Những khu tái định cư "nhiều không"
Đến khu tái định cư Cốc Diển ở xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể), đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà lụp xụp, tối tăm, trẻ con nheo nhóc. Do lo sợ sạt lở, 10 hộ dân được chuyển về đây từ năm 2014, nhưng đến nay 9/10 hộ vẫn là hộ nghèo. Nhiều năm qua, Cốc Diển vẫn được mệnh danh là thôn 2 không, không điện và không nước sạch. Tư liệu sản xuất là đất đai rất ít, khí hậu khắc nghiệt, trên núi cao nên rất khó sản xuất nông nghiệp.
Anh Phùng Văn Quang, thôn Cốc Diển (xã Phúc Lộc) tâm sự: Các hộ trong thôn ở trên núi cao, do không có điện nên mỗi lần xát thóc phải đi hàng chục km đường núi xuống trung tâm xã, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa lầy lội không thể đi nổi. Không có điện, người dân cũng không thể mua các thiết bị thiết yếu để phục vụ cuộc sống và sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, ông Nông Văn Nhược thông tin: Khu tái định cư thi công khẩn cấp để di dời người dân vùng sạt lở nên đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, công trình nước sạch có nhưng đã hư hỏng, đường giao thông là đường đất nên đi lại rất khó khăn. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm đến 90%.
Cũng tại huyện Ba Bể, nhưng người dân Khu tái định cư Đồn Đèn – Khuổi Luông lại đối diện với những khó khăn khác. Khu tái định cư này được đầu tư hơn 40 tỷ đồng để ổn định chỗ ở cho 290 hộ (trong đó có 50 hộ chuyển từ nơi khác đến, còn lại là ổn định chỗ ở tại chỗ). Những tưởng về đây đời sống người dân sẽ khá hơn, nhưng do địa hình quá cao, khí hậu quá lạnh nên rất khó sản xuất nông nghiệp. Trong số 50 hộ chuyển về đây tái định cư, đến nay vẫn còn tới 44 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo.
Khó khăn nhất với bà con ở Khu tái định cư Đồn Đèn – Khuổi Luông là nước sinh hoạt và sản xuất, mấy chục hộ dân chỉ trông chờ vào hồ chứa nước được xây dựng từ khi thành lập khu tái định cư. Dù là nơi cung cấp nước chính, nhưng hệ thống đường ống dẫn nước bị hư hỏng nên hồ cạn trơ đáy. Không những thế, do quản lý lỏng lẻo nên tình trạng xả rác thải xuống hồ cũng diễn ra phổ biến. Điều đáng quan tâm là tình trạng hư hỏng, ô nhiễm môi trường tại đây đã diễn ra rất lâu nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa khắc phục.
Ông Dương Văn Lành, thôn Đồn Đèn (xã Khang Ninh) cho biết: Công trình cấp nước đã hư hỏng từ lâu, người dân địa phương cũng đã phản ánh nhiều lần tới chính quyền nhưng chưa ai đến sửa chữa. Để có nước phục vụ sinh hoạt, các hộ phải tự mua vòi dẫn nước từ con khe nhỏ phía sau đồi về sử dụng, nhưng vào mùa khô, nguồn nước ít không đủ dùng, nước cũng không đảm bảo vệ sinh.
Các hộ dân chuyển đến khu tái định cư Đồn Đèn - Khuổi Luông được cấp trung bình hơn 300m2 đất ở/hộ, 2.800m2 đất ruộng lúa, 7.000m2 đất lâm nghiệp. Thế nhưng, do không đủ nước sản xuất nhiều diện tích bị bỏ hoang, hoặc chỉ làm được một vụ lúa. Do đó thu nhập người dân rất bấp bênh, có hộ thiếu đói mùa giáp hạt, nhiều hộ không thể trụ lại đã bỏ về nơi ở cũ.
Chủ tịch UBND xã Khang Ninh (huyện Ba Bể), ông Hứa Quang Sỹ cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương hàng năm có đề án, dự án và các chương trình lồng ghép để giúp bà con phát triển kinh tế, như hỗ trợ cây, con giống nhưng do khí hậu quá khắc nghiệp nên chưa thực sự hiệu quả.
Vòng xoáy đói nghèo
Có mặt tại Khu tái định cư Nà Cháo (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn) chúng tôi mới thực sự cảm nhận được vòng luẩn quẩn trong đói nghèo của người dân sống tại khu tái định cư. Gọi là khu tái định cư, nhưng Nà Cháo hiện nay giống như một khu sơ tán với những ngôi nhà xiêu vẹo, mốc meo, hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm.
