| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã trồng rau tuân thủ nguyên tắc '7 không'

Thứ Sáu 24/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

HTX sản xuất rau do ông Sơn làm giám đốc đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt '7 không': Không thuốc trừ sâu bệnh hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học...

Nếu đã một lần đến vùng đất xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chắc chắn ai cũng sẽ rất ấn tượng về vùng quê nông thôn mới này với những cánh đồng rau xanh mát. Đây cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất rau củ quả của tỉnh Hà Tĩnh.

Có được kết quả đó là nhờ sự ra đời của Hợp tác xã Hoàng Hà, mà người đứng đầu là ông Nguyễn Viết Sơn. Ông là người đã từng bao đêm trăn trở mong người dân nơi đây có cuộc sống khá hơn. Và rồi, khi đã tìm ra hướng đi trong việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất ràu màu, ông lại lặn lội một mình tìm tòi, học hỏi qua nhiều cách để hiện thực hóa hướng đi đó.

Ông Nguyễn Viết Sơn (trái), Giám đốc HTX Hoàng Hà luôn trăn trở, bám sát việc sản xuất của bà con thành viên. Ảnh: Hoàng Thanh.

Ông Nguyễn Viết Sơn (trái), Giám đốc HTX Hoàng Hà luôn trăn trở, bám sát việc sản xuất của bà con thành viên. Ảnh: Hoàng Thanh.

Bằng sự đam mê, tâm huyết, ông đã giúp người dân nơi đây có thêm nghề mới – nghề trồng rau và từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất. 

Vùng đất sản xuất nông nghiệp thôn Trung Lập (sau này là thôn Thượng Phú), xã Tượng Sơn vốn là nơi cao cưỡng, người dân thường trồng lúa, trồng lạc, thu hoạch không đạt năng suất. Nhận thấy đất sản xuất rộng mà thu nhập người dân nơi đây cứ mãi thấp, đầu năm 2010, ông Sơn đã tập hợp bà con trong thôn để nêu ý tưởng chuyển đổi đất sản xuất từ trồng lúa sang trồng rau màu.

Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như sự đồng tình hưởng ứng của bà con, ông Sơn đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau Hoàng Hà.

Những ngày đầu mới thành lập, THT có 7 thành viên với tổng diện tích là 3,05 ha. Ngoài ông Sơn là tổ trưởng có kiến thức về kỹ thuật trồng rau ra thì các thành viên khác rất mơ hồ. Vì vậy, ngoài những lúc cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên khác trong THT, ông Sơn luôn tìm hiểu các cơ chế, chính sách của huyện, của tỉnh để xây dựng vùng sản xuất rau của THT ngày càng lớn mạnh hơn.

Nhờ đó từ năm 2011 đến nay, người dân xã Tượng Sơn đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau cho việc phát triển rau củ quả của xã thông qua các tổ chức như Trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn tỉnh, Phòng NN-PTNT… Qua các lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng, lý thuyết kết hợp với thực tiễn đã xây dựng cho các thành viên THT một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất rau.

Ông Sơn đã đặt ra yêu cầu '7 không' cho sản xuất rau của HTX, qua đó hầu hết diện tích đến nay đều đã được cấp chứng nhận VietGAP. Ảnh: Hoàng Thanh.

Ông Sơn đã đặt ra yêu cầu "7 không" cho sản xuất rau của HTX, qua đó hầu hết diện tích đến nay đều đã được cấp chứng nhận VietGAP. Ảnh: Hoàng Thanh.

Khi đã sản xuất được vùng rau màu xanh tốt, THT lại gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Lúc đó, THT chỉ biết đến sản xuất cho hiệu quả mà chưa nghĩ nhiều đến đầu ra. Ông Sơn lại một mình lặn lội đi chào mời và tìm hiểu các cơ sở tiêu thụ rau màu giúp các thành viên trong THT. Nhờ những lần không ngại khó, ngại khổ nên tất cả số rau màu sản xuất của THT được tiêu thụ hết. Cũng nhờ đó, ông Sơn nắm được thêm nhiều địa điểm tiêu thụ sản phẩm rau.

Nhận thấy nhu cầu của bà con muốn tham gia trồng rau màu ngày càng nhiều nên đến năm 2012, ông Sơn đứng ra thành lập Hợp tác xã Hoàng Hà với 195 bà con tham gia sản xuất.

Với quan điểm sản xuất an toàn, ông Sơn đặt ra yêu cầu cho tất cả hộ dân trong HTX phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, trong đó có 7 điều cấm tuyệt đối: Không thuốc trừ sâu bệnh hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không ủ phân từ rác thải đô thị, không kích thích sinh trưởng, không ô nhiễm môi trường - kim loại nặng, không giống biến đổi gen.

Song song với việc sản xuất rau củ quả an toàn, ông Sơn cũng đã tìm cách tiếp cận được với các công nghệ mới nhằm phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu rau màu quê mình. May mắn, xã Tượng Sơn được nằm trong vùng lắp đặt trạm quản lý khí hậu tự động công nghệ iMetos (có thể dự báo, cảnh báo thời tiết, dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… trong phạm vi bán kính 5 - 25 km), được hỗ trợ dán tem nhãn QR code truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là sử dụng công nghệ internet để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.

Đến nay, diện tích sản xuất rau hàng năm của xã Tượng Sơn đạt 30 – 40 ha, trong đó đã hình thành 5 vùng rau củ quả tập trung chuyên canh với diện tích 14 ha, gồm khu Cánh Hàn, Đội Rai, Tây Nương Cộ, Phú Cầu, Cu Cu.

Tổng sản lượng rau củ quả toàn xã xấp xỉ đạt 2.000 tấn/năm, đa số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiệu quả sản xuất của người nông dân đã được cải thiện với mức lãi trung bình 113 đến 120 triệu đồng/ha/năm, mức lãi đạt cao hơn 6 lần so với trồng lúa và 3 - 4 lần so với trồng lạc.

Hiện xã có 2 nhà máy sơ chế rau củ tại thôn Thượng Phú và Bắc Bình (do dự án WB7 đầu tư) để sơ chế nông sản trước khi xuất bán.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.