| Hotline: 0983.970.780

3 năm chương trình sản xuất thanh long VietGAP của Bình Thuận

Thứ Hai 09/01/2023 , 07:30 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai chương trình sản xuất thanh long theo VietGAP, hiện Bình Thuận có hơn 11 nghìn ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Gần 12.000ha thanh long tiêu chuẩn GAP

Sở NN-PTNT Bình Thuận vừa chức hội nghị sơ kết chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, thời gian qua, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp vận động, khuyến khích nông dân đẩy nhanh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn này.

Empty

Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có gần 12.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Ảnh: KS.

Phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn với 607 người tham dự, trong đó có 11 lớp tập huấn về quy trình sản xuất thanh long VietGAP. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Thị xã La Gi tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn 30 lớp với 845 người tham gia về sản xuất thanh long theo VietGAP.

Nhờ vậy, qua 3 năm, toàn tỉnh đã có 9.063ha thanh long VietGAP, lũy kế đến tháng 12/2022 có khoảng 11.264ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban ngành có liên quan. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp hội phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các nội dung trong kế hoạch được phê duyệt; Hiệp hội thanh long Bình Thuận tổ chức cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định; Sở Công thương phối hợp với các địa phương khuyến cáo, vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long liên kết với các nhóm nông dân sản xuất thanh long theo VietGAP.

UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát chỉ đạo của tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch. Nhiều xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để hình thành tổ mới hoặc kết nạp thêm thành viên vào những tổ cũ đang chuẩn bị đánh giá tái cấp hoặc triển khai công tác đánh giá mở rộng nhằm phát triển sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương…

Empty

Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Bên cạnh thanh long VietGAP, tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 660ha thanh long đã được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, 3 doanh nghiệp sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ gồm: Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bình Anh (3ha), Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (2ha) và Trang trại Kim Hải (1ha).

Gắn thanh long GAP với liên kết tiêu thụ

Về lợi ích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, bên cạnh giảm chi phí đầu vào từ phân bón, thuốc BVTV nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật về sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn này còn mang lại hiệu quả nhiều mặt.

Thứ nhất, tạo môi trường thuận lợi để đáp ứng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thứ hai, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, giảm tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV, từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế hiện nay.

Thứ ba là bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. 

Empty

Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ảnh: KS.

Tuy nhiên theo ông Phan Văn Tấn, mặc dù việc sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn trên mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, song vẫn còn nhiều hạn chế do diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung. Việc thay đổi tập quán sản xuất gặp nhiều khó khăn; diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP phần lớn sản xuất theo tổ, nhóm, chưa mạnh mẽ tham gia vào hợp tác xã; thiếu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ dẫn đến việc sản xuất và tiêu thụ thanh long còn bấp bênh, không bền vững.

Người sản xuất chủ yếu bán trực tiếp qua các thương lái, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch nên khó khăn trong việc quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Trong bối cảnh các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, ông Phan Văn Tấn cho rằng, việc mở rộng diện tích vùng trồng thanh long đáp ứng tiêu chuẩn GAP và hữu cơ trên toàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Empty

Một vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Để làm được điều này, các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức nông dân trong việc nắm bắt các quy định về hàng rào kỹ thuật cũng như yêu cầu của thị trường. Đồng thời nâng cao nhận thức người dân trong việc sản xuất từ số lượng sang chất lượng và đảm bảo đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của thị trường. Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất để đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, xây dựng chiến lược quảng bá, tiếp thị sản phẩm thanh long trong nước và nước ngoài thông qua hội chợ, triển lãm, cũng như kết nối với hệ thống siêu thị; sản xuất sản phẩm có chất lượng cao gắn với sử dụng chỉ đẫn địa lý thanh long Bình Thuận…

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, để tăng tỷ trọng diện tích vùng trồng thanh long GAP và hữu cơ trên toàn tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó sẽ phối hợp với địa phương, Hiệp hội thanh long và các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng thị trường xuất khẩu.

Empty

Để đầu ra sản phẩm bền vững, việc sản xuất thanh long đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy trình GAP là hết sức cần thiết. Ảnh: KS.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phổ biến các quy định về sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng như thủ tục cấp mã số, các chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người sản xuất và thu mua thực hiện hiệu quả. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của HTX, vận động người sản xuất tham gia vào HTX để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ nhằm đảm bảo sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Để tiếp nâng cao chất lượng quả thanh long, trong năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Thuận đặt mục tiêu đạt 9.500ha thanh long VietGAP. Trong đó, hơn 3.219ha tái cấp và 300ha cấp mới giấy chứng nhận VietGAP.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.