| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên trình diễn mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Thứ Sáu 22/12/2023 , 05:04 (GMT+7)

Các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại một số địa phương ở Hưng Yên đều cho hiệu quả sản xuất tăng cao so với đối chứng.

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", Sở NN-PTNT Hưng Yên đã phối hợp với một số địa phương trên địa bàn xây dựng mô hình sản xuất lúa và rau quả theo hướng hữu cơ. Tổng diện tích thực hiện 12ha, gồm 10ha lúa gieo cấy tại xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm), 2ha dưa chuột và một số rau ăn lá ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ).

Làm cỏ và bắt ốc bươu vàng tại tại mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ ở xã Việt Hưng. Ảnh: Hải Tiến.

Làm cỏ và bắt ốc bươu vàng tại tại mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ ở xã Việt Hưng. Ảnh: Hải Tiến.

Các giống cây trồng của mô hình đều không thuộc dòng biến đổi gien, được chọn tạo trong nước hoặc nhập khẩu như lúa nếp thơm Hưng Yên, rau mồng tơi, cải ngồng dưa chuột Khasib (Hà Lan), Maya (Israel). Trước đó, các hộ thực hiện mô hình được tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung, sản xuất hữu cơ trên cây lúa và cây rau nói riêng. Đồng thời còn được phổ biến các chính sách hỗ trợ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, công khai và minh bạch.

Kết quả, các mô hình đều đảm bảo tiến độ sản xuất, gieo trồng đúng mùa vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng sản phẩm cao, đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam số 11041-2:2017/TCVN - Nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông sản của mô hình bán được giá cao hơn các sản phẩm đối chứng (không sản xuất theo hướng hữu cơ) từ 1,5 - 4 lần, tạo được sự tin tưởng trong cộng đồng người tiêu dùng, khích lệ nhà nông áp dụng mở rộng diện tích gieo trồng.

Hiện tại, Sở NN-PTNT Hưng Yên đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển đổi các vùng trình diễn sang sản xuất hữu cơ, dự kiến sang năm 2024 sẽ hoàn thành, cấp giấy chứng nhận.

Tham gia mô hình, ông Đặng Trung Thành ở thôn Cự Đình, xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm) cho biết được hỗ trợ vật tư và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất 10ha lúa nếp thơm Hưng Yên theo hướng hữu cơ. Năng suất lúa trung bình đạt hơn 170kg/sào (360m2), tổng sản lượng thóc thu được hơn 48 tấn. Sau bán thóc và cân đối thu - chi, ông Thành còn lãi gần 65 triệu đồng/4 tháng canh tác lúa vụ mùa.

Ruộng lúa hữu cơ cuối vụ vẫn khá tốt và sạch sâu bệnh. Ảnh: HT.

Ruộng lúa hữu cơ cuối vụ vẫn khá tốt và sạch sâu bệnh. Ảnh: HT.

Để sản xuất lúa hữu cơ, ông Thành phải chọn khu ruộng tưới tiêu thuận tiện, lấy mẫu đất và nguồn nước tưới gửi tới các đơn vị chuyên ngành phân tích, đạt yêu cầu quy định mới tiến hành gieo cấy. Cùng với đó, ông còn phải ghi đúng nhật ký sản xuất. Trong đó, không dùng hoá chất bảo vệ thực vật, không bón phân hoá học, sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng.

Tuy mới sản xuất lúa hữu cơ vụ đầu, ông Thành đã đúc rút được một số kinh nghiệm: Để phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại, phải làm đất kỹ, nhuyễn và vùi sâu gốc rạ từ mùa vụ kế trước tới hoai mục mới xuống giống theo thời vụ sản xuất đại trà tại địa phương. Các khâu cày lồng, tưới dưỡng, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch lúa cho phép tiến hành bằng máy. Việc diệt ốc bươu vàng và làm cỏ trong ruộng phải làm bằng tay.

