| Hotline: 0983.970.780

Istanbul, vào lòng đất thăm nữ quỷ tóc rắn!

Chủ Nhật 03/02/2019 , 13:50 (GMT+7)

Istanbul khiến người ta buộc phải vội vã với các dòng xe cộ cuồn cuộn và đôi khi bừa phứa kiểu đặc trưng Á châu của mình. Với dân số 15 triệu người, đô thị liên lục địa, liên đại dương này nằm trong TOP những kinh kỳ đông dân nhất trên thế giới.

Vài dòng về một con quỷ xinh đẹp với cái nhìn hóa đá

Trong “Thần thoại Hy Lạp”, nàng Medusa có nhan sắc khiến bất cứ ai cũng phải ngẩn ngơ, với mái tóc bồng bềnh còn quyến rũ hơn thế. Nàng quá đẹp và được quá nhiều người ngưỡng mộ nên sinh ra hơi kiêu căng, nàng bảo, nàng đẹp hơn cả vị nữ thần quyền uy nghiêng trời Athena (thần của nghề thủ công mỹ nghệ, trí tuệ và chiến tranh chính nghĩa, cũng là vị thần bảo hộ của thủ đô Athens, Hy Lạp).

Sách viết, sắc đẹp của Medusa khiến sự dâm dục trong vị thần nổi tiếng Poseidon bốc lên ngùn ngụt. Trong một lần nàng ra sông lấy nước về quét dọn rửa ráy cho ngôi đền, Poseidon đã theo về và hãm hiếp nàng.

Có dị bản nói, Medusa tự nguyện thông dâm với nam thần kia. Quá tức giận và cũng có thể vì buồn lo trước tình trạng lạm dụng tình dục hoặc trên bộc trong dâu làm vấy bẩn đền thiêng, thần Athena đã lập tức biến Medusa thành một quỷ cái vẫn xinh đẹp nhưng có con mắt nguy hiểm đúng bằng sự nguy hiểm thượng thặng của nhan sắc. Ấy là: bất cứ ai nhìn vào đôi mắt đẹp của Medusa, thì lập tức kẻ đó sẽ hóa đá. Mái tóc bồng bềnh đẹp tuyệt thế của nàng trở thành mớ rắn phì phì cuồn cuộn. Các móng tay kiều diễm bỗng nên cứng như sắt và sắc nhọn như dao kiếm.

Thú vị thay, nhân vật huyền thoại đầy ý nghĩa này, đã trở thành biểu tượng của phong trào nữ quyền thế kỷ 20. Chưa hết, danh họa đại tài Leonardo Da Vinci đã lấy Medusa làm cảm hứng để vẽ nên “Medusa” (trên vải dầu). Thậm chí, thời mới này, lá cờ của đảo Sicily, huy hiệu của Cộng hòa Séc, rồi biểu tượng của Hãng thời trang Versace..., đều lấy Medusa “quỷ cái” làm biểu tượng. Bao nhiêu người trên thế gian này đã thần tượng con người đại trí đại dũng Alexander Đại đế? - xin thưa, gương mặt nàng Medusa kiều diễm và đáng sợ với số phận kỳ lạ đã được khắc tạc trên ngực áo giáp của Đại đế...

b-medus202914509

Trên hành trình đi dọc nhiều di tích nổi tiếng của Châu Âu những năm qua, tôi đã nhiều lần chụp ảnh các bức tranh, tượng có cảnh thần Perseus trẻ trung với sự nghiệp oai hùng đang cầm thủ cấp của nữ quỷ tóc rắn Medusa. Các nghệ sỹ hầu hết tập trung mô tả cái thủ cấp đã bị chặt đứt của một con quái vậtcái vô cùng kỳ dị mà vẫn ngút trời xinh đẹp. Còn bây giờ, tôi lại gặp nàng Medusa ngay giữa lòng Istanbul nườm nượm người hành hương thành kính và náo nức du khách hiếu kỳ.

