| Hotline: 0983.970.780

Kết nối tiêu thụ nông sản thời Covid - 19

Thứ Năm 29/10/2020 , 11:05 (GMT+7)

Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp lại dễ dàng như hiện nay vì có khoa học hỗ trợ, chỉ còn lại một khâu khó là tiêu thụ sản phẩm nên cần kết nối

Sản xuất dễ hơn tiêu thụ

Tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chủ đề "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" diễn ra mới đây tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ông Hoàng Minh Hiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cùng hàng trăm đại biểu UBND các xã, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất, nông dân tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Theo bà Vũ Thị Hương thì trước đây có nhiều diễn đàn khuyến nông nhưng chủ yếu về kỹ thuật, hiện nay tình hình dịch Covid 19 kéo dài khiến cho nhiều nông sản tiêu thụ rất khó, giá hạ, bởi thế mà nhu cầu kết nối để tiêu thụ trở nên đặc biệt quan trọng.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Chương Mỹ đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như: Chuỗi giá trị sản xuất lúa hữu cơ do HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, Chuỗi trứng gà sạch Tiên Viên, Chuỗi giá trị sản xuất bưởi hữu cơ, bưởi VietGAP tại xã Nam Phương Tiến…

Với lợi thế vùng đất đồi gò, huyện đã quy hoạch vùng chuyên canh cây bưởi Diễn tại 7 xã, thị trấn với khoảng 656ha, trong đó 20ha đang sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm quy trình VietGAP tại các xã Nam Phương Tiến, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai. Hiện tại diện tích đã cho thu hoạch quả là 373 ha, năng suất ước đạt 25,5 tấn/ha; tổng sản lượng ước đạt 9.511 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 150 tỷ đồng.

Xã Nam Phương Tiến là vùng trồng bưởi Diễn lớn nhất của Chương Mỹ với gần 300ha, trong đó trên 150ha trong độ tuổi thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế đạt trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhờ trồng bưởi Diễn mà nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên làm giàu. Thương hiệu “Bưởi Chương Mỹ” đã dần tiếp cận đến người tiêu dùng Thủ đô. 

Hoa thiên lý-Một mặt hàng trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: NNVN.

Hoa thiên lý-Một mặt hàng trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: NNVN.

Toàn huyện có 382ha sản xuất rau chuyên canh, riêng 2 vùng rau lớn là thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương đã có 145,5ha với 5 công ty, đơn vị đến thuê đất, liên kết với nông dân để cùng phát triểt sản xuất VietGAP, hữu cơ.

Nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt đã bắt đầu được ứng dụng cùng các camera giám sát để truy xuất minh bạch rau trên điện thoại thông minh, với diện tích giám sát truy xuất nguồn gốc rau là 15 ha tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.

Nhờ đó, sản phẩm rau VietGAP Chúc Sơn có được đầu ra ổn định. Trung bình mỗi năm Chương Mỹ cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn rau các loại trong đó, sản lượng qua sơ chế, chế biến là 960 tấn, chủ yếu cho các siêu thị, trường học, bệnh viện… trên địa bàn TP.

Chương Mỹ còn là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển tốp đầu thành phố với 7 xã chăn nuôi lợn, gia cầm trọng điểm, 9 xã có khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, 7 xã có vùng nuôi thủy sản tập trung… 568 trang trại chăn nuôi. Huyện đã triển khai chương trình phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong đó thành công nhất là chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên quy mô 150.000 gà đẻ. Ngoài việc xây dựng 8 trang trại chăn nuôi theo quy mô khép kín, hiện đại, đơn vị này còn liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh cùng một quy trình kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 3 – 4 triệu quả trứng. Tại các trang trại và trại chăn nuôi vệ tinh, quy trình chăn nuôi luôn được kiểm soát chặt chẽ, trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi được đầu tư hiện đại.

Khách thăm các mặt hàng tại diễn đàn. Ảnh: NNVN.

Khách thăm các mặt hàng tại diễn đàn. Ảnh: NNVN.

Ngoài ra Chương Mỹ còn xuất hiện mô hình mới như nuôi thỏ của HTX thỏ Việt Nhật ở thôn Đại Từ, xã Lam Điền. Trang trại nuôi ở đây có diện tích 1ha với quy mô 700 con thỏ nái và 50 con đực mỗi tháng có hơn 4000 thỏ con ra đời. Tại đây, quy trình chăm sóc, quản lý được thực hiện theo hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Hàng tháng, phía Nhật Bản ra kế hoạch chăn nuôi xuất bán 3 lần, trừ các khoản chi phí mỗi tháng HTX thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng…

Những băn khoăn trong sản xuất

Tại diễn đàn lần này bà Hương - Giám đốc Hợp tác xã thỏ Việt – Nhật muốn ngoài sản xuất thỏ để cho đối tác Nhật Bản chế vắc xin thì còn mong có thể mở rộng sản xuất để đưa sản phẩm thịt thỏ tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thì phải kết nối với ai, ở đâu.

Ông Hậu - chủ hộ chăn nuôi bò BBB tại xã Lam Điền muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm bò thịt của trang trại, tiếp xúc được với các doanh nghiệp chứ không chỉ bán cho thương lái như hiện nay.

Ông Thiện- chủ hộ nông dân ở xã Trung Hòa trồng 500 gốc bưởi Diễn đã chuyển từ tiêu chuẩn VietGAP sang hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc đàng hoàng nhưng năm ngoái vẫn phải đánh cả ô tô đi bán dạo, rất vất vả mà giá cả chẳng được bao lăm nên muốn gặp đối tác tiêu thụ.

Ông Hùng-cơ sở dầu lạc Tô Lâm ở xã Tốt Động muốn giới thiệu về sự khác biệt của công nghệ sản xuất dầu lạc của đơn vị mình so với nhiều loại khác đang có trên thị trường để tìm kiếm khách tiêu thụ.

Ông Hồng-nông dân nuôi thủy sản ở xã Quảng Bị muốn hỏi cách làm thế nào để khi thu hoạch cá bán được giá mà không bị thương lái ép giá như hiện nay dù cá rất to và đẹp…

Nhưng tâm huyết nhất là ý kiến của ông Hoàng Văn Khảm – Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn: Sản phẩm của chúng tôi hiện đưa vào 3 hệ thống siêu thị nhưng có 4 thứ khó: Thứ nhất là số lượng bấp bênh lúc thị trường cháy hàng thì họ lấy 2,5 tấn/ngày cũng hết nhưng lúc thị trường nhiều thì 6,7 tạ mà hợp đồng đã ký ổn định với dân rồi; Thứ hai là giá cả bấp bênh, mặc cả không kém gì ngoài chợ; Thứ ba là vận chuyển khó khăn; Thứ tư là thanh toán nhiều khi không sòng phẳng, thời gian chờ đợi rất lâu.

Bà chủ của cơ sở dưa lưới. Ảnh: NNVN.

Bà chủ của cơ sở dưa lưới. Ảnh: NNVN.

Ông Khảm cũng nhận xét thẳng thắn về những tồn tại chung hiện nay của nông sản huyện nhà là độ đồng nhất, độ công khai minh bạch kém, sự thiếu trách nhiệm trong liên kết cả ở phía nông dân lẫn doanh nghiệp. Bởi thế phải làm truy xuất nguồn gốc không chỉ đến HTX mà phải truy xuất đến tận hộ: “Không làm truy xuất nguồn gốc đến từng hộ là dễ tự mình làm giả hàng của chính mình, những lúc thiếu dễ mua hàng ở bên ngoài trà trộn vào”.

Tất các những câu hỏi và ý kiến trên đã được thành viên Ban chủ tọa, Ban cố vấn giải đáp, trả lời một cách cụ thể.  Cũng tại diễn đàn đã diễn ra màn ký liên kết giữa các doanh nghiệp và các HTX, cơ sở sản xuất trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản.

Chính sách hỗ trợ hiện nay theo quy định các mô hình khuyến nông mới chỉ ở mức 75 triệu rất khó để có thể đòi hỏi công nghệ cao, quy mô lớn, mới hỗ trợ chủ yếu cho cây lúa, con lợn, con cá còn cây rau thì chưa. Trong liên kết thiếu sự vững bền bởi bà con khi giá thị trường thấp thì muốn vào chuỗi để có thể tiêu thụ sản phẩm nhưng khi giá cao thị trường cao thì muốn rời ra, doanh nghiệp nhiều khi cũng tìm cách tối đa hóa lợi nhuận tương tự thế.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm