| Hotline: 0983.970.780

Indonesia chấm dứt hiệp ước REDD+ với Na Uy vì... chậm tiền

Thứ Bảy 11/09/2021 , 21:04 (GMT+7)

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, nước này đã chấm dứt thỏa thuận REDD+ với Na Uy hợp tác cắt giảm khí thải carbon từ nạn đốt phá rừng, do thiếu nguồn tiền chi trả.

Khói bụi mù mịt gây ra từ đám cháy rừng ở khu Palangka Raya, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia vào ngày 30 tháng 9 năm 2019. Ảnh: Reuters

Khói bụi mù mịt gây ra từ đám cháy rừng ở khu Palangka Raya, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia vào ngày 30 tháng 9 năm 2019. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố vừa phát đi hôm nay, đại diện ngành lâm nghiệp Indonesia cho biết, năm ngoái chính phủ Na Uy đã công bố khoản đóng góp trị giá 56 triệu USD cho nước này, dựa trên những kết quả về việc kiềm chế nạn chặt phá rừng trong khuôn khổ chương trình bảo tồn rừng do Liên hợp quốc phát động, hay còn gọi là REDD+, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017.

Vào cuối ngày thứ Sáu (10/9), Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết họ quyết định chấm dứt thỏa thuận REDD+ do "chính phủ Na Uy thiếu rõ ràng về lộ trình chi trả theo nghĩa vụ đã cam kết", trong khi quốc gia Đông Nam Á đáp ứng hầu hết các yêu cầu về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương 11,2 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 2016 đến 2017.

“Quyết định đơn phương chấm dứt Ý định thư REDD+ sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của chính phủ Indonesia về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”, đại diện Bộ Ngoại giao xứ vạn đảo cho hay.

Trong khi đó, Tổ chức Sáng kiến ​​Rừng và Khí hậu Quốc tế Na Uy cho rằng, các cuộc thảo luận về các khoản thanh toán của Oslo là "mang tính xây dựng và vẫn đang tiến triển tốt và nằm trong khuôn khổ quy định của hai nước đã đặt ra". Đồng thời tổ chức này cho biết trong một tuyên bố rằng, họ vẫn có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Na Uy tại thủ đô Jakarta đã không đưa ra bất cứ phản hồi hoặc bình luận nào xung quanh vấn đề này.

Kiểm soát nạn chặt phá rừng là một phần trong những cam kết của Indonesia theo hiệp định Paris toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Hành động này nhằm mục đích hạn chế nạn phá rừng từ 323.750 ha  mẫu Anh đến 445.000 ha mỗi năm, một tỷ lệ được tin rằng vẫn sẽ cho phép phát triển kinh tế.

Theo thỏa thuận Paris vào năm 2015, Indonesia đã cam kết cắt giảm 41% lượng khí thải carbon vào năm 2030 với sự hỗ trợ của quốc tế. Các quan chức chính phủ nước này cho biết họ đang đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

REDD+ là gì?

Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, REDD+ là một sáng kiến quốc tế của Liên Hợp quốc đưa ra nhằm cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. (REDD là chữ viết tắt tiếng Anh của “Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation”, tạm dịch là “Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng”).

Cơ chế vận hành của REDD+ thông qua 5 hoạt động chính gồm: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng carbon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng carbon rừng.

Mục tiêu của REDD+ là: Các nước đang phát triển giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng sẽ được nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu do phía các nước phát triển đóng góp. REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học...

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên nó vừa góp phần gây ra biến đổi khí hậu cũng vừa là nạn nhân của các tác động của biến đổi khí hậu. Rừng cũng có tiềm năng trở thành một giải pháp hai mặt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và giúp xã hội thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Ví như, việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải khí CO2 toàn cầu; Rừng được duy trì sẽ giúp chúng ta thích ứng thông qua việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quý giá.

Ngoài ra rừng còn giúp kiểm soát xói lở đất, cung cấp nước sạch và tạo ra hành lang cho động thực vật hoang dã di chuyển tới các vùng có khí hậu thuận lợi hơn. Việc các dịch vụ này bị mất đi sẽ tác động tới cuộc sống và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Rừng cũng có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu nếu không được quản lý một cách bền vững. Khi gỗ bị khai thác đốt phá, cây sẽ trở thành nguồn khí nhà kính bởi vì toàn bộ carbon mà nó tàng trữ sẽ phát thải dưới dạng CO2 và cây sẽ không còn là bể chứa carbon, nghĩa là nó không thể hút CO2 từ sinh quyển được nữa.

(Reuters; CNA)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.