Chúng tôi xếp hàng dài, rất dài và chờ đợi rất kiên nhẫn để đến lượt mình mua vé, cất từng bước rời sự nắng nỏ ngột ngạt của thành phố 15 triệu dân, chui vào lòng đất lom dom ánh điện đỏ quạch rồi vàng ruộm của bể nước ngầm. Bầu không khí trong đó mát lạnh, có lẽ hệ thống thông gió hoạt động tốt hoặc lõng bõng hàng vạn mét khối nước tinh khiết đã biến “cung điện bị đắm chìm” Basilica trở thành một cái tủ trữ đông. Diện tích mặt nước rộng gần một héc-ta.

Được xây dựng từ 1.688 năm trước, tức là gần 17 thế kỷ rồi. Bấy giờ Istanbul được gọi là Constantine, tên của một vị Hoàng đế La Mã. Họ đã tính toán tài tình, dẫn cả một hệ thống nước ngọt mênh mông theo các ống, máng, rãnh dài chằng chịt khoảng 400km từ rừng già, sông suối bên ngoài thành phố vào trung tâm đô thị. Nước ấy để phục vụ đại lễ, cọ rửa thánh đường, phục vụ sinh hoạt cho con dân của vương triều; rồi hàng trăm bể nhỏ khác cung cấp cho cư dân và thương thuyền dọc eo biển. Với hàng trăm bể nước ngầm phục vụ sinh hoạt thường nhật, nhưng lớn nhất, sang chảnh nhất vẫn là Basilica Cistern.

Người ta dường như đã quên mất chức năng chứa nước của nó, mà tập trung nhiều hơn vào vẻ đẹp như lâu đài cổ tích, như cung điện bị chìm/ lâu đài lộn ngược/ pháp trường trong bóng tối (có thời gian nơi này dùng để hành hình) hay “nhà tù nhốt quỷ cái Medusa”.
 

Khi quỷ cái đi tiên phong... phát triển du lịch!

Thế giới biết đến bể nước ngầm Basilica nằm dưới đáy sâu thành phố Istanbul nhiều hơn, kể từ khi chúng được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim về James Bond vào năm 1963. Bộ phim bom tấn ấy tên là: From Russia with love. Chúng tôi bước xuống hàng chục bậc cầu thang đá, không khí lạnh dần, tối tăm dần. Đến lúc chỉ còn vài giọt sáng mơ hồ tỏa ra từ các chân cột, đỉnh cột đá cẩm thạch.

Họ đã khéo léo sử dụng ánh sáng ven, hắt chúng xuống bể nước làm chúng long lanh, kỳ ảo và tỏa rạng hơn. Không phải là một bể chứa rêu phong ào ạt nước, cũng không vuông rìa sắc cạnh nước trong leo lẻo, cá bơi thung thăng. Đây đúng là một cung điện bị dìm xuống nước, nước khỏa lấp hết cả nhưng 336 tòa đá tảng to cao như cột chống trời rồi hệ thống mái vòm sang trọng thì vẫn ngời ngời vương giả. Vài con cá to, đen bơi kỳ bí và thách thức, khiến dấu hỏi bên dưới làn nước thăm thẳm ngót trăm nghìn khối kia là cái gì càng thêm tha thiết.

Anh bạn người Thổ dạy tôi cách tính theo hàng cột đá cẩm thạch kỳ vĩ và đếm toàn bộ các hạng mục của “tòa lâu đài dưới nước”. Tổng số 336 cột đá cẩm thạch mỗi cột cao 9m chống đỡ cho hệ thống mái vòm trạm trổ cầu kỳ, chẳng khác gì những trong nhà thờ Hồi giáo bên trên mặt đất chính nơi này. Toàn bộ công trình có chiều dài 143m, ngang 70m, chứa được ít nhất 80.000m3 nước.

