| Hotline: 0983.970.780

Hướng đi bản địa, đặc sắc của du lịch Mù Cang Chải

Thứ Sáu 03/11/2023 , 22:03 (GMT+7)

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nêu ra những giải pháp đồng bộ của địa phương để phát triển du lịch theo hướng bản địa, đặc sắc từ những giá trị nội tại.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, đây là một trong 2 huyện vùng cao phía tây của tỉnh Yên Bái với diện tích khoảng 1.200km2, dân số xấp xỉ 68.000 người với đặc thù 91% là người dân dộc Mông nên các bản sắc của địa phương gắn liền với truyền thống của người Mông.

Trước đây, cuộc sống của bà con sống chủ yếu dựa vào rừng và ruộng, bà con làm nông, lâm nghiệp trên rừng và trồng lúa ở ruộng bậc thang. Những năm trở lại đây, với sự cần cù, sáng tạo, bà con địa phương đã tạo ra được hệ thống ruộng bậc thang quy mô và hấp dẫn du khách khắp mọi miền Tổ quốc và cả khách quốc tế đến tham quan.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải do đó đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, được nhiều tổ chức về du lịch trên thế giới đánh giá cao.

"Trên cơ sở phát huy vẻ đẹp của danh thắng đặc biệt ruộng bậc thang cũng như những nét độc đáo trong bản sắc dân tộc bản địa, người dân Mù Cang Chải đã biết làm du lịch và cho ra đời thêm nhiều dịch vụ để phát triển du lịch", bà Xuyến chia sẻ.

Từ đó tăng thêm thu nhập cho bà con cũng như trở thành một giải pháp để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và đưa Mù Cang Chải ra khỏi danh sách các huyện nghèo trên toàn quốc.

Du lịch bản địa, đặc sắc

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, lợi thế của địa phương là về du lịch, trong đó chủ yếu là du lịch cảnh quan thiên nhiên và bản sắc của người dân tộc địa phương, 2 yếu tố này đã tạo nên sự hấp dẫn của Mù Cang Chải. Xác định được điều đó, chính quyền địa phương đã có những giả pháp để phát triển cho phù hợp.

Đầu tiên, công bố quy hoạch cấp huyện cũng như quy hoạch chi tiết của thị trấn và các xã như Nậm Khắt, Púng Luông về du lịch. Trong mỗi quy hoạch, chính quyền huyện Mù Cang Chải luôn nhấn mạnh vào các điểm đến hấp dẫn, khoanh vùng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Theo đó, hiện nay, huyện có 5 phân khu để phát triển du lịch.

Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của Mù Cang Chải. Ví dụ như các sản phẩm du lịch cộng đồng, gắn với bản sắc của bà con người Mông ở các bản làng.

Ngoài ra, còn có mô hình du lịch mạo hiểm, kết hợp các môn thể thao mạo hiểm để thu hút khách ví dụ như bay dù lượn ở đèo Khau Phạ. Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức các giải chạy hàng năm, cũng như chương trình leo núi, dã ngoại trong các khu rừng nguyên sinh.

Với lợi thế về văn hóa bản địa, huyện Mù Cang Chải cũng đang đầu tư vào các hoạt động du lịch lễ hội, chia theo 4 mùa trong năm để làm sao để du khách có thể tận hưởng không khí lễ hội trong tất cả các mùa. Những giải pháp này đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con ở Mù Cang Chải.

Từ định hướng đó, huyện tập trung cải thiện các sản phẩm hỗ trợ du lịch, ví dụ như nông sản bản địa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP như mật ong, chè, pá dù, khẩu sli, khẩu thọng chảy để cung cấp cho khách du lịch khi họ đến tham quan.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ về phát triển du lịch địa phương. Ảnh: Phạm Huy.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ về phát triển du lịch địa phương. Ảnh: Phạm Huy.

"Điều quan trọng nhất trong phát triển các sản phẩm du lịch ở Mù Cang Chải đó là theo hướng đặc trưng bản địa, tạo cho du khách cảm giác khác biệt, không giống với các địa phương khác", bà Lương Thị Xuyến khẳng định.

Giải pháp thứ ba được Phó Chủ tịch UBND nêu ra là huyện đã có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch trên địa bàn. Đây có thể xem là một giải pháp mang tính chất lâu dài. Trong đó bao gồm các cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, các hợp tác xã, hệ thống chủ homestay, người dân làm hướng dẫn viên… đều được bồi dưỡng và tham gia các lớp tập huấn để ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Giải pháp thứ 4 của huyện là đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt chú ý là khi xây dựng sẽ gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như gìn giữ cảnh quan ở các khu du lịch.

"Để làm được những điều này, huyện đã nỗ lực thu hút đầu tư với các nhà đầu tư lớn để tạo ra được mối liên kết giữa các khu du lịch hiện đại với những địa điểm du lịch truyền thống, bản sắc ở Mù Cang Chải. Điều này giúp du khách có nhiều lựa chọn khi đến địa phương và sẽ ra về với tinh thần thoải mái, hạnh phúc sau những trải nghiệm ở đây", lãnh đạo huyện Mù Cang Chải chia sẻ thêm.

Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải có tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc. Vì vậy, phát triển du lịch được coi là đòn bẩy giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Mù Cang Chải nằm cách trung tâm tỉnh Yên Bái gần 200km về phía Tây. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là hơn 1.200km2, dân số trên 68.000 người, trong đó người Mông chiếm 91%.

Quần thể ruộng bậc thang Mù Cang Chải có tổng diện tích trên 7.000ha, trong đó có hơn 850ha vùng lõi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2019, nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải. Đây là những điểm thu hút đông đảo du khách đến mảnh đất này.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.