Để trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá, cần phun sớm khi sâu non chớm bước sang tuổi 1 (sau bướm bay rộ khoảng 3 ngày) vì các thuốc bảo vệ thực vật sinh học thường phát huy hiệu lực chậm, không diệt được sâu ngay như thuốc hoá học. Với các bệnh khô vằn, bạc lá, nghẹt rễ, đạo ôn, cần đảm bảo ruộng lúa luôn thông thoáng, bón lót đủ vôi bột (khoảng 150kg/ha) và phun phòng khi trời âm u, ẩm độ không khí cao...

Về phân bón, nên sử dụng phân Sông Gianh HC 15 bột và chế phẩm sinh học Vbio đa năng. Chia phân bón cho 3 lần, gồm bón lót trước khi bừa cấy; bón thúc sau cấy lúa từ 7 - 10 ngày; đón đòng khi có 10% số dảnh cái trên ruộng có thắt eo đầu lá. Chú ý không bón vôi đồng thời với phân sinh học vì sẽ làm giảm tác dụng của các loại phân vi sinh.

Lúa sản xuất theo hướng hữu cơ cho năng suất không cao, nhưng chất lượng gạo ngon hơn rất đáng kể, cơm ăn mềm, vị đậm và rất thơm, bán được giá cao. Do thị trường nông sản hữu cơ ở khu vực nông thôn còn khá hẹp, vì vậy ông Thành kiến nghị các cơ quan liên quan sớm giới thiệu hoặc kết nối  đầu ra nông phẩm hữu cơ với các doanh nghiệp hoặc đầu mối thu mua, giúp ông tăng diện tích mô hình.

Thăm mô hình trồng rau hữu cơ của Đề án do anh Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ) thực thiện, thấy toàn bộ diện tích dưa chuột đều gieo trồng trong nhà kính, trên nền đất hoặc bịch giá thể đã xử lý sạch nấm bệnh, cho năng suất khá cao, trung bình đạt 30 tấn quả/ha/vụ vụ sản xuất 100 ngày.

Dưa chuột sản xuất theo hướng hữu cơ có thể ăn khi vừa hái từ cây. Ảnh: Hải Tiến.

Dưa chuột sản xuất theo hướng hữu cơ có thể ăn khi vừa hái từ cây. Ảnh: Hải Tiến.

Theo anh Phương, so với cây lúa, cây dưa chuột và một số cây rau khác dễ sản xuất theo hướng hữu cơ hơn vì dễ đưa công nghệ cao vào sản xuất. Dưa được trồng trên luống đất hoặc giá thể đã được xử lý sạch nấm, vi khuẩn và tuyến trùng nên rất yên tâm về các loại dịch hại gốc và rễ cây, còn bệnh sương mai và giả sương mai cần phun phòng định kỳ, nhất là khi thời tiết thay đổi, độ ẩm trong vườn quá cao.

"Dưa trồng trong nhà màng không có gió và côn trùng thụ phấn nên phải chọn giống dưa không biến đổi gien, chuyên dùng cho nhà kính và có khả năng tự thụ tốt", anh Phương lưu ý.

Anh Phương đánh giá, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học, khó khai thác hết tiềm năng năng suất của giống, mẫu mã rau quả làm ra không đẹp mắt, nhu cầu nông sản hữu cơ ở nước ta chưa lớn nên sản phẩm khó bán được giá cao tương xứng với công sức và nguồn vốn bỏ ra. Vì vậy, rất mong được Ban quản lý Đề án giới thiệu đầu mối bao tiêu hoặc xuất khẩu các loại nông sản này để nhà vườn mở rộng thêm diện tích sản xuất rau quả hữu cơ.

Thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã giúp thay đổi tư duy nhà nông theo hướng sản xuất chất lượng, hiệu quả kinh tế tăng cao, an toàn trong sản xuất và tiêu dùng, tạo điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho nông dân các địa phương trong tỉnh. Việc canh tác không lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học còn giúp bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì độ phì nhiêu của đất, kích thích sự hình thành và phát triển các loài thiên địch của sâu bệnh hại cây trồng.

Thời gian tới, Sở NN-PTNT Hưng Yên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra bước thay thay đổi nhận thức trong cồng đồng nông thôn về một nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời tiếp tục thực hiện Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.