20180818-152905202912547

Theo sử liệu, bầy cột lớn được khiêng về từ một ngôi đền thiêng. Độc đáo nhất là hai cột đá mà ở chân của nó là đầu quỷ Medusa lộn ngược. Nhiều cột có cắm biển chỉ dẫn, gọi là cột nước mắt, cột oan hồn, cột đau thương hay các cột mắt quỷ. Ở đó họ đẽo lõm vào lòng đá những con mắt xanh lam, mắt có đuôi dài thượt của quỷ. Các nhà khoa học đã thống kê: 98 trong tổng số 336 cột của “cung điện dưới lòng đất” được xây dựng đẽo tạc mang phong cách Hy Lạp còn lại mang phong cách Hy Lạp cổ (Dorian). Có 28 hàng cột đứng như cột chống trời, các cột được nối với nhau bằng những cái cầu uốn cong nho nhỏ. Trong những lần tu sửa, chăm sóc qua các thời kỳ, hàng nghìn tấn bùn đã được vớt lên từ đáy bể. Đến ngày 9/9/1987, bể nước ngầm kỹ vĩ này chính thức mở cửa đón khách du lịch.

Người ta có thể thấy bể nước phục vụ cung điện của Hoàng đế và các ngôi đền thờ Thánh Ala của người Thổ Nhĩ Kỳ cổ xưa nó là một cái gì đó như là tín ngưỡng tâm linh. Chứ không phải téc nước treo trên nóc nhà hay bể ngầm lát gạch men ở dưới lòng tăm tối của mỗi ngôi nhà thông thường. Đá cẩm thạch một phần được chế tác từ ngọn núi nổi tiếng, chuyên cung cấp nguyên liệu cho các đền đài lăng tẩm của đế chế. Nhiều cột đá tuyệt kỹ công phu khác, được sử sách chép rõ: người ta khênh chúng về từ một ngôi đền cổ tên là Antalya Toglia. Cột nào cũng đã “hô thần nhập tượng” cả. Bảy nghìn nô lệ đã lao động khổ sai với nhiều chết chóc trong nhiều năm để hoàn thành “bể chứa ngầm” Bacilica.

Ông hoàng và đế chế xây dựng Bacilica còn tính đếm đến việc: khi kinh thành thất thủ, “hang ngầm” vĩ đại sẽ là lô cốt trú ẩn và cố thủ để củng cố lực lượng tiêu diệt kẻ thù. Và thần linh đi theo đó. Thần linh chế ngự các con quỷ dữ dưới lòng đất. Có lẽ, quỷ cái có mái tóc làm bằng muôn vàn con rắn độc với ánh mắt đẹp làm thiên hạ hóa đá vĩnh viễn kia cũng bị “yểm” xuống “âm ti địa ngục” của cung điện chìm đắm, để trấn áp cái xấu, bảo vệ cái tốt. Nói như người Việt Nam là làm cho nhân khang vật thịnh. Mùa màng tốt tươi, nòi giống sai lạc.

Tại sao lại là quỷ Medusa, điều này sẽ dễ lý giải, khi mà như trên đã viết, đó là một nữ quỷ từng gợi cảm hứng cho loài người sáng tác. Nếu ai đó gõ “Medusa” rồi tìm phần video, thì sẽ ra rất rất nhiều bộ phim công phu và nổi tiếng suốt dọc dài lịch sử nhân loại, người ta đã không thôi “phóng tác” từ câu chuyện con quỷ tóc rắn. Có thể vì, đàn bà hồi ở thượng giới có nghe lời con rắn độc và ăn trái cấm để rồi sinh ra tham sân si, rồi mắc vào bẫy sắc dục của “thế nhân nhiều tục lụy”. Rồi bị con cháu của bà Eva mãi. Mãi sau này vẫn trời “hành” hàng tháng, rồi con rắn bị loài người ghét bỏ và rắn nào cũng bẹp đầu vì bị “đánh đập” từ thuở hồng hoang.

-medus-1202914237

Một con rắn, một bầy rắn mà lại ôm thành tóc của con cháu bà Eva, hoặc như Medusa, một phụ nữ đẹp hơn cả thần Athena, đẹp đến mức nữ thần phải biến nàng thành đáng sợ để tránh bị kẻ xấu hãm hiếp (hoặc thông dâm) ngay trong đền thiêng. Quả là những hình ảnh vô cùng ám ảnh và mở ra những trường liên tưởng hợp lý. Nó gợi cảm hứng đến mức đầu Medusa được gắn trên khiên của thần Athena, điêu khắc trên cả ngực áo giáp của Alexander Đại đế. Vì sự ám ảnh đó, người ta đã nghĩ cách kỳ quái, kỳ quái đến mức “trần gian có một”, là đưa nàng làm chân cột đá cẩm thạch khổng lồ dưới “hỏa ngục” Bacilica. Cắm đỉnh đầu lộn ngược của nàng xuống nền của đáy bể nước ngầm đẹp nhất trong hàng nghìn năm lịch sử Istanbul, thủ đô huy hoàng vào hàng quán quân trên thế giới.

Một lý giải nữa vô cùng thuyết phục: đi dọc Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ, chúng ta gặp rất nhiều các cái mắt quỷ được vẽ, khắc, gọt như “bùa chú” ở khắp nơi. Chúng thường có hình tròn với màu xanh đại dương. Rất giống mắt nàng Medusa ở hai chân cột bể nước ngầm, giống màu chân cột rêu phong dưới cung điện bị chìm đắm Bacilica. Họ trang trí mắt quỷ ở đồ trang sức dành cho nữ giới, vẽ “mắt đẹp” ở trong nhà của người bản xứ, treo mắt quỷ trên ô tô, vẽ chúng trên quần áo. Ngay tại Bacilica, nhiều cột đá cẩm thạch còn được vẽ cả chùm mắt quỷ to, dài, nối nhau xếp thành hàng dài. Họ tin rằng, các thế lực quỷ dữ xấu xa sẽ thấy mắt quỷ mà tránh xa.

Vậy là, sau thời gian dài đến gần 17 thế kỷ, trải qua gần như trọn vẹn lịch sử đầy biến động của cái nôi văn minh văn hóa và giao thương của loài người, Bacilica từng là nơi cung cấp nước thánh, nước thiêng cho đền đài và cung điện, rồi trở thành một pháp trường chém giết, trở thành nơi vứt rác và cả xác chết; đến gần đây, Bacilica đã được nhân loại tiến bộ khoác thêm cho một vai trò hoàn toàn mới.

“Nàng Medusa” kiều diễm nhảy chân sáo phát triển du lịch. Nhiều triệu người sững sờ, ngơ ngẩn như “hóa đá” khi nhìn thẳng vào đôi mắt có “quyền năng” - làm bất cứ ai trông thấy phải hóa đá -của nàng Medusa chổng ngược. Tại làm sao mà từ đáy “âm ti địa ngục”, dưới lòng hang tối tăm, tượng một con quỷ đầu lộn ngược lại có thể thu hút quá nhiều người khắp năm châu bốn biển đổ về đến thế? Ai nhìn vào nhan sắc đó mà không hóa đá hay ngây dại vì vẻ đẹp cũng như sự kỳ dị của một huyền thoại sừng sững như đá cẩm thạch của nàng, thì cũng là đáng trách, cũng là thiệt thòi cho tâm hồn người ta nữa. Nhưng, rõ ràng Medusa hóa đá trước tất cả những người chiêm ngưỡng nằng.

Biến nàng thành quỷ cái, với vô số rắn độc trùm lên đầu, nhưng Trời vẫn thương, vẫn không tiễu trừ nhan sắc được muôn đời ngưỡng mộ của nàng. Rõ ràng đây là một pháp thuật đầy hàm ý, ít ra là để người Istanbul phát triển du lịch!

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm