| Hotline: 0983.970.780

Tư duy thay đổi, rau an toàn lan tỏa mạnh mẽ

Thứ Hai 24/10/2022 , 08:03 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 5 năm mà sản xuất rau an toàn ở Bình Định đã lan tỏa rất nhanh, tư duy của người trồng rau và người tiêu dùng thay đổi rõ rệt.

Lan tỏa nhanh

Bình Định hiện có 50 nhóm cùng sở thích về sản xuất rau an toàn với diện tích trên 100 ha; trong đó, có 20 nhóm cùng sở thích được thành lập từ các HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) và Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn). Các nhóm cùng sở thích lấy thương hiệu “Lá Lành” để cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, qua thực hiện các dự án trồng rau an toàn, Sở đã phối hợp mở 40 lớp đào tạo, hỗ trợ kiến thức trồng rau an toàn cho trên 1.000 hộ nông dân.

Rau an toàn ngày càng lan tỏa rộng khắp ở Bình Định. Ảnh: T.D.

Rau an toàn ngày càng lan tỏa rộng khắp ở Bình Định. Ảnh: T.D.

Riêng HTX Thuận Nghĩa thuộc thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) đã có hơn 200 hộ dân trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 30 ha. Người dân tham gia trồng rau an toàn ở đây cho biết, họ sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh là chính. Rau chỉ được thu hoạch, đưa ra thị trường khi đã đủ thời gian cách ly kể từ khi phun thuốc, bón phân.

Dù mất nhiều thời gian, tốn thêm công sức so với trồng rau truyền thống do phải qua các công đoạn sơ chế, đóng bao bì, dán nhãn hiệu trước khi bán ra thị trường, nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20%. “Từ khi được ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn sản xuất rau an toàn, ý thức của người trồng rau ở Thuận Nghĩa được nâng cao rõ rệt”, ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX NN Thuận Nghĩa chia sẻ

Cũng theo ông Cầu, các hộ giám sát lẫn nhau để sản phẩm của cả vùng rau đạt cùng mức chất lượng, không để xảy ra trường hợp rau mất an toàn bán ra thị trường, gây ảnh hưởng chung đến thương hiệu rau an toàn Thuận Nghĩa.

Mô hình RAT trồng cây cải thảo tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: T.D.

Mô hình RAT trồng cây cải thảo tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: T.D.

Không chỉ ở Thuận Nghĩa, việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của các nhóm cùng sở thích đã lan tỏa đến nhiều vùng nông thôn ở Bình Định, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.

“Các nhóm sản xuất rau an toàn được đào tạo, thực hành sản xuất VietGAP, cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều đặc biệt là khi tham gia dự án, cùng với những thay đổi trong tư duy sản xuất, thu nhập của nông dân trong nhóm và các HTX Nông nghiệp cao hơn từ 10-15% so với canh tác theo kiểu cũ; người tiêu dùng bước đầu cũng đã hình thành thói quen mới trong lựa chọn các loại rau củ”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Rau an toàn chiếm lòng tin người tiêu dùng

Đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết thỏa thuận hợp tác, thị trường tiêu thụ rau an toàn ở Bình Định ngày càng thênh thang. Hiện rau an toàn đã có mặt ở các siêu thị Co.opMart, Co.opFood, Big C, VinMart, Mega Market, khu du lịch nghỉ dưỡng ở Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) và 10 quầy rau ở các chợ truyền thống trong tỉnh. Năm 2021, sản lượng rau an toàn cung ứng ra thị trường đạt 300 tấn; sản lượng rau cung ứng ra thị trường tăng trưởng hàng năm khoảng 10-15%.

Người trồng rau ở Bình Định đã thay đổi tư duy canh tác. Ảnh: T.D.

Người trồng rau ở Bình Định đã thay đổi tư duy canh tác. Ảnh: T.D.

Trong chiến lược phát triển và phủ sóng rau an toàn Bình Định, trong 5 năm trước đây, Dự án rau an toàn Bình Ðịnh đã hỗ trợ cho người trồng rau xây dựng nhãn hiệu Lá Lành, bộ nhận diện nhãn hiệu rau an toàn Bình Định. Giữa năm 2019, lễ ra mắt và chào bán sản phẩm rau mang nhãn hiệu Lá Lành được tổ chức tại siêu thị Big C Quy Nhơn đánh dấu bước phát triển mới, rau an toàn Bình Định đến với người tiêu dùng bằng diện mạo mới.

Dự án cũng đã xây dựng website và trang facebook lalanh để kết nối với khách hàng và cập nhật những thông tin mới nhất về sản phẩm. Đến nay, website lalanh đạt hơn 4.000 lượt truy cập; gần 5.000 lượt theo dõi trên fanpage Facebook. Dù dự án đã khép lại vào cuối tháng 5/2022, nhưng Bình Định vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau hợp chuẩn VietGAP.

Sở NN-PTNT Bình Định đang phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân các nhóm cùng sở thích và các HTX Nông nghiệp, từng bước mở rộng diện tích sản xuất và nâng cao sản lượng rau. Thực hiện canh tác đa dạng hóa chủng loại rau, thực hiện luân canh, rải vụ đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng. Mở mạng lưới phân phối, cung ứng rộng khắp, thuận lợi cho người tiêu dùng. Trong đó ưu tiên cung ứng cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể ở các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp.

HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) đóng gói RAT để bán ra thị trường. Ảnh: T.D.

HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) đóng gói RAT để bán ra thị trường. Ảnh: T.D.

Các đơn vị sản xuất rau an toàn ở Bình Định tiếp tục cải tiến công tác quản lý từ khâu sản xuất đến sơ chế, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào và hạ giá thành để sản phẩm ra thị trường với giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi. Rau an toàn ở Bình Định đặt mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và uy tín; cải tiến bao bì, mẫu mã, phương thức cung ứng phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

“Rau an toàn hợp chuẩn VietGAP ở Bình Định được gắn thêm nhận diện nhãn hiệu Lá Lành đã tiếp sức cho việc mở rộng thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm. Đó là kết quả của hành trình chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), chia sẻ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.