| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau hướng hữu cơ trong nhà lưới, làm không đủ bán

Thứ Sáu 26/03/2021 , 14:35 (GMT+7)

Đầu tư 200 triệu đồng xây dựng 800 m2 làm nhà lưới trồng rau theo hướng hữu cơ, mỗi tháng chị Hải thu lợi nhuận 7-10 triệu đồng.

Có khá nhiều công nhân viên chức nhà nước, ngoài giờ làm việc ở công sở, vẫn tranh thủ trồng, kinh doanh thêm một số rau quả an toàn, để tăng thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Hải ở xã Đình Dù, Văn Lâm (Hưng Yên) là một trong những số đó.

Nhà màng trồng rau sạch của chị Nguyễn Thị Hải. Ảnh: Hải Tiến.

Nhà màng trồng rau sạch của chị Nguyễn Thị Hải. Ảnh: Hải Tiến.

Chị đã thuê lại ruộng canh tác của dân trong làng và vay mượn 200 triệu đồng, xây dựng 800 m2 nhà lưới, nhà màng cho trồng rau hữu cơ. Kết quả từ hơn một năm nay, bên cạnh nguồn rau phục vụ cho nhu cầu gia đình, tháng nào gia đình chị cũng thu được lợi nhuận 7-10 triệu đồng từ gieo trồng rau sạch các loại (đã trừ hết mọi chi phí đầu tư, bao gồm cả khấu hao xây dựng hạ tầng).

Theo chị Hải, để đảm bảo tháng nào cũng có rau sạch cho thu hoạch, chị đã chọn gieo trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như, cải chíp, cải canh, cải ngọt, cải ngồng (khoảng 20-30 ngày thu 1 lứa, tùy loại rau), và chỉ chăm bón rau bằng phân hữu cơ hoai mục, nước phân vi sinh tự chế.

Nhưng cái khó của các cây rau này là mẫn cảm cao với sâu hại (chủ yếu giun đất và bọ nhẩy). Giun gây hại quanh năm ở phần dưới mặt đất của cây rau, vì rễ cải khá ngọt. Bọ nhẩy phát sinh gây hại nặng nhất vào tháng 1 -2.

Để phòng trừ giun, định kỳ 3-4 lứa rau, chị Hải lại rắc vôi bột lên mặt ruộng, rồi cày lật đất, sau đưa nước vào ngâm 2 ngày, rút kiệt phơi khô ruộng cho trồng lứa rau kế tiếp. Ngoài ra khi kiểm tra thấy độ pH đất < 6 thì bón thêm vôi bột, giúp giảm độ chua và phòng ngừa giun hại rau (máy đo pH đất rất dễ mua trên thị trường).

Với bọ nhẩy và các loại sâu khác, chị Hải phòng trừ bằng thuốc trừ sâu tự chế, bao gồm: 1kg ớt + 1kg tỏi  + 1kg gừng + 5 quả men rượu + 5 lít rượu nhạt, ngâm trong  bình thủy tinh. Khoảng hơn 1 tháng, lấy ra pha với nước sạch (tỷ lệ 1/1.000), phun cho ruộng rau liên tục 7 ngày, kể từ khi cây rau có 2 lá thật (phun 1 ngày/1 lần, sáng sớm hoặc chiều mát).

Rau sạch của chị Hải sản xuất luôn không đáp ứng kịp nhu cầu người mua. Ảnh: Hải Tiến.

Rau sạch của chị Hải sản xuất luôn không đáp ứng kịp nhu cầu người mua. Ảnh: Hải Tiến.

Chăm bón cho rau cũng làm tương tự: Mua 5 quả men rượu, 1kg đường kính, 0,5kg cám gạo, 3 hộp sữa chua, 3 gói men tiêu hóa (loại dùng cho trẻ em) và 10 lít nước lọc. Ngâm ủ được 7 ngày thì thêm 10 lít nước lọc nữa, từ 7-10 ngày sau, chắt ra tưới đều lên mặt luống trước lúc gieo rau, sẽ giúp phục hồi vi sinh vật có ích, kìm hãm vi sinh vật có hại, tăng độ tơi xốp đất.

Đồng thời, chị Hải còn ngâm hạt đỗ tương, phế phẩm cá nước ngọt với supe lân và thân chuối tây thái lát, sau chắt lấy nước tưới thúc cho rau.

Với phân hữu cơ, chị Hải chỉ mua phân gà hoặc phân chim, sau trộn đều với chế phẩm Trichoderma (tỷ lệ 1/1.000), rồi đóng vào bao bã mía, ủ yếm khí 45-60 ngày mới lấy ra bón lót cho ruộng rau.

Kinh nghiệm của chị Hải cho thấy, các loại rau ăn lá gieo trồng trong nhà màng sẽ rút ngắn được 1/4 thời gian sinh trưởng so với gieo ngoài tự nhiên, giúp tăng vụ sản xuất, tăng sản lượng, tăng thu nhập.

Tuy rau trồng theo cách làm nói trên không mỡ màng đẹp mã như các loại rau chăm bón bằng phân hóa học, nhưng nhờ tiếng lành đồn xa, nên sản phẩm làm ra đến đâu, luôn được mọi người thân quen đặt mua hết đến đó, với giá cao gấp 1,5 lần bán ngoài chợ.

“Kế hoạch trong thời gian tới, tôi sẽ thuê thêm ruộng, thuê lao động và làm thêm nhà màng, nhà lưới, cho trồng rau các loại, để đưa vào bếp ăn bán trú của các trường học trong huyện”, chị Nguyễn Thị Hải cho hay.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.