| Hotline: 0983.970.780

Năm nào cũng bị hạn, cố trồng lúa làm gì...

Thứ Sáu 16/06/2023 , 09:00 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Thưc tế, có nhiều loại cây trồng chịu hạn, ngắn ngày như ngô, lạc, khoai lang đỏ, ớt, dưa hấu… cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp phòng chống hạn có hiệu quả. Ảnh: Công Điền. 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp phòng chống hạn có hiệu quả. Ảnh: Công Điền. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế, trong tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 2 - 4 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày liên tiếp trên diện rộng. Thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nguy cơ khô hạn, thiếu nước, nhất là vào thời điểm cuối vụ hè thu 2023.

Tại huyện miền núi A Lưới, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương này gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù người dân canh tác chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên, nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều diện tích hoa màu, lúa hè thu đối mặt với nguy cơ thiệt hại do hạn hán rất cao.

Theo thống kê của Phòng NN-PTN huyện A Lưới, đến thời điểm này đã có khoảng 172ha lúa hè thu có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu nước, tập trung tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn như Đông Sơn, Lâm Đớt, Sơn Thủy, A Roàng... Trước đó, để chủ động phòng, chống hạn, địa phương đã tiến hành chuyển đổi 33ha lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng hoa màu phù hợp.

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới, huyện có 86 công trình thủy lợi, phần lớn là tạm thời, bán kiên cố. Nhiều công trình đầu tư xây dựng từ khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng.

Việc đầu tư hệ thống thủy lợi tại huyện rất khó khăn khi diện tích trồng lúa nằm rải rác, không tập trung. Trước mắt, để tránh thiệt hại, huyện sẽ kiên quyết vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

“Để sử dụng nguồn nước có hiệu quả trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, đơn vị đẩy mạnh phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến người dân; huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; sử dụng các máy bơm dầu lưu động tận dụng các hồ và suối để chủ động bơm tưới cho lúa”, ông Lập cho hay.

Cây ớt được người dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền canh tác trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, cho năng suất, giá trị cao. Ảnh: Công Điền.

Cây ớt được người dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền canh tác trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, cho năng suất, giá trị cao. Ảnh: Công Điền.

Những ngày này, khô hạn không chỉ xảy ra tại khu vực miền núi, tại vùng đồng bằng, tình trạng thiếu nước sản xuất do thời tiết nắng nóng kéo dài cũng diễn tại một số khu vực nội đồng, không có hệ thống thủy lợi.

Ông Đặng Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Hương Vinh (TP Huế) cho biết, với đặc điểm đồng ruộng manh mún, địa hình bậc thang, vào mùa nắng nóng, nếu hệ thống kênh mương thủy lợi không được nạo vét, khơi thông sẽ thiếu hụt nguồn nước.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương và đập thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho hơn 335ha lúa hè thu trên địa bàn. Ngoài ra, HTX đã chủ động nạo vét hơn 3km kênh mương để phục vụ tưới tưới tiêu cho đồng ruộng.

Vụ hè thu 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế gieo cấy khoảng 27.000ha lúa. Trước những dự báo về nắng hạn sẽ diễn biến cực đoan trong vụ hè thu 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp lấy nước đảm bảo cho sản xuất ngay từ đầu vụ.

Cùng với đó, giải pháp lâu dài và bền vững được ngành nông nghiệp tỉnh này đưa ra, đó yêu cầu các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước trong cả vụ sản xuất.

Đặc biệt, chú trọng bố trí vùng sản xuất cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước ít để thuận tiện cho việc điều tiết nước; ưu tiên huy động và bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi.

Nhiều diện tích lúa hè thu tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế thiếu nước do hạn hán. Ảnh: Công Điền.

Nhiều diện tích lúa hè thu tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế thiếu nước do hạn hán. Ảnh: Công Điền.

Trên thực tế, nhiều loại cây trồng chịu hạn, ngắn ngày như ngô, lạc, khoai lang đỏ, ớt, dưa hấu… đã được người dân đưa vào canh tác, thay thế cho cây lúa có nguy cơ thiếu nước cao.

Đơn cử như tại huyện Quảng Điền, người dân xã Quảng Lợi đã thành công với mô hình trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, ớt, rau đậu các loại... Những mô hình trên cho thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/năm/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và ít chịu rủi ro hơn khi gặp thời tiết bất lợi.

Cũng tại huyện Quảng Điền, từ vài năm nay, người dân xã Quảng Thọ đã chủ động chuyển đổi phần lớn diện tích đất lúa kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước vụ hè thu sang trồng rau má. Bình quân mỗi ha rau má cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và rau màu khác.

Đây đều là các loại cây trồng đảm bảo chịu hạn tốt, thích ứng với thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là vụ hè thu, phù hợp với những vùng không chủ động nguồn nước tưới. Trên cơ sở thành công từ các mô hình chuyển đổi cây trồng, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nói trên ra nhiều địa phương khác.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay, dung tích mực nước các hồ thủy lợi đạt hơn 71%, hồ thủy điện đạt 44% so với thiết kế. Nguy cơ xảy ra hạn hán với diện tích hơn 2.000ha lúa, chủ yếu tập trung tại các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới và một số khu vực tại huyện Phú Lộc, Phong Điền…

Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi như hiện nay, nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng là rất cao, nhất là vào thời điểm cuối vụ.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.