| Hotline: 0983.970.780

BẮC GIANG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP, THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

II: Chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ

Thứ Năm 15/10/2020 , 08:42 (GMT+7)

Không chỉ trồng trọt, mà ngành chăn nuôi Bắc Giang những năm qua cũng có sự "lột xác" thấy rõ, theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức lại sản xuất

Sau 4 năm tiến hành tái cơ cấu, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Bắc Giang đã có bước chuyển mạnh mẽ, từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình chuyển nhanh, mạnh sang chăn nuôi tập trung qui mô lớn, theo mô hình trang trại hoặc gia trại công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, Bắc Giang tập trung đảy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại.

Thời gian qua, Bắc Giang tập trung đảy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, mặc dù đã được khống chế không để bùng phát trên diện rộng, nhưng đến cuối năm 2020, đàn lợn của tỉnh vẫn bị giảm còn khoảng 1 triệu con, riêng đàn gia cầm tiếp tục tăng, tổng đàn đạt trên 18 triệu con, chủ yếu là gà chất lượng các loại.

Nhờ vậy, sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 219 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2017.

Kết quả sau 4 năm cấu trúc lại lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã hình thành gần 700 trang trại gia súc, gia cầm. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (VietGHAP) đối với đàn lợn đạt 45%, đàn gà là 50%.

Chất lượng đàn vật nuôi cũng có sự chuyển biến theo hướng, tăng tỷ trọng bò lai và lợn nạc, tăng số vòng quay nuôi lợn từ 2 lứa/năm lên 2,5 lứa/năm, nuôi gia cầm từ 2 lứa/năm lên 3-4 lứa/năm.

Tỉnh đã xây dựng được một số vùng chăn nuôi quy mô lớn và tạo ra các sản phẩm chủ lực, như vùng gà đồi Yên Thế mở rộng (bao gồm cả các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn) và vùng nuôi lợn tập trung tại các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lục Ngạn.

Ngoài ra, còn phát triển nuôi trâu tại các vùng đồi núi (Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế), nuôi bò ở vùng gò dốc, ven đê (Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang).

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 30 vùng nuôi gà tập trung (khoảng 22 triệu con), 21 vùng nuôi lợn (quy mô 1,5 triệu con), 22 vùng nuôi trâu, bò (hơn 100 nghìn con). Bên cạnh đó tỉnh cũng xác định rõ những vùng không chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi, để bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh cho người và gia súc.

Cải tạo đàn vật nuôi

Việc nâng cao chất lượng đàn vật nuôi luôn được các cấp ngành chuyên môn của tỉnh quan tâm, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống tại chỗ, giám sát nghiêm ngặt chất lượng con giống nhập vào địa bàn, ngành NN- PTNT còn tham mưu kịp thời giúp UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cải tạo đàn giống vật nuôi.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng 30 vùng nuôi gà tập trung với khoảng 22 triệu con.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng 30 vùng nuôi gà tập trung với khoảng 22 triệu con.

Nhờ đó đến nay tỷ lệ đàn lợn giống đạt 25% nái ngoại, 50% nái lai, 25% nái nội. Đặc biệt, còn sản xuất thành công giống lợn nuôi thương phẩm lai 3, 4 máu lợn giống Landrace, Yourkshire, Pidu, Pietrain nhập ngoại, cho năng suất, chất lượng cao, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái địa phương.

Kết quả này đang được nhân rộng ra khắp các trang trại chăn nuôi ở các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang..., góp phần tạo ra 70% số đàn lợn nuôi trong tỉnh có tỷ lệ nạc trên 50%.

Trong chăn nuôi gia cầm, đàn gà chiếm trên 85% chủ yếu là giống gà Ri lai và gà Mía chọn lọc, nuôi theo hình thức thả vườn đồi, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

Chăn nuôi đại gia súc cũng chuyển đổi theo hướng lấy thịt, đàn trâu bản địa tầm vóc nhỏ, năng suất thịt thấp, đang được cải tạo bằng dùng tinh trâu đực Murah nhập ngoại, phối với trâu cái nội để được con lai có thể trọng sơ sinh lớn, tăng trọng nhanh.

Hiện nay nuôi trâu lai, nghé lai hướng thịt đang phát triển mạnh tại các huyện Tân Yên và Việt Yên. Cũng  nhờ được hỗ trợ con giống mới, đàn bò nuôi ở các vùng trọng điểm của tỉnh tăng nhanh cả về chất lượng và số lượng tổng đàn, các giống cao sản như, bò lai Zebu, bò 3B, bò Úc ngày càng được người chăn nuôi lựa chọn đầu tư cho phát triển.

