| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư trên cây hồi và hồng

Thứ Tư 11/10/2023 , 07:12 (GMT+7)

BẮC KẠN Thời tiết âm u, nhiều mây, độ ẩm cao khiến bệnh thán thư phát sinh, lây lan trên cây hồi và cây hồng không hạt tại một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn.

Bệnh lây lan rộng

Hồi là cây trồng chủ lực của huyện Chợ Mới với diện tích gần 800ha, trong đó hơn 600ha đã cho thu hoạch. Nhiều năm nay, cây hồi đã giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Trồng cây hồi khoảng năm thứ 8 sẽ cho thu hoạch, từ năm thứ 10 trở đi, 1ha cây hồi có thể cho thu nhập lên tới 400 triệu/năm. Do là cây trồng lâu năm nên từ lúc bắt đầu có hoa, cây hồi có thể cho thu hoạch liên tục hàng chục năm tiếp theo.

Diện tích nhiễm bệnh thán thư trên cây hồi ở huyện Chợ Mới đang gia tăng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Diện tích nhiễm bệnh thán thư trên cây hồi ở huyện Chợ Mới đang gia tăng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thời gian gần đây, cây hồi ở huyện Chợ Mới bị nhiễm bệnh thán thư. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn huyện có hơn 10ha cây hồi đã bị bệnh. Xã Bình Văn có diện tích bị nhiễm nhiều nhất với khoảng 6ha, xã Yên Hân 1,5ha, xã Yên Cư 2,5ha.

Ông Nguyễn Đình Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Văn (huyện Chợ Mới) cho biết: Năm nay bệnh thán thư phát triển khá mạnh, phân bố rải rác ở hầu hết diện tích trồng hồi trên địa bàn xã. Bệnh thán thư ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, năng suất của cây hồi.

Hồng không hạt cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, diện tích khoảng 800ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Bể. Khoảng 5 năm trở lại đây, cây hồng không hạt ở Bắc Kạn cũng bị bệnh thán thư tấn công, gây thiệt hại lớn. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng tại huyện Ba Bể có hàng trăm ha bị nhiễm bệnh ở nhiều mức độ. Nhiều diện tích bị nhiễm bệnh nặng khiến quả bị thối rụng nhiều, năng suất giảm.

Huyện Ba Bể phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 400ha cây hồng không hạt, nhưng đến nay mới trồng được hơn 238ha. Nguyên nhân là do vài năm trở lại đây, nhiều diện tích hồng bị bệnh thán thư mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Tại vùng hồng không hạt trọng điểm như xã Thượng Giáo, Hà Hiệu, Quảng Khê, nhiều hộ đã chặt cây hồng nhiễm bệnh để trồng cây ăn quả khác.

Hồng không hạt là cây trồng chủ lực của huyện Ba Bể nhưng một số diện tích bị nhiễm bệnh thán thư và chưa được phòng trừ hiệu quả. Ảnh: Ngọc Tú.

Hồng không hạt là cây trồng chủ lực của huyện Ba Bể nhưng một số diện tích bị nhiễm bệnh thán thư và chưa được phòng trừ hiệu quả. Ảnh: Ngọc Tú.

Phải áp dụng tổng hợp nhiều giải pháp phòng trừ

Theo Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), sau nhiều năm nghiên cứu tại vùng trồng hồng không hạt ở các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn, đã xác định bệnh thán thư làm khô cành, rụng quả do nấm Colletotrichum horii gây ra.

Đây là bệnh hại chính trên cây hồng không hạt ở Bắc Kạn. Bệnh thán thư phát sinh gây hại từ tháng 3 đến khi thu hoạch. Ban đầu bệnh gây hại trên cành non, cuống hoa, cuống quả và quả non. Từ tháng 6 trở đi khi cành lộc xuân đã già, bệnh phát triển mạnh. Bệnh thánh thư gây hại diện rộng sau khi có mưa nhiều bởi bào tử nấm phát tán, lan truyền nhờ giọt bắn của nước mưa.

Nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật cũng cho thấy, hầu hết các nhà vườn trồng hồng không hạt ở Bắc Kạn không phun phòng bệnh, hoặc phun không thường xuyên. Với những vườn không phun sẽ không cho thu hoạch, hoặc năng suất thấp, những vườn thực hiện các biện pháp đốn tạo quả, phun phòng thường xuyên, tỷ lệ bệnh trên quả chỉ khoảng 20%, năng suất đạt từ 3 đến 4,8 tấn/ha tùy tuổi của cây và phương pháp phun.

Bà Mã Thị Thương Oanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Bể cho biết, ngành chuyên môn đã tập huấn, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh vườn cây, loại bỏ lá, cành bị bệnh ra khỏi vườn để khử nguồn bệnh. Sau khi cây đậu quả, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tỉa bớt những cành yếu, cành không mang quả, đặc biệt là những cành vuông góc với thân để tạo không gian thông thoáng.

Quy trình chăm sóc không đảm bảo là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh thán thư trên cây hồng không hạt phát triển. Ảnh: Ngọc Tú. 

Quy trình chăm sóc không đảm bảo là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh thán thư trên cây hồng không hạt phát triển. Ảnh: Ngọc Tú. 

Về trị bệnh thán thư, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, khi cây đã nhiệm bệnh, người dân có thể sử dụng phun thuốc hóa học. Các nhà vườn có thể sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc như: Cabrio Top 600WG, Athuoc Top 480SC, Score 250EC, Help 400SC, Physan 20SL, Daconil 75WP, Anhet 75 WP… để phun trừ. Những diện tích bị hại nặng cần phun từ 2 đến 3 lần cách nhau khoảng 7 đến 10 ngày. Cần phun kỹ để thuốc tiếp xúc đều đến cuống quả và quả, những cây cao, nhiều năm tuổi nên sử dụng bình phun áp lực cao.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở NN-PTNT Bắc Kạn) khuyến cáo, để phòng và trị bệnh thán thư, các nhà vườn cần thực hiện tổng hợp các giải pháp từ vệ sinh, cắt tỉa vườn để loại bỏ nguồn bệnh. Bên cạnh đó, phải phun thuốc trị bệnh đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đây là bệnh có thể trị được nhưng cần thực hiện tốt tất cả các giải pháp.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.