| Hotline: 0983.970.780

Hơn 80 ha ngô CP511 chết khô giai đoạn chín sáp

Thứ Năm 04/04/2024 , 10:34 (GMT+7)

Ít nhất 66 ha ngô CP511 ở Hương Khê và khoảng 25 ha ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị khô bất thường từ gốc tới ngọn giai đoạn chín sáp, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

CP511 mẫn cảm với thời tiết, dịch bệnh

Ngày 21/3, người dân xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tá hỏa phát hiện hàng chục ha ngô gieo trỉa giống CP511, do Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cung ứng, thông qua Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê bỗng dưng khô lá, “chết đứng” hàng loạt. Trong khi đó, những diện tích khác gieo trỉa giống NK6275, NK7328 bị khô lá nhẹ, diện tích có dấu hiệu bị bệnh ít.

Phần diện tích gieo trỉa giống CP511 bị khô héo, 'chết đứng' khi bắp ngô chưa đến kỳ thu hoạch, trong khi các giống ngô khác xanh tươi mơn mởn. Ảnh: Thanh Nga.

Phần diện tích gieo trỉa giống CP511 bị khô héo, "chết đứng" khi bắp ngô chưa đến kỳ thu hoạch, trong khi các giống ngô khác xanh tươi mơn mởn. Ảnh: Thanh Nga.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, thôn Vĩnh Hưng, xã Hương Xuân có 5 sào ngô sản xuất giống CP511. Theo chị, giai đoạn đầu cây ngô sinh trưởng phát triển tốt nhưng khi trổ cờ thì xuất hiện sâu bệnh, đến giai đoạn bắp ngô ngậm sữa thì chết hàng hoạt, khô khốc từ gốc đến ngọn, bắp ngô nhỏ, hạt chỉ xếp sít được hơn nửa bắp.

“Năm ngoái tôi làm 2 sào đất thu khoảng 6 tạ ngô, năm nay mượn thêm đất làm 5 sào thì bị mất mùa. Ngô này dù đang thu hoạch được nhưng do còn non nên phơi ra sẽ hao hụt nhiều và không dự trữ được. Tính ra thiệt hại ước khoảng 60 - 70% năng suất, sản lượng”, chị Thương thở dài bẻ những cây ngô không còn một giọt nước.

Chị kiến nghị chính quyền địa phương, ngành chuyên môn cần sớm có kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến giống ngô CP511 mất mùa. Đồng thời, có phương án làm việc với đơn vị cung ứng giống có trách nhiệm hỗ trợ nông dân giảm bớt thiệt hại.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, thôn Vĩnh Hưng có 5 sào ngô bị thiệt hại nặng. Ảnh: Thanh Nga.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thương, thôn Vĩnh Hưng có 5 sào ngô bị thiệt hại nặng. Ảnh: Thanh Nga.

Chung cảnh ngộ, gia đình ông Trịnh Xuân Trình, thôn Vĩnh Hưng đang hết sức lo ngại về nguồn thức ăn cho gia súc trong thời gian tới. Bởi toàn bộ 4 sào ngô gieo trỉa giống CP511 chết khô trước giai đoạn thu hoạch khoảng 15 ngày.

“Gia đình tôi mới mua 1 đàn trâu bò để phát triển kinh tế, năm nay bỏ không trồng lạc chuyển sang làm ngô để lấy thức ăn cho gia súc. Đùng một cái mất mùa, mùa đông tới không có ngô dự trữ chắc chúng tôi phải xuống Thạch Hà, Can Lộc mua rơm. Đúng là thiệt hại đủ đường”, ông Trình nói.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trịnh Xuân Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết, vụ xuân năm nay toàn xã gieo trỉa 114ha ngô; trong đó giống CP511 hơn 73ha. Qua kiểm tra, ít nhất 11ha sản xuất giống CP511 gần đến thời kỳ thu hoạch xuất hiện bệnh héo toàn bộ cây, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân.

Cây ngô bị héo từ gốc đến ngọn. Ảnh: Thanh Nga.

Cây ngô bị héo từ gốc đến ngọn. Ảnh: Thanh Nga.

“Xã chúng tôi có hơn 800 hộ chăn nuôi hơn 3.000 con trâu, bò. Do đó sản lượng ngô vụ xuân không chỉ làm thức ăn hàng ngày mà còn để dự trữ cho cả mùa đông. Ngoài ra nhiều hộ còn sản xuất lấy tiền bán ngô mua sách vở, nộp tiền học cho con cái. Thiệt hại năm nay đúng là rất lớn với bà con”, ông Trọng nói.

