức ăn so với nuôi heo, nuôi cá, lại không lo đầu ra. Tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho bà con nào muốn khởi nghiệp từ mô hình này”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi, chính quyền địa phương đã cấp vốn khởi nghiệp cho các thành viên trong Tổ hợp tác Nuôi cua đinh xã Bình Phú. Bên cạnh đó, nông dân đã dễ dàng tiếp cận với các kỹ thuật nuôi cua đinh mới nhất thông qua những lớp tập huấn kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Ngô ở ấp Phú Hưng 1, xã Bình Phú cho biết: "Tôi được vay 50 triệu đồng để mua cua giống về nuôi, đến nay số cua giống phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm tôi còn bỡ ngỡ, cũng may có mấy anh em trong Tổ hợp tác hướng dẫn nên khá yên tâm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cua đinh tại Hậu Giang và Đồng Tháp để học hỏi thêm kinh nghiệm”.

 Anh Trần Văn Minh (xã Bình Phú, huyện Càng Long) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con muốn lập nghiệp từ mô hình nuôi cua đinh bán giống. Ảnh: Hồ Thảo.

 Anh Trần Văn Minh (xã Bình Phú, huyện Càng Long) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con muốn lập nghiệp từ mô hình nuôi cua đinh bán giống. Ảnh: Hồ Thảo.

Mô hình nuôi cua đinh giống đang trở thành nghề kinh doanh mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện cuộc sống của người dân xã Bình Phú. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng xác định đây là một trong những mô hình phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời gian tới.

Bà Lâm Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú cho biết, mô hình nuôi cua đinh tại địa phương được hỗ trợ từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Nông dân tỉnh. Theo đó, xã đã thành lập Tổ hợp tác Nuôi cua đinh xã Bình Phú với 14 thành viên, các hộ được vay vốn để mua con giống.

Đến thời điểm này, số cua giống của các thành viên phát triển tốt. Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong công tác phòng bệnh bởi đa số các hộ mới nuôi lần đầu. "Hội Nông dân xã Bình Phú cũng ghi nhận ý chí cố gắng vươn lên của bà con. Bên cạnh đó, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật cho nông dân nên chúng tôi đánh giá mô hình nuôi này phù hợp phát triển tại địa phương", bà Thanh đánh giá.

Cua đinh có tên khoa học là Amyda Cartilaginea hoặc dân dã hơn là ba ba Nam bộ. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi ngoại hình của chúng tương đối giống với loài ba ba. Những giống ba ba Nam bộ thương phẩm sẽ có trọng lượng từ 5 – 15kg, tuy nhiên cua đinh hoàn toàn có thể phát triển lên tới hàng chục cân, cụ thể đã có những cá thể nặng tới 30kg và thường được giữ để nuôi làm kiểng. Thịt cua đinh rất ngon, thơm và ngọt, đây là món ẩm thực quen thuộc thường được chiêu đãi ở những bữa tiệc sang trọng.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.