| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ 'trên giấy' của làng chài Nguyệt Đức: [Bài 2] Nỗi niềm của ông chủ tịch

Thứ Sáu 24/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua đã nỗ lực hoàn thiện đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ. Đường đi đã có nhưng chờ mãi 'cánh cửa' vẫn chưa được mở!

Trông chờ hướng dẫn từ Bộ NN-PTNT

Dự án đưa làng vạn chài Nguyệt Đức lên bờ có tên “Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, huyện Việt Yên” được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt từ năm 2020. Quỹ đất thực hiện dự án có quy mô 5ha được bố trí tại khu Đồng Săng, xã Vân Hà, tổng mức đầu tư được phê duyệt 4 năm trước là 72 tỷ đồng.

Đồng bộ với khu di dân, tái định cư là các công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa khu dân cư... được quy hoạch, chuẩn bị triển khai xây dựng. Ngoài ra, lý do khu tái định cư được quy hoạch tại chỗ theo nguyện vọng của người dân. Do hầu hết người dân làng chài Nguyệt Đức đều theo Công giáo, trong khi việc ăn ở sinh hoạt thuộc xã Vân Hà nhưng sinh hoạt tôn giáo lại ở nhà thờ bên kia sông (thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh). Đây cũng thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bắc Giang trước nguyện vọng chính đáng của bà con.

Đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức ra khỏi vùng thiên tai đã được phê duyệt nhưng đến nay chưa thực hiện bởi vẫn chờ hướng dẫn của Bộ NN-PTNT do liên quan tới quy hoạch hành lang thoát lũ sông Cầu. Ảnh: Kiên Trung.

Đề án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức ra khỏi vùng thiên tai đã được phê duyệt nhưng đến nay chưa thực hiện bởi vẫn chờ hướng dẫn của Bộ NN-PTNT do liên quan tới quy hoạch hành lang thoát lũ sông Cầu. Ảnh: Kiên Trung.

Ngày 5/6/2022, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tiếp tục thống nhất giao UBND thị xã Việt Yên làm chủ đầu tư thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà; kinh phí ngân sách do UBND tỉnh chuẩn bị, đồng thời thống nhất chấp thuận phê duyệt quỹ đất cho dự án.

Mới đây nhất, ngày 10/4/2024, HĐND thị xã Việt Yên ban hành Nghị quyết điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách thị xã. Tại xã Vân Hà bố trí kinh phí 70 tỷ đồng để xây dựng mới trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND, trạm y tế xã. Riêng dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai (xã Vân Hà) được nâng vốn, điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.

Như vậy, lộ trình đã có nhưng cánh cửa vẫn chưa được mở. Nút thắt của vấn đề này nằm ở quy định về… hành lang thoát lũ.

Theo đó, tại Quyết định số 257 ngày 13/2/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình với mục tiêu chủ động phòng, chống lũ, bão trên hai lưu vực sông góp phần ổn định, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng. Bắc Ninh, Bắc Giang là 2/15 tỉnh thành thuộc khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng nằm trong phạm vi quy hoạch.

Để xóa bỏ vĩnh viễn những chiếc cầu ván bắc từ bờ lên thuyền, đó là cả một sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền tỉnh Bắc Giang... Ảnh: Kiên Trung.

Để xóa bỏ vĩnh viễn những chiếc cầu ván bắc từ bờ lên thuyền, đó là cả một sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền tỉnh Bắc Giang... Ảnh: Kiên Trung.