Phát triển đàn lợn được coi là điểm nhấn của Bắc Giang trong năm 2020, giúp tăng cường số đầu lợn, kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường xuống.

Phát triển đàn lợn được coi là điểm nhấn của Bắc Giang trong năm 2020, giúp tăng cường số đầu lợn, kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường xuống.

Được biết trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định 3 trại lợn giống gốc ngoại (cấp ông bà), 4 cơ sở khai thác tinh nhân tạo, 200 cơ sở ấp trứng gia cầm, 1 cơ sở sản xuất giống lợn gốc ông bà.

Kết hợp với nguồn giống bố mẹ nhập từ nơi khác về, đã tạo đươc khoảng 4.000 con lợn ngoại giống bố mẹ, gần 200.000 liều tinh lợn ngoại, 20- 25 triệu con giống gia cầm, trên 50.000 liều tinh trâu bò, đáp ứng nhu cầu thay thế cho 40% đàn lợn nái, phối tinh nhân tạo cho 50% đàn lợn giống, nhu cầu cải tạo của 50% đàn bò và 30% nhu cầu con giống gia cầm trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn chọn lọc được hơn 1.500 con lợn và gần 200 con bò đực, đạt tiêu chuẩn phối giống cho 50% nhu cầu cần phối giống của đàn lợn và đàn bò địa phương.

Chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu 

Nhờ được tỉnh quan tâm đầu tư khuyến khích, phong trào liên kết trong chăn nuôi đã hình thành và phát triển nhanh với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, nổi bật nhất là liên kết chăn nuôi theo hình thức HTX, tổ hợp tác.

Tốc độ tái đàn lợn của Bắc Giang khá tốt, góp phần tăng tổng đàn lợn trên cả nước trong điều kiện giá thịt lợn tăng cao. 

Tốc độ tái đàn lợn của Bắc Giang khá tốt, góp phần tăng tổng đàn lợn trên cả nước trong điều kiện giá thịt lợn tăng cao. 

Hiện toàn tỉnh đang có 66 HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn và gia cầm, trong đó các hộ hợp tác với nhau theo nhóm, rồi bỏ vốn mua chung cám công nghiệp từ nhà máy, sau chia ra cho các trại chăn nuôi trong nhóm. Cách làm này đã giúp nhà nông giảm được 7-10% chi phi thức ăn cho đàn vật nuôi so với mua từ các đại lý bên ngoài.

Một hình thức liên kết khác cũng đang được nhiều nhà nông nhiệt tình đón nhận là, chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp Dabaco, Jafa, RTD, Austfeed, Tập đoàn C.P (Thái Lan)... Trong mối liên kết này, doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm; người nuôi gia công góp sức lao động, bỏ vốn làm chuồng trại và xử lý chất thải.

Đây là cách làm mới, bảo đảm nhà chăn nuôi và doanh nghiệp cùng có lợi, nhưng đòi hỏi hộ nuôi gia công phải có vốn ban đầu lớn, vì để xây dựng chuồng trại chăn nuôi an toàn sinh học cần nguồn kinh phí rất lớn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành khá nhiều chuỗi liên kết nuôi gia súc, gia cầm sạch từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm sản xuất (chăn nuôi lợn, gà), giết mổ, chế biến, chuyển tới hệ thống siêu thị, nhà hàng trong và ngoài khu vực...

Các sản phẩm này đều có gắn nhãn mác chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc khi cần. Điển hình trong các chuỗi này có chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn hữu cơ Trường Thành; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lợn HTX chăn nuôi và dịch vụ Tín Nhiệm; chuỗi thực phẩm an toàn Hải Thịnh.

Ngoài ra, còn có chuỗi lợn sạch Tân Yên với nhãn hiệu tập thể “lợn sạch Tân Yên”, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lợn tại HTX kinh doanh Thanh Thao; chuỗi liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ gà đồi tại Công ty TNHH Giang Sơn với nhãn hiệu tập thể “gà đồi Yên Thế”, quy mô nuôi thường xuyên 3-4 triệu con...

Các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi, bước đầu phát triển còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, nhưng sẽ là những mô hình phổ cập cho thời gian tới.

“Tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, để tạo động lực tăng trưởng cho ngành”, theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Bắc Giang.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất