Theo ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, ngành yến mới phát triển trong khoảng trên dưới 20 năm. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành yến mới trở thành một ngành kinh tế thực sự.
Tuy hình thành chưa lâu, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, đã có những quy định mang tính pháp lý cho sự phát triển của ngành yến. Chẳng hạn, Luật Chăn nuôi năm 2018 đã có quy định về quản lý nuôi chim yến, qua đó, chính thức coi chim yến là một trong những vật nuôi khác trong ngành chăn nuôi.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định 13 năm 2020 về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, đã dành riêng một điều về quản lý nuôi chim yến với những quy định về vùng nuôi, cơ sở nuôi chim yến. Đây là những nền tảng, cơ sở pháp lý ban đầu để ngành yến phát triển.
Tuy nhiên, đến nay, đa số nhà yến vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, bởi nhà yến là công trình xây dựng để chăn nuôi chứ không phải là nhà ở, nhưng đến nay lại chưa có quy trình, thủ tục để cấp phép. Vì vậy, hiện đang có trên 90% nhà yến không có giấy phép xây dựng, không có cơ sở pháp lý để công nhận.
Đây là một thiệt thòi cho ngành yến, vì các nhà yến đã được xây dựng là một nguồn lực rất lớn để người nuôi yến có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, đầu tư vào khâu sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị tổ yến.
Đa số nhà yến chưa có cơ sở pháp lý cũng đang ảnh hưởng lớn tới việc thu mua tổ yến về chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Ông Hồng Đình Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến, cho biết, khi doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu tổ yến thành phẩm, trong bộ hồ sơ xuất khẩu phải có hồ sơ chứng minh được nguồn gốc tổ yến nguyên liệu.
Tuy nhiên, đại đa số nhà yến tại Việt Nam trước đây được xây dựng không đúng theo quy định. Mặc dù Nghị định 13 đã cho phép những nhà yến dạng này được tồn tại với yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng và không cơi nới, nhưng khi triển khai ở các địa phương thì nhiều địa phương vẫn đang ngần ngại trong việc thừa nhận sự tồn tại của những nhà yến này, từ đó làm hạn chế cho việc xác nhận nguồn gốc tổ yến nguyên liệu.
Theo ông Lê Thành Đại, trước những bất cập liên quan đến cơ sở pháp lý cho nhà yến, trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã nhiều lần tổ chức hội thảo và cũng lấy nhiều ý kiến đóng góp về phương án giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ được, vì vấn đề cơ sở pháp lý cho nhà yến hiện đang vướng rất nhiều luật thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nông nghiệp ...
Vì vậy, để giải quyết được vấn đề này, ông Đại cho rằng, các bộ có liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng cần ngồi lại với nhau để cùng ban hành hướng dẫn về một quy trình thống nhất để các địa phương có cơ sở áp dụng vào quản lý nhà yến.
Cũng theo ông Đại, hiện nay, do không có hướng dẫn cụ thể, nên địa phương nào quan tâm, muốn thúc đẩy ngành yến phát triển, thì chính quyến ở đó nhiệt tình trong việc xác nhận nhà yến theo Nghị định 13. Trong khi đó, rất nhiều địa phương vẫn chưa xác nhận với lý do chưa có hướng dẫn.
Sự thiếu đồng nhất trong quản lý nhà nước đối với nghề nuôi chim yến đang là một trong những trở ngại cho xuất khẩu tổ yến do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.