Với vị trí tiếp giáp sông Cầu, xã Vân Hà có ba mặt được bao bọc bởi sông, thuộc hành lang thoát lũ theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT. Do đó, để triển khai dự án di dời làng chài Nguyệt Đức ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở trên sông, phải báo cáo xin ý kiến và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Những quy định này chính là lý do khiến dự án dù đã được phê duyệt nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai, dù chính quyền tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực hoàn thiện quy trình phê duyệt; hồ sơ dự án… được chấp thuận qua Hội đồng nhân dân các cấp; Tỉnh ủy, UBND tỉnh… ban hành nhiều văn bản hướng dẫn…

“Vì dự án thuộc hành lang thoát lũ nên việc xây dựng, triển khai cần phải báo cáo, xin ý kiến và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT để xin hướng dẫn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn tiếp tục… chờ”, chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng lý giải.

Tuy nhiên, Quyết định số 257 tại nội dung quy định về việc quản lý, sử dụng bãi sông hướng dẫn: Các khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông cần phải di dời khỏi phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm; từng bước thực hiện di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn. Đối với các khu vực bãi sông còn lại được tồn tại, bảo vệ; cải tạo xây dựng mới công trình nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cự hiện có.

Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông (khoảng cách từ chân đê đến mép bờ sông) lớn hơn 500m, vận tốc dòng chảy trên bãi tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2m/s; diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông…

Một chiếc rào chắn tạm bợ bằng sắt ngăn trẻ con không ra ngoài thuyền để tránh những vụ việc đuối nước đáng tiếc. Ảnh: Kiên Trung.

Một chiếc rào chắn tạm bợ bằng sắt ngăn trẻ con không ra ngoài thuyền để tránh những vụ việc đuối nước đáng tiếc. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếu theo hướng dẫn này, tại Phụ lục V - Danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng (Ban hành kèm Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ), mục 109 có ghi rõ tên Vân Hà - Tiên Sơn, vị trí K44+000 - K47+500 thuộc tỉnh Bắc Giang có diện tích 335 ha. Và cũng theo Quyết định số 257 tại Phụ lục I thì sông Cầu thuộc Vùng không chịu tác động điều tiết các hồ chứa nước lớn.

Như vậy, 139 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đang chờ hướng dẫn từ Bộ NN-PTNT, đơn vị được Thủ tướng giao nhiệm vụ “xây dựng nguyên tắc, hướng dẫn cụ thể về sử dụng bãi sông” trong Quyết định số 257.

“Bên cạnh mục tiêu an sinh xã hội, dự án có tính cấp thiết bởi khu vực người dân neo đậu thuyền bè làm nơi ăn nghỉ thuộc khu vực sạt lở nghiêm trọng của sông Cầu. Vụ việc sạt lở hàng chục nhà dân đầu năm 2024 vừa qua là một minh chứng. Ngoài ra, nguy cơ tai nạn giao thông khi mật độ giao thông đường thủy đang tăng cao càng khiến việc triển khai dự án sớm ngày nào người dân mừng ngày đó”, chủ tịch thị xã Việt Yên nói.

Làng chài Nguyệt Đức sẽ làm du lịch sau khi lên bờ

Đó là một viễn cảnh không xa dành cho Nguyệt Đức sau khi cả làng chài được lên bờ, an cư lạc nghiệp, có đất đai dựng nhà yên ổn cuộc sống, chính thức chấm dứt nỗi ám ảnh của “làng 5 không”: không đất, không nhà, không đường, không điện và không nước sinh hoạt.

Nói về dự định không xa này, ông chủ tịch thị xã trẻ xuất thân từ một thầy giáo bỗng ánh mắt sáng bừng. Thị xã đã có phương án ổn định đời sống người dân. Chúng tôi xây dựng phương án phát triển du lịch để bà con sử dụng chính những con thuyền ngày trước là những ngôi nhà nổi để làm du lịch trên sông.

Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng trăn trở với nỗ lực đưa người dân làng chài lên bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng trăn trở với nỗ lực đưa người dân làng chài lên bờ. Ảnh: Kiên Trung.

