| Hotline: 0983.970.780

Hồng không hạt LT-1, cây 'hái ra tiền' ở vùng cao Bắc Kạn

Thứ Sáu 01/12/2023 , 09:50 (GMT+7)

BẮC KẠN Trồng 900 gốc (2ha) hồng không hạt TL-1, ngay vụ đầu bà Hạnh đã thu được tới hơn 1.300kg quả, bán sỉ tại vườn 20.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 260 triệu đồng.

Men theo con đường dốc quanh co khúc khuỷu mới đến được nhà bà Trần Thị Hạnh ở bản Phiêng Cuôn, xã Sơn Thanh (Na Rì, Bắc Kạn). Bà Hạnh đang vớt, rửa nốt những trái hồng tận thu cuối vụ. Vừa làm, bà vừa kể: Năm 2019, bà Hạnh mạnh dạn đưa vào trồng 900 gốc hồng không hạt LT-1, sau trồng 2 năm nhiều cây đã cho quả bói, nhưng bà Hạnh ngắt bỏ toàn bộ, đợi tới năm nay bà mới bắt đầu để quả cho thu hoạch.

Ông Nông Văn Hội, Phó Bí thư Huyện ủy Na Rì thăm mô hình trồng hồng LT-1. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nông Văn Hội, Phó Bí thư Huyện ủy Na Rì thăm mô hình trồng hồng LT-1. Ảnh: Hải Tiến.

Vụ đầu cho thu hoạch, 900 gốc (2ha) hồng không hạt LT-1 bà Hanh thu được tới hơn 1.300kg quả, bán sỉ tại vườn 20.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 260 triệu đồng, tương đương giá trị thu hoạch 130 triệu đồng/ha canh tác/năm.

Bà Hạnh kể, trồng và chăm sóc cây hồng không hạt LT-1 khá dễ, chỉ cần làm theo quy trình kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đào hố sâu 50cm, rộng 40cm, bón lót mỗi hố 30kg phân chuồng ủ hoai mục, 0,5kg lân supe, 0,2kg ure, 0,3kg kali và 0,3 vôi bột, rồi phủ đất kín phân, đặt bầu cây giống giữa hố, sao cho cổ của gốc cây ngang bằng mặt ruộng, lấp đầy đất, nén nhẹ, tưới nước và dùng cỏ khô hoặc rơm rạ tủ gốc.

Về chăm bón, 3 năm đầu chưa lấy quả, mỗi năm bón mỗi gốc 0,2 - 0,3kg ure + 0,5 - 0,8kg lân supe + 0,2 - 0,3kg kali + 20 - 30kg phân chuồng ủ mục.

Từ khi khai thác quả kinh doanh (năm thứ 4), tùy theo thực tế sinh trưởng của từng cây, bón tăng mỗi loại phân hóa học từ 0,1 - 0,2kg/gốc + 30 - 50kg phân chuồng ủ mục hoặc 2 - 3kg phân vi sinh. Chia phân bón làm 3 lần: Lần 1 (tháng 1 - 2) bón 100% phân chuồng + 100% phân lân + 60% lượng đạm ure + 50% lương kali; lần 2 (tháng 4 - 5) bón 20% lượng đạm ure + 25% kali; lần 3 (tháng 10 - 11) bón nốt số phân còn lại.

Cách bón, đào rãnh theo hình chiếu mép tán cây, sâu 20cm, rộng 20cm, rải đều phân xuống rãnh, lấp kín đất và tủ gốc bằng cỏ khô hoặc rơm rạ giúp giữ ẩm đất, giảm công tưới để cây trồng phát triển thuận lợi.

Hồng LT-1 cho quả rất to và ngon. Ảnh: Hải Tiến.

Hồng LT-1 cho quả rất to và ngon. Ảnh: Hải Tiến.

Cắt tỉa kịp thời các cành khô, cành tăm, cành cong, cành mọc thẳng đứng, cành mọc quá dày trong tán, cành bị sâu bệnh và những quả sâu, vẹo, quả quá dày trong chùm. Hết vụ thu hoạch phải tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt bỏ 1/3 những cành mới mang quả trong năm, cho bật mầm phát sinh cành mới. Sau đó dùng nước vôi quét xung quanh thân gốc cây và thu gom mọi tàn dư thực vật trong vườn, chôn lấp sâu hoặc xử lý bằng chế phẩm vi sinh dùng làm phân bón. 

Lưu ý, định kỳ 3 năm đốn tỉa nhẹ (đón phớt) phải có 1 năm đốn tỉa sâu (đốn đau) nhằm tạo cho tán cây phát triển cân đối, phù hợp với sự phát triển bộ bộ rễ và khống chế chiều cao cây không vươn quá khả năng thu hái quả. Cây hồng trồng trong 2 năm đầu sinh trưởng rất chậm, từ năm thứ 3 trở đi sẽ sinh trưởng, phát triển nhanh.

Sâu bệnh hại chủ yếu ở thời kỳ cây nhú chồi đến trước lúc ra hoa. Cần ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học như dầu khoáng hoặc thuốc có tính lưu dẫn cao. Khi sâu bệnh xuất hiện mật độ cao mới dùng thuốc hóa học độ độc nhẹ (vỏ gói có vạch vàng) để phun trừ. Một số đối tượng dịch hại chính trên cây hồng như rệp sáp phát sinh gây hại nặng ở thời kỳ cây ra lộc (tháng 2 - 3) có thể dùng máy bơm cao áp phụt mạnh vào những chỗ rệp đang đeo bám cho trôi xuống, nếu nhiều rệp cần phun trừ bằng thuốc Boxing 485EC hoặc Confidor 400 WG, Confidor 100SL.

Mô hình trồng hồng LT-1 của bà Hạnh được rất nhiều người đến tham quan học hỏi. Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình trồng hồng LT-1 của bà Hạnh được rất nhiều người đến tham quan học hỏi. Ảnh: Hải Tiến.

Sâu ăn lá phát sinh gây hại quanh năm, không phòng trừ sâu sẽ ăn trụi lá hồng, mật độ sâu hại thấp nên giết bằng tay, khi sâu hại quá nhiều hãy dùng thuốc Trebon 10EC hoặc Sherpa 25EC. Đối với sâu đục quả, cần thăm vườn thường xuyên, kiểm tra thấy có nhiều trứng sâu ở cuống hoặc tai quả thì dùng thuốc Sherpa 25EC hoặc Fastac 5EC phun trừ ngay.

Bệnh thán thư thường phát sinh gây hại nặng khi thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ không khí cao từ 22 - 25 độ C, dùng thuốc Dacolin 500SC, Aliette 800WG hoặc Ridomil Gold 68 WG. Bệnh giác ban xuất hiện chủ yếu trong mùa mưa (tháng 7 - 9), gây hại trên lá và tai quả, làm quả bị héo rụng, phun trừ bằng Boocdo 1% hoặc Kasuran 1%.

Thu hoạch khi quả hồng chuyển từ màu xanh sang hanh vàng, nhưng vỏ quả vẫn còn cứng, rồi nhặt bỏ những trái cây bị sâu bệnh, sau đưa toàn bộ vào ngâm ngập trong thùng nước sạch từ 72 - 96h (tùy theo thời tiết nắng nóng hay se lạnh). Trong đó, 1-2 ngày phải thay mới nước ngâm hồng để khử hết độ chát. Nếu vận chuyển hồng không hạt đi xa, có thể xuất quả vừa mới thu hái để thương lái tự khử chát theo cách làm nêu trên, giảm thiểu được ảnh hưởng chất lượng quả.

Bà Hạnh đang vớt rửa những trái hồng LT-1 sau ngâm khử chát. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Hạnh đang vớt rửa những trái hồng LT-1 sau ngâm khử chát. Ảnh: Hải Tiến.

Trở lại chuyện vì sao mạnh dạn trồng được vườn hồn, bà Hạnh cho biết, khi cán bộ chuyên môn của huyện xuống tập huấn kỹ thuật và triển khai trồng hồng LT-1, có một số hộ trong bản ngần ngại bởi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản 3 năm đầu, cây chưa cho thu hoạch sẽ làm gì để lấy cái ăn, cái mặc. Riêng bà Hanh vẫn quyết tâm chuyển đổi toàn bộ diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp trên các vườn đồi sang trồng hồng không hạt LT-1 xen canh cây lạc và đỗ tương, kết hợp nuôi thêm hơn 100 con gà và 5 con bò thịt. Nhờ những nguồn thu này, bà Hạnh đã vượt qua giai đoạn “giáp hạt" để có vườn hồng bội thu như bây giờ.

Biết bà Hạnh trồng hồng không hạt LT-1 đạt hiệu quả tốt, từ 2 năm nay, nhiều nhà nông trong huyện đã và đang mở rộng diện tích trồng giống hồng không hạt này.

Ở nước ta, chỉ một số tiểu vùng cao khu vực phía Bắc có điệu kiện sinh thái tương tự như Bắc Kạn mới có thể trồng được hồng không hạt nói chung, hồng LT-1 nói riêng. Hồng không hạt ít bị sâu bệnh hại, dễ thâm canh đạt năng suất cao, rất phù hợp với khả năng canh tác, mở rộng sản suất của bà con các dân tộc miền núi. Mô hình trồng hồng không hạt LT-1 của bà Hạnh và các hộ dân trên địa bàn xã Sơn Thanh (Na Rì, Bắc Kạn) là minh chứng rõ nét nhất. 

Xem thêm
Yên Bái: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 67.000 tấn

Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh Yên Bái đạt hơn 67.000 tấn, trong đó một số vật nuôi đặc sản vượt kế hoạch đề ra.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Nếu không đi đường mới chỉ còn cách dừng lại

PHÚ THỌ Nhiều hộ chăn nuôi lợn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ái ngại khi thấy anh Phạm Trung Hiếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho toàn bộ đàn lợn của mình.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.