Năm 2012, huyện Ngân Sơn đầu tư gần 23 tỷ đồng xây dựng Khu tái định cư Nà Cháo. Khu tái định cư này gồm các hạng mục san gạt đất ở, đất sản xuất, hệ thống điện, nước sinh hoạt và đường giao thông. Sau khi dự án hoàn thành có 26 hộ dân đến ở, chia thành 5 khu khác nhau (từ khu 1 đến khu 5), mỗi hộ được cấp hơn 200m2 đất ở, 3000m2 đất ruộng.
Trải qua gần chục năm, khu tái định cư này ngày càng trở nên hoang phế, các hộ lần lượt bỏ về nơi ở cũ để lại khu tái định cư những ngôi nhà hoang. Trong 26 hộ đến ở ban đầu, đến nay chỉ còn 12 hộ sinh sống trong khu tái định cư. Đáng chú ý, tại khu 3, ban đầu có 12 hộ, hiện nay chỉ còn duy nhất một hộ sinh sống.
Đến nhà anh Bàn Văn Sinh (hộ duy nhất còn sinh sống ở khu 3) khi gia đình vừa thu hoạch lúa, với 3000m2 đất ruộng được cấp, chỉ sản xuất được một vụ, anh thu được 25 bao thóc. Anh Sinh nhẩm tính, năm nay sẽ có vài tháng giáp hạt, phải xuống chợ mua gạo cứu đói.
“Không được cấp đất rừng nên không có cả củi để đun nấu, muốn chăn nuôi thì không có đất để trồng cỏ, nếu thả rông vào rừng người khác thì bị phạt tiền ngay. Xung quanh nhà chỉ toàn là rừng, không có việc làm thêm nên không bao giờ có thể thoát nghèo”, anh Sinh tâm sự.
Theo thiết kế, với đất sản xuất cấp cho người dân sẽ phủ lớp đất màu dày 20 cm lên mặt ruộng để tạo điều kiện cho bà con canh tác dễ dàng. Nhưng thực tế các thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi, bề rộng chỉ một đến hai mét, mặt ruộng chai cứng, lổn nhổn sỏi đá. Nước cấp cho sinh hoạt và canh tác chung một đường ống nhỏ nên nước chảy về khu tái định cư nhỏ giọt. Mấy năm gần đây, công trình nước sạch hỏng, vào mùa khô người dân khu tái định cư phải đi chở từng can nước về sinh hoạt. Sống trong điều kiện khó khăn nhu vậy, đến nay, tất cả các hộ ở Khu tái định cư Nà Cháo đều là hộ nghèo và cận nghèo.
Bà Đồng Thị Thùy, Chủ tịch UBND xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) thừa nhận thực tế: Với 3000m2 đất ruộng cằn cỗi, người dân khu tái định cư còn chưa đủ ăn chứ chưa nói gì đến thoát nghèo. Vòng luẩn quẩn ở chỗ, muốn thoát nghèo thì phải có đất rừng sản xuất, nhưng rừng đã chia hết cho các hộ dân khác để thu hồi lại đất sản xuất cấp cho các hộ còn ở khu tái định cư rất khó thực hiện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, có 7 nguyên nhân dẫn tới nhiều dự án tái định canh, định cư không phát huy hiệu quả:
1: Khi lập dự án chủ đầu tư chưa làm tốt công tác rà soát đối tượng thụ hưởng.
2: Các khu tái định cư đa số đều thuộc vùng sâu, vùng xa, đồi núi hiểm trở, giao thông khó khăn nên việc đầu tư san ủi mặt bằng có tỷ suất lớn.
3: Diện tích đất ở và đất sản xuất tính theo định mức được cấp cho các hộ dân thuộc diện tái định cư thấp; các hộ tái định cư không có đất rừng nên khó khăn trong phát triển kinh tế.
4: Việc bố trí dân cư tập trung đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm sinh sống của các dân tộc nên bố trí sắp xếp không phù hợp.
5: Một số hộ dân được bố trí trong dự án không đúng đối tượng, tiêu chí theo quy định dẫn tới bất bình đẳng.
6: Các dự án đầu tư mới chỉ mang tính chất khắc phục chưa mang tính thiết thực, bền vững không đáp ứng được các điều kiện khác như quỹ đất, nước sinh hoạt…
7: Thiết kế kỹ thuật các hạng mục trong khu tái định cư còn thiếu thực tiễn gây lãng phí vốn