“Khúc sông Cầu mà làng chài Nguyệt Đức cư ngụ nằm ở vị trí đặc biệt: Nó là cầu nối của hai mảnh đất văn hóa, văn vật với những địa chỉ văn hóa nổi tiếng, đó là di tích lịch sử Phòng tuyến sông Như Nguyệt nơi cụ Lý Thường Kiệt đọc bài thơ Thần – bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Nam và những ngôi làng cổ gắn với những làng nghề truyền thống nổi tiếng hàng trăm năm qua như rượu làng Vân, gốm Thổ Hà…”.

Trong kế hoạch mà ông Lượng đang ấp ủ, đó là sẽ hình thành một đội thuyền chở khách du lịch thăm thú cảnh sông nước, đi qua những địa danh xưa cùng với những liền anh, liền chị của đất quan họ cổ. Bên này sông, đất Việt Yên với các di tích, danh thắng chùa Bổ Đà…, đó sẽ là một tour du lịch văn hóa – tâm linh thu hút du khách trải nghiệm đất và người vùng quê quan họ.

“Một chiếc thuyền cải tạo, trùng tu chi phí chừng 4 – 50 triệu đồng là có thể làm du lịch được rồi. Bà con sau khi lên bờ vẫn có kế sinh nhai. Phía bãi sông sẽ trồng những vạt cải vàng để khách có thể check-in, sống lại bối cảnh “Mùa hoa cải bên sông” đã đi vào văn học, điện ảnh. Tiếp đó, sẽ là du lịch làng nghề, khách vào thăm làng cổ bằng những xe trâu, xe điện, quy hoạch một bãi đỗ xe ở rìa làng, không để các phương tiện cơ giới lưu thông trong làng…

Một cụ bà trên chiếc 'nhà nổi' giữa sông Cầu.

Một cụ bà trên chiếc "nhà nổi" giữa sông Cầu.

Làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà. Ảnh: Kiên Trung.

Làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà. Ảnh: Kiên Trung.

Đó là những kế sách vững bền, lấy kinh tế xanh để ổn định cuộc sống người dân”, ông Lượng say mê nói về viễn cảnh mà ông vô cùng tâm huyết, thứ mà chính quyền thị xã Việt Yên quyết tâm đưa người dân lên bờ nhưng vẫn có kế sách cho người dân chiếc cần câu cơm ổn định, lâu dài, tự họ có thể lo cuộc sống.

Nhưng, sâu xa hơn cả, nó sẽ là thứ giữ chân người dân vạn chài ở lại trên bờ, giúp họ từ bỏ cuộc sống nổi nênh sông nước…“Tôi nói thật, nếu tỉnh không kịp cấp kinh phí 50% như dự kiến ban đầu thì UBND thị xã Việt Yên sẽ tìm cách cân đối, lo 100% kinh phí để dự án ngay lập tức triển khai”, ông chủ tịch thị xã từng chia sẻ tâm tư cá nhân trên báo chí.

“Đầu tháng 8/ 2023, một cháu bé ở làng chài Nguyệt Đức bị tử vong trong khi chơi đùa tại thuyền gia đình, tôi buồn vô cùng. Thế hệ các cháu hiện nay không có kỹ năng sông nước, cha mẹ chúng thì mải đi làm thuê trên bờ không có thời gian chăm sóc con, không có thời gian dạy chúng bơi lội, dạy chúng kỹ năng đối phó với sông nước, dù cả gia đình 4 – 5 thế hệ vẫn ngày ngày sống trên sông nước”, ông Lượng trĩu nặng tâm tư…

Xem thêm
Ông Nguyễn Văn Yên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên.

Tìm 'kế sách' hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 15/6, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tổ chức Tọa đàm 'Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao'.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Đề nghị làm rõ giá trị của Huế khi lên thành phố trực thuộc Trung ương

THỪA THIÊN - HUẾ Đoàn khảo sát đề nghị giải thích rõ việc áp dụng cơ chế đặc thù ở một số địa phương; làm rõ giá trị của Huế sau khi lên thành phố trực thuộc Trung ương...

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm