| Hotline: 0983.970.780

Keo chết héo, dân chịu lãi thấp thu hoạch vội

Thứ Bảy 04/09/2021 , 23:11 (GMT+7)

PHÚ YÊN Nắng nóng khiến cây keo mất nước nên rất nhẹ cân. Trước đây, keo chất đầy xe được 19 - 20 tấn, nay cao lắm chỉ được 16 - 17 tấn.

Keo nhẹ cân, lại tốn công bóc vỏ

Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua trên địa bàn các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) khiến nhiều diện tích rừng trồng bị khô héo, nhẹ ký. Nông dân thu hoạch bán lãi thấp đề phòng cháy rừng.

Dọc Quốc lộ 19C đoạn qua địa bàn từ xã Xuân Long đến Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), nhìn lên những ngọn núi hai bên đường nhiều cánh rừng trồng đã khô lá. Ông Phan Văn Vinh ở xã Xuân Long, đang thu hoạch keo cho hay: Nắng kéo dài mấy tháng qua, đỉnh điểm nắng nóng rừng khô nhiều nhất trong tháng 7 và nửa tháng 8 nên rẫy keo khô nước úa lá, dẫn đến nhẹ ký. Đống keo trước đây 1 tấn giờ cân chỉ còn 850 - 900kg.

Rừng keo ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên khô lá do nắng nóng. Ảnh: MHN. 

Rừng keo ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên khô lá do nắng nóng. Ảnh: MHN. 

Còn ông Bùi Văn Long, thu hoạch keo ở xã Xuân Lãnh, phân trần: Giữa tháng 8/202, ông cưa lột keo. Trong vùng cũng có nhiều người thu hoạch keo, tuy nhiên ai cũng không vui vì keo bị khô, nhẹ ký do nắng nóng.

Những rừng keo trồng đã được 4 - 5 năm tuổi bị khô héo, bà con đành phải thu hoạch để bán cho nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Trước đây keo chất đầy xe cân được 19 - 20 tấn, thì nay cao lắm chỉ được 16 - 17 tấn.

Không những thế, cây keo gặp nắng hạn mất nước, vỏ keo bó lại ôm sát thân cây nên rất khó lột vỏ nên người lột vỏ ăn giá cao. "Trước đây khoán gọn công cưa keo, lột vỏ và bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn, giờ lên dứt giá 280.000 đồng/tấn người ta mới nhận”, ông Long nói.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) đang lột keo thuê chia sẻ: Ông nhận công cưa, lột vỏ keo rồi bốc lên xe. Mỗi ngày 5 - 7 người (tùy theo rẫy keo nhiều hay ít), đàn ông thì cưa, phụ nữ thì lột vỏ.

"Keo khô nước lột không chạy rất cầm công, tính ra làm cả ngày bình quân công lao động đạt 200.000 đồng/ngày. Do thời tiết nắng nóng nên vỏ bó sát phần gỗ nên lột chậm. Cuối tháng 8 vừa qua trời có mưa nhỏ, nên thân cây keo vẫn chưa “no” nước để bung vỏ ra được", ông Lý cho biết.

Do nắng nóng, việc thu hoạch, bóc vỏ keo rất tốn chi phí tiền công. Ảnh: MHN.

Do nắng nóng, việc thu hoạch, bóc vỏ keo rất tốn chi phí tiền công. Ảnh: MHN.

Thu hoạch vội, phòng nguy cơ cháy rừng

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện khai thác rừng trồng với sản lượng hơn 27 nghìn m3, tương đương diện tích gần 320 ha; trong đó hộ gia đình, cá nhân thu hoạch 1.500 m3, tương đương 30ha…

Keo nhẹ ký, thế nhưng nhiều người đành chấp nhận bán vì đến thời kỳ thu hoạch, nếu để thêm, keo khó lại sức mà còn nguy cơ cháy rừng. Ông Bùi Quang Tấn, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho biết, trước đây giá keo 1,1 triệu đồng/tấn, nay nhích chút đỉnh lên 1,2 triệu đồng/tấn, thế nhưng do nắng hạn nên người trồng rừng thất thu.

“Từ tháng 6 đến tháng 7, nắng nóng quá gay gắt lại thêm gió Nam nên rừng bị chết khô rất nhiều. Trước đây 1 tấn keo bán chi phí xong còn lãi 500.000 đồng, nay chỉ còn 300.000 – 400.000 đồng (tùy theo xa gần đường vận chuyển). Trong khi đó trồng rừng keo 5 năm mới thu hoạch.

"Tôi và nhiều người ở đây chấp nhận bán vì rừng keo lá đã khô từng chòm, nếu để không may nắng hạn kéo dài gây cháy càng thiệt hại nặng”, ông Tấn nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, diện tích rừng keo của xã là 284 ha, trong đó có 1/3 diện tích thu hoạch. Đây là vùng Cao nguyên Vân Hòa, khí hậu mát mẻ nhưng do nắng hạn kéo dài, rừng keo không chịu nổi trước sức nắng nóng gay gắt. Rừng keo khô lá dễ dẫn đến cháy rừng.

Hiện nay, người trồng rừng ở Phú Yên đang tập trung thu hoạch, phòng cháy rừng do nắng nóng. Ảnh: MHN.

Hiện nay, người trồng rừng ở Phú Yên đang tập trung thu hoạch, phòng cháy rừng do nắng nóng. Ảnh: MHN.

Ông Trương Tấn Hoàng, người trồng keo ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) giãi bày: "Đợt nắng hạn vừa qua, ruộng lúa ở dưới bằng cũng khô nước nói chi keo trồng trên rẫy cao. Ở đây là vùng đất tốt nên keo rất nặng ký, thường 1ha keo trung bình thu 60 – 70 triệu đồng, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe…, người trồng còn 40 triệu đồng, nay keo nhẹ ký nên chỉ còn 30 triệu đồng.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, khai thác gỗ rừng trồng được 63.550 m3, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước, củi khai thác 19 ngàn ster. Tuy nhiên riêng trong tháng 7, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chỉ khai thác được hơn 6 ha, tương đương 315 m3, tập trung trên địa bàn huyện Đồng Xuân, Tây Hòa.

Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người dân cũng đang tập trung thu hoạch rừng trồng, phấn đấu đến cuối năm khai thác gỗ rừng trồng phục vụ cho chế biến công nghiệp đạt 30.000 m3.

Cũng theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nắng hạn vừa qua đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng với diện tích cháy 44,93 ha; trong đó huyện Phú Hòa xảy ra 2 vụ gồm 1 vụ cháy 39 ha diện tích keo và bạch đàn tái sinh;  1 vụ cháy 2ha; Thị xã Sông Cầu xảy ra 1 vụ cháy diện tích 3,93 ha. 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Nắng hạn làm cho cây trồng phát triển kém, sản lượng gỗ rừng trồng đạt thấp. Ngành nông nghiệp tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lâm phần được giao, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng để bảo vệ rừng trồng keo.

Sở tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ NN- PTNT, UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ cháy rừng, giám sát chặt chẽ các đối tượng thường ra vào rừng trong thời điểm khô, hanh, khả năng dễ xảy ra cháy rừng cao.

Xem thêm
Thả 3 cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm về tự nhiên

Sau khi người dân tự nguyện giao nộp, 3 cá thể khỉ đuôi lợn đã được chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về tự nhiên để bảo tồn gen động vật quý hiếm.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm