| Hotline: 0983.970.780

Hơn 8 sào lúa ở Hà Tĩnh chết cháy chưa rõ nguyên nhân

Chủ Nhật 21/04/2024 , 19:13 (GMT+7)

Có khoảng 8/10 sào lúa của một hộ dân ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang vào thời kỳ trổ bông bỗng dưng chết khô, gây thiệt hại nặng.

Chị Trần Thị Xanh bên ruộng lúa chết khô bất thường. Ảnh: TN.

Chị Trần Thị Xanh bên ruộng lúa chết khô bất thường. Ảnh: TN.

Lúa chết bất thường

Phản ánh đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Trần Thị Xanh, xã Hương Long, huyện Hương Khê cho biết, vụ xuân năm 2024, gia đình chị gieo cấy hơn 1 mẫu (10 sào) giống lúa TH3-7 và khang dân 18 tại cánh đồng Môn, thuộc thôn 1.

Quá trình sản xuất, lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn trổ bông. Bất ngờ, chiều ngày 14/4, chị Xanh ra thăm đồng thì phát hiện một số diện tích lúa bị héo, ngả màu vàng bất thường.

"Sau khi phát hiện sự việc tôi đã báo cho trưởng thôn và các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, ngày 15/4 một số cán bộ ngành nông nghiệp đã đến trực tiếp tại ruộng xem xét, lấy mẫu kiểm tra. Lực lượng công an cũng đã lấy mẫu, kiểm đếm diện tích thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", chị Xanh nói.

Lúa đang bước vào giai đoạn trổ bông, dự kiến khoảng 1 tháng nữa cho thu hoạch. Ảnh: TN.

Lúa đang bước vào giai đoạn trổ bông, dự kiến khoảng 1 tháng nữa cho thu hoạch. Ảnh: TN.

Theo chị, thời điểm phát hiện lúa bị héo, khô bông nhưng vẫn còn rễ non (rễ màu trắng) song chỉ 4-5 ngày sau cả ruộng lúa dần cháy lá, không còn rễ non, vàng quạch.

“Ước tính có khoảng 8 sào bị ảnh hưởng, trong đó có 1 sào gần như mất trắng, 5 sào mất 50-80%; diện tích còn lại thì hiện tượng lúa chết khô theo lối dọc, rộng khoảng 1m và dài hơn 100m”, chị Xanh nhẩm tính. Đồng thời cho biết, những diện tích lúa này, các vụ sản xuất trước đây, bình quân mỗi sào cho thu hoạch đạt từ 2 - 2,5 tạ.

Một số diện tích, cây lúa chết khô như rơm từ gốc tới ngọn. Ảnh: TN.

Một số diện tích, cây lúa chết khô như rơm từ gốc tới ngọn. Ảnh: TN.

Trước khi xảy ra hiện tượng lúa chết khô khoảng 2 tuần, gia đình chị Xanh có sử dụng thuốc BVTV trừ bệnh đạo ôn cổ bông và phòng bệnh lem lép hạt. Nghi ngờ có thể do phun nhầm thuốc, gia đình chị Xanh đã mời đơn vị cung ứng thuốc BVTV về lấy mẫu kiểm tra và được khẳng định gia đình sử dụng thuốc đúng liều lượng hướng dẫn, không ảnh hưởng đến sức khỏe cây lúa.

Nghi bị phá hoại

Theo ghi nhận thực tế và nhận định của chủ ruộng, nhiều khả năng diện tích lúa chết khô do có người cố ý phá hoại.

“Năm ngoái gia đình tôi và một hộ dân khác từng có xích mích trong quá trình lấy nước vào ruộng sản xuất. Mới đây, lại tiếp tục có lời qua tiếng lại. Trước hôm 14/4 chính quyền xã có nói sẽ mời các hộ lên để hoà giải nhưng xã chưa kịp phát giấy mời thì chiều cùng ngày tôi phát hiện lúa bị chết bất thường.

Cỏ ven bờ thửa cũng chết trắng, nghi do bị kẻ xấu phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: TN.

Cỏ ven bờ thửa cũng chết trắng, nghi do bị kẻ xấu phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: TN.

Tôi tin chắc lúa của gia đình chết khô do bị phá hoại. Có thể bị phun thuốc diệt cỏ nên mới cháy hết cả lúa và cỏ xung quanh bờ thửa như vậy”, chị Xanh nhận định.

Đồng thời đề nghị, cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân, thông báo kết quả để người dân bớt lo lắng. Trường hợp, nếu xác định có người phá hoại cần có giải pháp xử lý nghiêm, yêu cầu đền bù thiệt hại cho gia đình.

Ông Trương Quang Thuỵ, Chủ tịch UBND xã Hương Long cho biết, sau khi nhận được trình báo của người dân, xã đã cử Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và mời Trung tâm Ứng dụng KHKT& bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường. Đoàn đã tổ chức lấy mẫu, gửi đến cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá để tìm nguyên nhân lúa chết.

Một số thửa cây lúa đang sinh trưởng, trổ bông đều. Ảnh: TN.

Một số thửa cây lúa đang sinh trưởng, trổ bông đều. Ảnh: TN.

“Qua đánh giá bằng cảm quan của cán bộ xã, rất có thể nguyên nhân lúa chết là do có tác động từ bên ngoài. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp, xã đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp lấy mẫu, tiến hành các bước điều tra”, ông Thuỵ thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, phía đơn vị chưa nhận được thông tin, báo cáo nào về trường hợp lúa chết bất thường tại xã Hương Long, huyện Hương Khê. Sau khi nắm bắt qua cơ quan truyền thông, chi cục sẽ xác minh từ cơ sở để vào cuộc làm rõ nguyên nhân.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.