Theo ông, vụ xuân 2024 ước sản lượng ngô bình quân toàn xã đạt khoảng 54 tạ/ha, riêng giống CP511 mất khoảng 2/3 sản lượng do bị khô cây. Hiện địa phương đang vận động người dân tập trung thu hoạch nhanh các diện tích bị khô héo nhằm hạn chế thiệt hại. Đồng thời, đề nghị cấp huyện, cơ quan chuyên môn sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân gây mất mùa và có giải pháp hỗ trợ giảm bớt thiệt hại cho người sản xuất.

Số liệu tổng hợp đến ngày 3/4 cho thấy, toàn huyện Hương Khê có 66 ha ngô sản xuất giống CP511 chết khô khi chỉ cách ngày thu hoạch từ 7 - 15 ngày. Khu vực bị thiệt hại nặng tập trung ở các xã Hương Xuân, Hà Linh, Điền Mỹ, Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Giang, Hương Đô.

Ngoài Hương Khê, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cũng cho biết, giống ngô CP511 trà đông muộn xuân sớm gieo trỉa trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng khô héo toàn thân giai đoạn chín sáp. Diện tích thiệt hại khoảng 25 ha, trong đó 20 ha bà con phải thu hoạch non, còn lại 5 ha đang phơi ngoài đồng để theo dõi.

Phần thân khô xốp. Ảnh: Thanh Nga.

Phần thân khô xốp. Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi đã báo cáo với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh. Bây giờ anh em đang tiếp tục kiểm tra, rà soát tại các xã xem tình hình thiệt hại cụ thể như thế nào”, ông Sơn thông tin thêm.

Sẽ đưa ra khỏi cơ cấu

Theo nhận định của người trồng ngô, ngoài yếu tố thời tiết năm nay bất thuận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa là do giống ngô CP511 mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh. Đây cũng là nhận định bước đầu của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.

“Nguyên nhân ban đầu có mấy yếu tố, một là do cuối vụ lá già chết; giống ngô CP511 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống khác; thứ 3, thời tiết tháng 3 bất thường nắng nóng sau đó mưa ẩm; thứ 4 có nấm bệnh đốm lá lớn và cuối cùng là giống ngô này mẫn cảm với dịch bệnh, thời tiết”, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh nói.

Năm nay bắp ngô CP511 ngắn, hạt non nhưng lại nảy mầm. Ảnh: Thanh Nga.

Năm nay bắp ngô CP511 ngắn, hạt non nhưng lại nảy mầm. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông, chưa thể khẳng định nguyên nhân do giống ngô nhưng rõ ràng giống này rất mẫn cảm với các loại nấm bệnh, trong đó có nấm bệnh đốm lá lớn. Sức chống chịu với thời tiết cũng kém hơn các giống ngô khác. Do đó, giải pháp về lâu dài, sang năm sẽ tham mưu đưa ra khỏi cơ cấu bộ giống ngô của tỉnh.

Hiện nay người trồng ngô như ngồi trên đống lửa, bởi tình trạng giống CP511 nhiễm bệnh, chết khô xảy ra đã hơn 2 tuần nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra kết luận hay khuyến cáo rõ ràng để người dân bớt “xót của”. Bà con cho rằng, việc xác định nguyên nhân quá chậm trễ?!

Các diện tích bị bệnh, chết khô người dân phải thu hoạch trước thời vụ từ 7 - 15 ngày. Ảnh: Thanh Nga.

Các diện tích bị bệnh, chết khô người dân phải thu hoạch trước thời vụ từ 7 - 15 ngày. Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi phát hiện ngô khô héo từ 21/3, đến 23/3 cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê về kiểm tra. Ngày 27/4 Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh trực tiếp về lấy mẫu để tìm nguyên nhân nhưng mãi chẳng có kết luận nào. Đến hôm 2/4, thêm một đoàn nữa về lấy mẫu và nay chúng tôi vẫn phải chờ.

Chúng tôi cần câu trả lời sớm để trao đổi với nông dân và khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp ngăn chặn lây lan”, lãnh đạo xã Hương Xuân nói.

Ngoài trách nhiệm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, thiết nghĩ đơn vị cung ứng giống là Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cũng cần vào cuộc kịp thời để có giải pháp chia sẻ thiệt hại với người sản xuất.

Theo lãnh đạo UBND xã Hương Xuân, bà con nông dân đã đăng ký mua 8 loại giống ngô từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê, trong đó có giống CP511. Các giống ngô được hỗ trợ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Riêng giống ngô CP511 có giá là 140.000 đồng/kg, sau khi hỗ trợ còn 90.000 đồng/kg.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm