| Hotline: 0983.970.780

Nao lòng đặc sản mùa thu Bắc Kạn

Thứ Năm 05/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Kạn mùa thu, tiết trời se lạnh buổi sáng, núi rừng lớp lớp mây mù, dọc những triền đồi, nhiều loại nông sản đặc sản đang vào vụ, hút hồn lữ khách phương xa.

Rộn rã mùa hồng không hạt

Từ TP Bắc Kạn vượt hơn 100 cây số, qua những cung đường ngoằn ngoèo, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) hiện lên với những dãy núi trùng điệp. Xa xa dọc chân đồi, màu xanh của lá, màu đỏ, màu vàng xen lẫn những cây hồng không hạt đang vào vụ thu hoạch. Rảo bước đến với thôn Nà Chom, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể), tiếng cười nói rộn ràng vang cả góc trời. Bà con đang thu hoạch hồng không hạt.

Thu hoạch hồng không hạt tại xã Quảng Khê (huyện Ba Bể). Ảnh: Hà Nhung. 

Thu hoạch hồng không hạt tại xã Quảng Khê (huyện Ba Bể). Ảnh: Hà Nhung. 

“Năm nay quả hồng được giá, được thương lái thu mua hơn 20.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi, nhiều nhà có của ăn của để nhờ cây hồng”, anh Triệu Văn Thiên (thôn Nà Chom) hồ hởi chia sẻ.

Bạt ngàn những vườn hồng không hạt có tuổi đời trên 20 năm là nét chấm phá của vùng đất này mỗi khi mùa thu đến. Cây hồng không hạt đã gắn bó với người dân nhiều đời nay, nhưng phải hơn 15 năm trở lại đây cây hồng mới được chú ý phát triển.

Người dân được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, trồng theo hướng hữu cơ, nhờ đó năng suất, chất lượng quả hồng ngày một cao. Quảng Khê là xã nằm ở độ cao hơn 700m so với mặt nước biển, có khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ nên hồng không hạt ở đây có những đặc điểm mà ít nơi nào có được.

Quả hồng không hạt ở huyện Ba Bể khá nhỏ nhưng có hương vị riêng rất ngon. Ảnh: Ngọc Tú. 

Quả hồng không hạt ở huyện Ba Bể khá nhỏ nhưng có hương vị riêng rất ngon. Ảnh: Ngọc Tú. 

Quả hồng có vị ngọt nhẹ, giòn, mùi thơm thoang thoảng mà không loại hồng nào có được. Quả hồng thường chín rộ vào dịp tháng 8 âm lịch. Nhờ được liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hồng không hạt ở đây dần khẳng định thương hiệu, diện tích tăng từng năm.

Từ chỗ mỗi nhà vài cây, đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có trên 800ha hồng không hạt, tập trung tại các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn. Riêng huyện Ba Bể có gần 300ha hồng không hạt đã cho thu hoạch. Năm 2010, hồng không hạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa hoạc và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, năm 2013 sản phẩm này cũng lọt tốp 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng.

Với cảnh sắc nên thơ, gần khu du lịch hồ Ba Bể, vùng trồng hồng không hạt ở Quảng Khê dần trở thành điểm đến của nhiều lữ khách.

Bâng khuâng mùa hạt dẻ

Đến Bắc Kạn vào mùa thu, du khách có thể ngược Quốc lộ 3 đến với huyện Ngân Sơn để trái nghiệm thu hái hạt dẻ cùng bà con. Hạt dẻ Ngân Sơn bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 âm lịch. Quả dẻ ở đây có màu xanh biếc, nhiều gai, khi chín ngả màu vàng rồi rụng xuống đất.

Mùa thu hoạch hạt dẻ ở xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Mùa thu hoạch hạt dẻ ở xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn). Ảnh: Ngọc Tú. 

Dẻ ván vốn không phải là giống bản địa, mới được đưa về đây trồng hơn 20 năm nay. Nhờ trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, dẻ ván dần trở thành cây đặc hữu của Ngân Sơn, từ chỗ trồng lác đác nay đã có hơn 100ha.

Vùng đất Ngân Sơn với những ngọn núi cao ngút tầm mắt, là điều kiện lý tưởng cho cây dẻ phát triển, nhờ đó hạt dẻ ở đây to, bắt mắt, vị thơm bùi đặc trưng.

Cây dẻ ván đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cây dẻ ván đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đến với vùng trồng cây dẻ ở Ngân Sơn, du khách sẽ được mục sở thị cách thu hoạch hạt dẻ rất độc đáo. Với chi chít gai nhọn bọc xung quanh, lấy được hạt dẻ không phải chuyện dễ với những người lần đầu đến đây. Khi quả dẻ rơi xuống, người dân dùng gắp bằng gỗ hoặc sắt, găng tay để nhặt, sau đó hạt dẻ được tách ra bằng một cái kẹp, lựa chọn, phân loại theo kích cỡ.

Anh Nông Văn Cường (xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn) chia sẻ, nếu như ở vùng khác, bình quân một cân hạt dẻ có từ 60 đến 65 hạt thì ở Ngân Sơn hạt dẻ to nên chỉ khoảng 40 hạt. Hiện nay, để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, dưới gốc cây dẻ bà con thường làm sạch cỏ, tạo ra những dải đồi xanh ngắt thu hút các bạn trẻ đến du lịch trải nghiệm, khám phá.

Giá bán hạt dẻ được trồng ở huyện Ngân Sơn luôn cao hơn các vùng khác. Ảnh: Ngọc Tú. 

Giá bán hạt dẻ được trồng ở huyện Ngân Sơn luôn cao hơn các vùng khác. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hạt dẻ huyện Ngân Sơn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm hữu cơ Việt Nam, diện tích cho thu hoạch gần 30ha, năng suất bình quân 56 tạ/ha. Giá bán một cân hạt dẻ tại vườn từ 80 đến 100.000 đồng/kg.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.