| Hotline: 0983.970.780

Cây cầu và dòng sông Nam bộ

Thứ Năm 23/05/2024 , 09:00 (GMT+7)

Những cây cầu và dòng sông Nam bộ ngày đêm đang thao thức, gánh trên vai sứ mệnh phát triển chuỗi giá trị, trong đó có nông nghiệp, thủy sản vì Việt Nam hùng cường.

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận 1 không xa. Ảnh: Đức Hành.

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận 1 không xa. Ảnh: Đức Hành.

Tôi có một may mắn, từ năm 1981 được đi thực tập tốt nghiệp mãi tận Cà Mau. Hồi đó Cà Mau còn là một địa phương của tỉnh Minh Hải. Tôi đã được tiếp xúc với kênh, rạch, sông nước Nam bộ từ những ngày đó. Thời đó, Tây Nam bộ còn rất ít cầu bắc qua các dòng sông. Tôi ấn tượng mãi với phà qua sông Tiền và phà qua sông Hậu. Đó là hai con sông lớn của “Mảnh đất chin rồng” Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm cầu đường bộ qua sông đấy là một trong các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cho đến tận bây giờ. Sông lớn thì cầu lớn, sông hẹp qua tỉnh lộ, huyện lộ thì cầu nhỏ, qua kênh, rạch thì có phong trào làm cầu dân sinh. Có người nhờ cống hiến kêu gọi “Mạnh thường quân” phát triển cầu dân sinh mà thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đó là Anh hùng Trần Văn Y, Chủ tịch Hội Cầu đường Bến Tre.

Nếu tính theo thời gian, ở Nam bộ cầu đầu tiên được xây dựng là cầu Ghềnh Hào bắc cho sông Ghềnh Hảo ở tỉnh Minh Hải (cũ); sau đó là các cầu Gò Dầu (Tây Ninh), cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Bến Lức, cầu Tân An.

Nhưng dấu ấn nhất phải là thời kỳ từ năm 2021 đến nay với hàng loạt cầu lớn như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh... Hiện nay trên tuyến cao tốc phía Đông đến tận Cà Mau đã và đang thêm nhiều cầu lớn.

Hiển nhiên, quá trình thi công cầu đường bộ gắn tiền với tiền vốn, với khoa học công nghệ về cầu đường. Đó là thời kỳ những người thợ cầu Việt Nam ứng dụng công nghệ đúc hẫng để thi công cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn; công nghệ đúc đẩy để thi công cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ trung bình; công nghệ cọc khoan nhồi đường kính lớn...

Có những cây cầu thực hiện bằng vốn vay ODA, thực hiện bằng hợp tác quốc tế; nhưng có những cây cầu hoàn toàn do thợ cầu Việt Nam tự thiết kế thi công sau khi làm chủ công nghệ. Ở Nam bộ, cây cầu đánh dấu bước trưởng thành này là cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre.

Một đoạn sông Tiền giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Ảnh: Đức Hành.

Một đoạn sông Tiền giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Ảnh: Đức Hành.

Tháng 10 năm ngoái tôi có dịp trở lại Nam bộ cùng với những người cả cuộc đời gắn với sự nghiệp phát triển hạ tầng giao thông đất nước nói chung, trong đó có PGS.TS Tống Trần Tùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải.

Chúng tôi cùng đi qua những tuyến đường, vượt qua các dòng sông trên những chiếc cầu đường bộ. Trong mắt các anh luôn ánh lên niềm vui, tự hào về những thay đổi, ngoài việc khi xe lăn bánh trên cầu Cần Thơ, có hồi ức đượm buồn vì vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn năm nào.

Ngoài tiền vốn đầu tư công trình, với những nhà khoa học trong ngành giao thông vận tải, khi làm cầu bao giờ cũng tính đến giải pháp công nghệ, khẩu độ - bởi điều này liên quan đến độ tĩnh không, bảo đảm độ thông thuyền, năng lực giao thông thủy cho các dòng sông Nam bộ. Có đi mới biết tiềm năng giao thông thủy nội địa của các dòng sông Nam bộ.

PGS.TS Tống Trần Tùng kể rằng, ngay từ đầu thế kỷ XX, các Thống đốc người Pháp ở Nam kỳ từng dự tính xây cầu Mỹ Thuận cho cả đường bộ và đường sắt, tựa cầu Long Biên ở Hà Nội. Thế nhưng chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ, buộc họ phải gác lại ý tưởng. Năm 1955 và 1968 là 2 lần chính quyền Việt Nam Cộng hòa khảo sát.

Đất nước ngày càng phát triển, kết nối nhanh TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ ngày một trở nên bức thiết. Thế nhưng phải đến năm 1993, nhân chuyến thăm Australia của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, dự án cầu Mỹ Thuận được khẳng định.

Theo PGS.TS Tống Trần Tùng, nếu tính từ ngày khởi thủy làm cầu sông Hàn (Đà Nẵng), Đăkrông (Quảng Trị) những năm 1997 - 1998 đến nay trên các dòng sông Việt Nam đã có vô số cầu dây văng. Cầu dây văng do kỹ sư Việt Nam thiết kế đến nay, xếp theo thứ tự thời gian là Đakrông (Quảng Trị), Sông Hàn (Đà Nẵng), Bạch Đằng (Quảng Ninh), Nhật Lệ 2 (Quảng Bình), Mỹ Thuận 2...

Cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền là cầu dây văng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Mỹ Thuận (bây giờ thường gọi Mỹ Thuận 1 để phân biệt với Mỹ Thuận 2 đang thi công trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cách đó không xa) có hai mặt phẳng dây song song, 128 bó cáp văng hệ PSS. Tính từ ngày đưa vào khai thác đến nay, cầu Mỹ Thuận đã có 15 năm tuổi đời.

Một khúc sông Hậu. Ảnh: Đức Hành.

Một khúc sông Hậu. Ảnh: Đức Hành.

Sau Mỹ Thuận, Đồng bằng sông Cửu Long có thêm nhiều cầu dây văng khác là cầu Rạch Miễu (trên sông Tiền), cầu Cần Thơ (trên sông Hậu), cầu Vàm Cống (trên sông Hậu), cầu Cao Lãnh (trên sông Tiền). Tới đây là cầu Mỹ Thuận 2.

PGS.TS Tống Trần Tùng không quên được cầu Rạch Miễu. Nếu như các cầu dây văng Bãi Cháy (Quảng Ninh), Mỹ Thuận (Cần Thơ)... được thực hiện bằng vốn ODA với kỹ thuật của các nước cung cấp ODA, thì Rạch Miễu hoàn toàn từ nội lực, vốn trong nước, thiết kế, thi công, giám sát cũng là các kỹ sư Việt Nam. Rạch Miễu từng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục “Cây cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và thi công”.

"Sáu năm gồng mình trong mưa gió cù lao, thi gan với trời mây trên tháp cầu cao vút giữa trưa nắng lửa, đêm đêm bên ngọn đèn vắt óc nghĩ ra phương án kỹ thuật để giải quyết khó khăn là những ngày tháng không thể nào quên", PGS.TS Tống Trần Tùng nhớ lại.

"Thợ cầu Việt Nam có lẽ là những người hiểu các dòng sông. Thế nhưng tiến độ Rạch Miễu với tư cách công trình 'khai sơn phá thạch' về công nghệ dây văng, hồi đó, ông có nhớ?", tôi hỏi.

"Đúng là phải hiểu các dòng sông. Không thế không xác định được hướng tuyến. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất yếu, không tường tận khó xác định giải pháp kỹ thuật. Không ai cảm nhận được hạnh phúc khi chứng kiến những đốt dầm cầu vươn dài từ hai bờ dòng sông cứ tiến dần gặp nhau giữa dòng chính chờ ngày hợp long, ngoài người thợ cầu", PGS.TS Tống Trần Tùng chân thành.

Mỗi cây cầu đều có những dấu ấn riêng, nhưng đều có điểm chung, đó là những “Cung đàn đất nước”. Những “cung đàn đất nước” ấy trên các dòng sông Nam bộ vẫn ngân nga đờn ca tài tử, gia tăng giá trị của văn hóa sông nước miệt vườn trên mảnh đất “chín rồng” trù phú, hào hiệp. Hơn thế, đó là những giai điệu của ấm no, của mơ ước bao đời của bà con Đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu Cao Lãnh có chiều dài 2.015m, rộng 24,5m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Ảnh: Đức Hành.

Cầu Cao Lãnh có chiều dài 2.015m, rộng 24,5m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Ảnh: Đức Hành.

Những dòng sông Nam bộ trở thành một phần hồn vía của đất trời ban cho Đồng bằng sông Cửu Long. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”, (thơ Huỳnh Văn Nghệ), người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long hình thành và phát triển cùng các dòng sông. Sông là một phần văn hóa phi vật thể, hình thành nên văn hiến Việt Nam.

Trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại, có lẽ Trần Mạnh Hảo là nhà thơ có nhiều thi phẩm về các dòng sông từ Bắc vào Nam. Dòng sông Nam bộ trong thơ ông có một diện mạo khác biệt. “Những dòng sông như người chạy bộ / Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời / Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ / Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai / Để lại lâu đài ruộng nương nhà cửa / Chỉ mang trời nhập với biển khơi” (Những dòng sông Nam bộ, thơ Trần Mạnh Hảo)

Những dòng sông Nam bộ tạo nên mảnh đất “chín rồng” trù phú, bồi đắp nên “Đờn ca tài tử Nam bộ” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo nên phẩm chất “Hai Lúa” phóng khoáng, thơm thảo phù sa.

“Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống”, (Kinh Thánh). Nước là biểu tượng cho Đức Thánh linh. Những dòng sông trong thơ của các nhà thơ như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Linh Khiếu (tác giả Trường ca Phồn Sinh) là sự sống, thấm đẫm tinh thần triết học, mỹ cảm về sinh tồn, nơi lưu giữ hóa thạch của nhiều thông điệp từ ngàn xưa. Còn những cây cầu thì sao? Hẳn nhiên đó là “Nhịp cầu nối những bờ vui” như tên một ca khúc của nhạc sĩ Văn An.

Tôi đã từng có những năm tháng sống bên sông Gành Hào, tắm trên con sông này của tỉnh Minh Hải (cũ), từng tham gia trong đoàn nhà trai đi rước dâu bằng vỏ lãi trên sông Ông Đốc... nên tôi hiểu giá trị của những cây cầu trên các dòng sông và hệ thống kênh rạch chẳng chịt ở Nam bộ. Đời sông là vĩnh cửu. Đời cầu thêm những giai điệu trên các dòng sông.

Những chiếc cầu và dòng sông Nam bộ ngày đêm đang thao thức, gánh trên vai sứ mệnh phát triển chuỗi giá trị, trong đó có nông nghiệp, thủy sản vì Việt Nam hùng cường.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.