| Hotline: 0983.970.780

Họp khẩn ứng phó với bão Tembin, lên phương án di dời gân 1 triệu dân

Thứ Bảy 23/12/2017 , 16:56 (GMT+7)

“Đây là cơn bão rất đặc biệt, trái mùa, lại vào vùng có nhiều bất lợi về kinh tế, xã hội, dân sinh như địa hình bằng phẳng, nhiều đảo, nhiều nhà cửa không kiên cố nên nếu không quyết liệt, chủ động sẽ gây tổn thương vô cùng lớn...

 Vị trí và dự báo đường đi của bão Tembin - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Sáng 23/12, UBND TP.HCM đã tổ chức họp trực tuyến khẩn, nhằm đối phó bão Tembin. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Với sự tham gia của ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND TP.HCM và 19 điểm cầu của 19 tỉnh, thành từ TP.HCM đến Cà Mau.

Bão tembin có thể mạnh hơn Linđa 1997!

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp cuối năm để dồn sức, tập trung chỉ đạo chống bão. “Đây là cơn bão rất đặc biệt, trái mùa, lại vào vùng có nhiều bất lợi về kinh tế, xã hội, dân sinh như địa hình bằng phẳng, nhiều đảo, nhiều nhà cửa không kiên cố nên nếu không quyết liệt, chủ động sẽ gây tổn thương vô cùng lớn, nhất là khi vào biển Đông, bão ngày càng nhanh và mạnh", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhắc lại bài học từ cơn bão số 12 vừa qua, Bộ trưởng yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh, TP, nhất là các tỉnh từ TP.HCM đến Cà Mau thường xuyên cập nhật diễn biến của bão, thông tin kịp thời cho nhân dân biết; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, quản lý chặt chẽ việc ra khơi, tổ chức neo đậu an toàn. Có phương án bảo đảm an toàn cho người dân; hướng dẫn người dân chằng chống bảo vệ nhà cửa, bảo vệ sản xuất, có phương án chống ngập do mưa lớn cộng thêm triều cường; huy động sẵn sàng lực lượng cứu nạn, cứu hộ…

“Nếu giữ nguyên cấp 10-12 khi đổ bộ thì bão số 16 đã mạnh hơn cơn bão lịch sử Linda năm 1997. Do đó dù cơ quan khí tượng cảnh báo mức độ rủi ro cấp 4 nhưng phải chuẩn bị, ý thức như rủi ro cấp độ 5 – cấp thảm hoạ”, Bộ trưởng Cường lưu ý.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương thông báo, bão Tembin đang di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20-25 km/giờ. Dự kiến rạng sáng 24/12 sẽ đi vào biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 16.

Theo ông Cường, các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong đều nhận định sau khi đi vào biển Đông, bão số 16 sẽ liên tục mạnh thêm, cao nhất khi vào đến phía Tây đảo Trường Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15, hướng vào Nam Bộ, ảnh hưởng trực tiếp vào 2 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Cà Mau rạng sáng 26/12. Tuy nhiên do hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây nên vùng có gió lớn có thể mở rộng đến Bắc Bình Thuận. Dù đêm nay (23/12) có không khí lạnh bổ sung nhưng cường độ yếu nên khó tác động đến quỹ đạo và cường độ bão Tembin. Khi vào bờ, bão Tembin có thể giảm nhẹ cấp nhưng thời gian từ đảo Trường Sa vào đến đất liền chưa đến 1 ngày nên tốc độ yếu đi không nhiều. Do đó cần ứng phó với phương án bão đổ bộ cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Thậm chí, nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 - cấp thảm họa, mạnh hơn cơn bão Linda cách đây 20 năm.

 Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Lên phương án di dời gân 1 triệu dân

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định, đây là cơn bão mạnh đổ bộ vào Nam Bộ, một số địa phương ở Nam bộ kinh nghiệm ứng phó bão còn hạn chế, nên còn chủ quan, tập quán sinh sống, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đang là những bất lợi khi bão đổ bộ. Khu vực Nam Bộ hiện có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121 km, các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9. “Không được lặp lại kịch bản thiệt hại như cơn bão số 12 ở Khánh Hòa”, ông Hoài nhấn mạnh và cho biết, hiện các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau đã lên phương án di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến khu vực an toàn.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết lực lượng biên phòng các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, chủ tàu thông báo hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người diễn biến, hướng di chuyển của bão Tembin để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ chiều 22/12, tỉnh đã ra lệnh cấm biển, các tàu thuyền không được ra khơi. Đến 5h sáng 23/12, 100/180 chiếc tàu hàng được sắp xếp vào vị trí neo đậu, số tàu còn lại sẽ được bố trí xong trong ngày mai. Địa phương dự kiến sơ tán 78.000 dân, chủ yếu tại huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Côn Đảo.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống; sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển, tốc độ kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm; giao Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP tùy theo diễn biến của bão để quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch…Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao (huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2…) tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân…

“Theo quy luật, cứ 10 năm sẽ xuất hiện một cơn bão mạnh vào cuối mùa như vậy. Nhưng chúng tôi chưa ghi nhận được cơn bão mạnh cấp 12 bao giờ. Bão Tembin sẽ gây sóng biển, nước dâng cao. Tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Huyền Trân, sóng cao 10 m, khu vực ngoài khơi Nam Bộ sóng cao từ 6 đến 8 m.

Có 2 khả năng, 1 là khi vào quần đảo Trường Sa, bão Tembin đạt cấp 12, có gió giật cấp 15. Đêm 25, rạng sáng 26/12, khi đổ bộ vào đất liền, bão suy yếu, sẽ giảm cấp 10-11, ít nhất là cấp 9. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xấu là khi vào bờ, bão vẫn giữ nguyên cấp 12. Như vậy, chúng ta sẽ phải cảnh báo cấp độ thiên tai cấp 5, mức cao nhất.

Theo dự báo, khoảng ngày 26-27/12, một đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ tràn xuống nước ta. Hoàn lưu xa của cơn bão Tembin kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn ở Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Lượng mưa khoảng 150-250 mm trong 3-4 ngày. Bắc Bộ xuất hiện đợt mưa trái mùa”, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

 

Xem thêm
Hỗ trợ nông dân có lúa bị thiệt hại bên đường cao tốc qua Hậu Giang

Hậu Giang Các đơn vị liên quan thống nhất hỗ trợ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại cặp bên dự án làm đường cao tốc đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Sụt lún đoạn bê tông đã lót gạch vỉa hè kè sông Cần Thơ

Tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún, nứt dọc cục bộ tại một số vị trí vỉa hè đã được lát gạch tại dự án kè sông Cần Thơ.

Giấc mơ 'trên giấy' của làng chài Nguyệt Đức: [Bài 2] Nỗi niềm của ông chủ tịch

Tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua đã nỗ lực hoàn thiện đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ. Đường đi đã có nhưng chờ mãi 'cánh cửa' vẫn chưa được mở!