| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Hưng Yên cần phát triển nền nông nghiệp mang đặc trưng đô thị

Thứ Tư 29/03/2017 , 07:15 (GMT+7)

Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với tỉnh Hưng Yên về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nơi đầu tiên Bộ trưởng đặt chân tới là trại nuôi gà Đông Tảo của ông Nguyễn Văn Thấm (thôn Đông Tảo Nam, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu). 

Nhanh chóng phục tráng giống gà Đông Tảo

Lão trại chủ bắt một con gà trống đẹp mã, nặng 5kg, có đôi chân to khỏe cho mọi người chiêm ngưỡng. Với quy mô đàn 1.500 con/năm, trong đó có 600 gà mái Đông Tảo thuần chủng, ông Thấm tự sản xuất con giống để nuôi thương phẩm và cung ứng cho các hộ chăn nuôi lân cận (với giá 120.000 đồng/con giống). Lợi nhuận thu được khoảng 600 – 700 triệu đồng/năm.

16-34-35_nh-bo-truong1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm hộ chăn nuôi gà Đông Tảo tại Khoái Châu (Hưng Yên).

Bộ trưởng quan sát kỹ đàn gà rồi bảo: “Ở đây tuy có nhiều gà đẹp, nhưng ngoại hình không đồng nhất do tính trạng bị phân ly. Chắc chắn đàn gà có hiện tượng cận huyết, thoái hóa nguồn gen”.

Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đang thực hiện đề tài thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo, với 15 hộ tham gia. Trung bình mỗi con gà trống có thể thụ tinh cho khoảng 25 – 30 gà mái, chất lượng con giống rất tốt. Nhưng khó ở chỗ, muốn ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà thì phải nuôi nhốt. Những trại gà chăn thả tự do như gia đình ông Thuấn không thể triển khai được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân khẩn trương triển khai đề tài khoa học quốc gia về phục tráng các giống đặc sản của Việt Nam, trong đó có gà Đông Tảo. Trước mắt, cần tuyển chọn, đánh giá, phân chia thành từng nhánh tính trạng để chọn ra những dòng tốt nhất. Tiếp đến, cần hình thành các khu nuôi giữ gà Đông Tảo bố mẹ để nhân giống thương phẩm, cung ứng cho người chăn nuôi. Như vậy, nguồn gen của giống gà quý này sẽ luôn được bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: hàng năm, tỉnh đều tổ chức Hội thi gà Đông Tảo nhằm quảng bá con đặc sản của địa phương, kích cầu thị trường tiêu thụ. Hiện tại, giá 1 kg gà Đông Tảo thương phẩm rất cao (khoảng 500.000 đồng/kg).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, người chăn nuôi Hưng Yên không nên thỏa mãn với thành quả đạt được, bởi khi hết “cơn sốt”, có thể giá gà Đông Tảo sẽ sụt giảm dần. Điều quan trọng nhất là phải áp dụng khoa học công nghệ để nhân đàn và chăn nuôi quy mô lớn, bán với giá cạnh tranh thì mới phát triển bền vững được.
 

Phát huy tiềm năng cây nhãn, chuối

Với khoảng 1 triệu ha đất bãi sản xuất nông nghiệp ngoài đê phù sa màu mỡ, Hưng Yên có thế mạnh đặc biệt để phát triển cây trồng giá trị cao như hoa màu và cây ăn quả. Riêng diện tích trồng chuối của toàn tỉnh đã lên tới gần 2.000 ha. Đây là cây đem lại thu nhập cao của rất nhiều nông dân các huyện Khoái Châu, Văn Giang.

16-34-35_nh-bo-truong3
Chuối là cây trồng thế mạnh của vùng đất bãi ven sông Hồng huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã thăm khu đất bãi bạt ngàn chuối tại xã Đại Tập (Khoái Châu) do Cty TNHH Thuận Tâm Thành đầu tư sản xuất. Với tổng diện tích trồng 60 ha tại các tỉnh phía Bắc (trong đó có 30 ha chuối tại Hưng Yên, các diện tích còn lại nằm rải rác ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa), sản lượng bình quân khoảng 3.000 tấn quả/năm.

Số lượng này như muối bỏ bể so với nhu cầu của đối tác trong nước (như Vingroup, Fivimart) và các bạn hàng phía Hàn Quốc, Nga và thị trường Trung Đông. Bởi vậy, Cty đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ trồng chuối lân lận (khoảng 10.000 tấn/năm) với giá trung bình 8.000 đồng/kg.

Anh Phạm Năng Thành (GĐ Cty Thuận Tâm Thành) chia sẻ: Với năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha, một hecta có thể cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất chuối của Cty gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất. Bởi diện tích đất ở khu vực đồng bằng sông Hồng quá manh mún, việc thỏa hiệp thuê đất với các chủ ruộng vô cùng nan giải. Bên cạnh đó, mưa bão cũng là kẻ thù lớn với cây chuối.

Ông Nguyễn Văn Doanh – Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện nay, Sở NN-PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh Hưng Yên lập dự án xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng được 3 – 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao (bao gồm các vùng hoa, cây cảnh, rau màu, lúa chất lượng cao) với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Trước mắt, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao huyện Văn Giang (đã trình Bộ NN-PTNT chấp thuận chủ trương đầu tư).

Nghe thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lập tức nói: “Ngay trong tuần này, anh hãy gặp Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên để đặt vấn đề thuê đất trồng chuối xuất khẩu. Nếu có khó khăn gì, cứ bảo Bộ trưởng Cường giới thiệu. Hiện tại, tỉnh này đang có một quỹ đất mấy trăm hecta chờ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, anh về đó chắc chắn sẽ được chính quyền địa phương giúp đỡ”.

Bộ trưởng cũng lưu ý, muốn né bão, nông dân trồng chuối chỉ cần lùi mùa vụ là được. Khung thời vụ tốt nhất là tháng 2 – 3 âm lịch hàng năm, sau 6 tháng cây chuối sẽ cho thu hoạch (khoảng từ tháng 8 – 10 âm lịch), thời điểm ấy bão gió không còn căng thẳng nữa. Đồng thời, cần trồng hàng cây bạch đàn quanh khu trồng chuối để chắn gió (hàng cách hàng khoảng 200m).

Thăm vùng trồng nhãn của HTX Nhãn lồng thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng cho hệ thống siêu thị Vinmart, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương và sự năng động, sáng tạo của nông dân nơi đây. Bởi, với điều kiện thời tiết dị thường như năm nay, số ngày rét ít hơn, thời điểm cây nhãn ra hoa gặp tiết ẩm nên tỷ lệ rụng rất nhiều.

Các chủ vườn nhãn đã vận dụng rất sáng tạo các kỹ thuật tiện cây, bón phân và phun thuốc kích nụ... để đảm bảo tỷ lệ đậu quả trên 60%. Giá 1 kg nhãn đường phèn (nhãn cổ truyền của Hưng Yên) lên tới 60 – 70 nghìn đồng, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Điển hình như mô hình trồng nhãn rộng 2 mẫu của ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, mỗi năm thu lãi 350 – 400 triệu đồng.

16-34-35_nh-bo-truong4
Nhãn lồng Hưng Yên đem lại giá trị kinh tế cao

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trước mắt tỉnh Hưng Yên cần phải rà soát lại quy hoạch trong chiến lược phát triển các vùng sản xuất với các đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Sau đó, có cơ chế tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất một cách bài bản cho từng đối tượng cây trồng. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn tiến nhanh, Hưng Yên phải phát triển nền nông nghiệp mang đặc trưng đô thị, phục vụ nhu cầu của cư dân thị thành dựa trên nền tảng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đặc hữu (lựa chọn cây, con đặc biệt giá trị cao), nông nghiệp hữu cơ, du lịch xanh và công nghiệp phát triển. Song song với đó, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền nông nghiệp công nghệ cao.

Đề nghị nới lỏng chính sách giữ đất lúa

Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của Hưng Yên đạt hơn 11,3 nghìn tỷ đồng. Ngành trồng trọt có năng suất và chất lượng cây trồng đều gia tăng. Năng suất lúa bình quân đạt 61,7 tạ/ha/vụ; cây có múi khoảng 2.100 ha, sản lượng 36,5 nghìn tấn; chuối khoảng 2.000 ha, sản lượng 23,7 nghìn tấn; nhãn 3.513 ha, sản lượng trên 36 nghìn tấn.

Tỉnh cũng chuyển đổi khoảng 900 ha đất trồng lúa khó khăn sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình đạt từ 600 triệu – 1 tỷ đồng/ha (trồng dưa vàng, dưa lưới, cam Vinh, cây dược liệu, hoa cây cảnh...).

Ông Nguyễn Văn Phóng – Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực tế hiện nay, rất nhiều nông dân trong tỉnh muốn chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, hoa màu (ví dụ như cam, bưởi, nghệ, quất cảnh...) hoặc nuôi trồng thủy sản.

Ở một số nơi, chính quyền địa phương quản lý đất trồng lúa rất chặt chẽ, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng chuyển đổi “chui”, bởi hiệu quả kinh tế đem lại sau khi chuyển đổi cao gấp hàng chục lần thu nhập từ trồng lúa. Đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị với Trung ương cho phép nới lỏng chính sách giữ đất lúa như hiện nay.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm