| Hotline: 0983.970.780

Hưng thịnh nghề đóng tàu cá

Thứ Sáu 28/12/2012 , 11:17 (GMT+7)

Phong trào đóng tàu mới của ngư dân Bình Định “phát” mạnh từ năm 2010, riêng năm 2012 này tổng số tàu cá đóng mới trên địa bàn tỉnh tăng đột biến lên đến 200 chiếc có công suất từ 200 CV trở lên.

Trong 3 năm gần đây, nhờ các nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa ngoài khơi xa làm ăn khấm khá, cộng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân tỉnh Bình Định đua nhau đóng tàu mới.

Trở lại thời vàng son

Trong những ngày cuối cùng của năm 2012, nhưng Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (Cty CP Thủy sản Hoài Nhơn) còn phải hoàn tất 10 chiếc tàu cá cỡ bự để ngư dân kịp hạ thủy, nhân thời điểm trời yên biển lặng, ra khơi kịp mở chuyến biển đầu tiên năm 2013 kiếm tiền cho vợ con ăn Tết. Do nhiệm vụ bức bách là vậy nên hàng trăm người thợ đóng tàu ở đây đang “trần mình” lao động cật lực để chạy đua với thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, GĐ Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan, nhớ lại: Nghề đóng tàu cá đã phải trải qua nhiều bước thăng trầm. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề biển ở Bình Định làm ăn được, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi xa. Tiếp đó, những năm 1997-1998, khi có các dự án đánh bắt xa bờ và vốn vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5, nghề đóng tàu lại có thêm cơ hội phát triển, nhiều cơ sở đóng tàu làm ăn khấm khá hẳn ra.

Thế nhưng từ năm 2001 trở đi, những nghề đánh bắt trên biển làm ăn sa sút, đánh không có cá, nhiên liệu lại liên tục tăng vùn vụt nên chuyến biển nào ngư dân cũng bị lỗ “chỏng gọng”. Các chủ tàu neo tàu nằm bờ “ngán” rồi kêu bán tàu, chuyển nghề. Nghề đóng tàu cá theo đó cũng sa sút theo.


Nghề đóng tàu vất vả nhưng cho thu nhập cao

Từ năm 2010 đến nay, tất cả các nghề đánh bắt khơi xa đều làm ăn đạt hiệu quả cao, thêm vào đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp sức, ngư dân liền nườm nượp đầu tư đóng tàu mới. Nhờ đó, nghề đóng tàu cá ở Bình Định nhanh chóng quay lại thuở vàng son.

“Năm 2012 xí nghiệp chúng tôi đã hạ thủy 130 tàu cá. Hầu hết khách hàng là ngư dân trong tỉnh, ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi cũng có về đây đặt hàng nhưng đơn vị kham không nổi, không dám nhận”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, chiếc tàu “bé” nhất mà Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan nhận đóng trong thời gian vừa qua có chiều dài 19 m, chỉ tính tiền vỏ tàu đã chi trả đến 1,5 tỷ đồng. Nhiều chiếc có chiều dài đến 24 m, riêng chi phí vỏ tàu là 1,8 tỷ đồng.

“Phong trào đóng tàu mới của ngư dân Bình Định “phát” mạnh từ năm 2010, riêng năm 2012 này tổng số tàu cá đóng mới trên địa bàn tỉnh tăng đột biến lên đến 200 chiếc có công suất từ 200 CV trở lên, có nhiều chiếc lớn, lắp đặt máy 700-800 CV. Hiện trên địa bàn Bình Định có đến hơn 10 cơ sở đóng tàu, cơ sở nào cũng đắt hàng”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Bình Định cho biết thêm.

Nghề thu nhập cao

Theo các bậc lão niên trong nghề đóng tàu cá, đây là cái nghề luôn đối mặt với vất vả, nặng nhọc nhưng bù lại cho thu nhập cao. Ông Trần Lễ (50 tuổi) ở TP Quy Nhơn, kể về nét độc trong cái nghề mà ông đã theo đuổi gần 40 năm qua: “Thợ đóng tàu cá cơ bản vẫn là thợ mộc. Thế nhưng không phải thợ mộc nào cũng làm thợ đóng tàu được. Riêng cái khoản hơ ván lên đống lửa cháy bùng để tấm ván “mềm” ra nhằm dễ uốn cong rồi lắp vào khung sườn tàu, những thợ mộc tay ngang nhìn vào đều lè lưỡi.

“Ngoài 200 chiếc tàu đóng mới hạ thủy trong năm 2012, sang quý I/2013, các cơ sở đóng tàu cá trên địa bàn Bình Định sẽ tiếp tục cho hạ thủy hàng chục chiếc khác. Riêng Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan trong quý I/2013 sẽ cho hạ thủy 60 chiếc”, bà Mai Kim Thi.

Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều dụng cụ, thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không làm bằng tay như trước đây chừng mươi năm, nhưng vẫn được xem là một nghề vất vả, nặng nhọc. Do đó, để trụ được với nghề, người thợ phải có sức khỏe, siêng năng, chịu khó, phải biết sáng tạo và nhất là phải yêu nghề!”.

Nói về nghề của mình, anh Trần Ngọc Vinh (38 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) tâm sự: “Tui vào nghề đóng tàu khi mới 16 tuổi, nay đã là thợ cả, chuyên đi nhận lại hợp đồng đóng tàu cho các xưởng. Hồi đó, nếu không chịu khó, chịu khổ thì tui đã bỏ nghề sau mấy ngày đầu tiên học việc. Nhờ chủ xưởng tâm lý, những ngày đầu tui được sắp xếp làm những việc nhẹ ở trong mát cho đến khi bắt nhịp được với công việc”.

Gọi là xưởng đóng tàu nhưng không có xưởng nào chứa hết công việc. Ví như ở Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan, nhà xưởng chỉ đủ dung chứa 6 chiếc tàu đóng mới, số còn lại đều được thực hiện ngoài trời trên địa bàn thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn).

“Cũng nhờ năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa gió nên Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan mới thực hiện được 140 hợp đồng đòng tàu mới của ngư dân. Để thực hiện được khối lượng công việc nói trên, xí nghiệp thường xuyên thu hút gần 400 thợ đóng tàu. Nhờ thu nhập cao, từ 8-9 triệu đồng/người/tháng và có việc làm thường xuyên nên tất cả các thợ đều bám nghề”, ông Hiếu nói.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Dựa vào dân để giám sát tàu cá vi phạm

Nhân dân là tai mắt trong việc phát hiện tàu cá vi phạm. Do vậy, cần dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.